19/02/2019 - 11:07

Hướng tới thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới

Nỗ lực từ cơ sở 

Năm học 2020-2021 tới, Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới chính thức được triển khai thực hiện đối với lớp 1. Để triển khai hiệu quả chương trình, ngay từ bây giờ các trường học và đội ngũ thầy cô giáo đã có những động thái chuẩn bị, đón đầu. 

Giờ học môn Ngữ văn của học sinh lớp 9, Trường THCS Trà An. 

Giờ học môn Ngữ văn về bài “Tiếng nói của văn nghệ” (tác giả Nguyễn Đình Thi) của học sinh lớp 9, Trường THCS Trà An, quận Bình Thủy, học sinh được chia thành từng nhóm nhỏ và cô Đào Thị Hương (giáo viên dạy môn Ngữ văn, phụ trách lớp) đã tổ chức các hoạt động trò chơi, đồng thời hình thành kiến thức bằng những câu chuyện thực tế từ cuộc sống. Mỗi một câu hỏi, cô đều yêu cầu mỗi nhóm đưa quan điểm, rồi đại diện nhóm tóm lại. Em Châu Thị Ngọc Hân cho biết: Cô tiếp cận và giảng bài dễ hiểu. Từ kiến thức giáo khoa, cô đã cho chúng em bài tập và ví dụ để hiểu sâu, nhớ bài học”.

Cô Đào Thị Hương là một trong những giáo viên tham gia các khóa học bồi dưỡng về phương pháp giảng dạy mới do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), ngành giáo dục thành phố tổ chức vừa qua, nhằm chuẩn bị lực lượng nòng cốt để tiên phong khi chương trình GDPT mới được áp dụng. 18 năm gắn bó với nghề, là giáo viên dạy giỏi cấp thành phố, cô Đào Thị Hương chia sẻ: “Với phương pháp dạy học truyền thống, giáo viên đưa ra câu hỏi thảo luận và chốt lại kiến thức học. Trong khi với cách dạy mới, cả cô trò đều trao đổi kiến thức, trong đó, học sinh đóng vai trò trung tâm thảo luận, chốt lại kiến thức đã học, giúp các em năng động hơn”. Theo cô Hương, sau khi tham dự các lớp tập huấn, cô vận dụng bài học sâu hơn và sát thực tế. Ví như với lớp đông học sinh, vốn là rào cản của chương trình mới, cô sẽ đi từng nhóm giám sát. Câu hỏi nào học sinh còn bỡ ngỡ, chưa tiếp thu, cô sẽ giải thích rõ hơn. Cô Trần Thị Bé Sáu, Hiệu trưởng Trường THCS Trà An, cho biết thêm: Tất cả giáo viên của trường đều được tạo điều kiện học tập nâng cao trình độ chuyên môn, phương pháp giảng dạy mới. Hiện các phòng học, trang thiết bị dạy học của trường đáp ứng yêu cầu dạy và học. Qua đánh giá kết quả học tập của học sinh ở 2 chương trình (đại trà và mới), học sinh theo học chương trình mới khả năng giao tiếp tự tin; mối quan hệ giữa thầy và trò gần gũi hơn. Học sinh có thể trao đổi với phụ huynh ở nhà hoặc lên mạng để học, không nhất thiết gò bó ở nội dung bài học… “Sắp tới, khi thực hiện chương trình GDPT mới, trường tin tưởng sẽ triển khai thuận lợi hơn, vì đã có đà phát triển từ chương trình các hoạt động đổi mới phương pháp dạy và học hiện nay”, cô Sáu nói.

Hiện quận Bình Thủy có 16 trường tiểu học, 2 trường THCS đã tổ chức thực hiện đổi mới phương pháp dạy học theo mô hình Trường học mới (VNEN), tổ chức hiệu quả các hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Đây là cơ sở để ngành giáo dục quận Bình Thủy triển khai hiệu quả chương trình GDPT mới. Tương tự, khi các văn bản liên quan đến chương trình GDPT mới ban hành, hầu hết các đơn vị, trường học trên địa bàn thành phố đều nỗ lực chuẩn bị nguồn lực, đổi mới hoạt động dạy và học theo cách riêng, phù hợp với địa phương. Đơn cử Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa, một trong 4 đơn vị đầu tiên của thành phố được chọn thực hiện Trường Điển hình đổi mới. Trường tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm sáng tạo, đa dạng. Em Tạ Thủy Tiên, học sinh của trường, nói: “Chúng em mong muốn giảm lý thuyết, thay vào đó hoạt động phần thực hành, trải nghiệm sẽ giúp em nhớ bài sâu và ứng dụng được”. Theo thầy Võ Thành Tâm, Hiệu trưởng Trường THCS Lương Thế Vinh, những hoạt động trải nghiệm sáng tạo, đổi mới dạy và học giúp các trường nâng cao hơn nữa hiệu quả giáo dục. Đây còn là tiền đề giúp các trường thực hiện hiệu quả chương trình GDPT mới.

Hầu hết các quận, huyện của TP Cần Thơ đã triển khai nhiều hoạt động đổi mới giáo dục, mang lại hiệu quả giáo dục tích cực. Mạng lưới trường lớp kiên cố, lực lượng giáo viên đạt chuẩn của thành phố đạt trên 90% - đảm bảo nguồn lực sẵn sàng phục vụ cho thực hiện chương trình GDPT mới. Thế nhưng, ghi nhận từ lãnh đạo ngành GD&ĐT các quận, huyện, nhất là huyện vùng ven còn một số khó khăn như: Số học sinh trong mỗi lớp đông. Riêng bậc tiểu học, theo chương trình mới, có thêm một số môn: Tìm hiểu công nghệ, Tìm hiểu Tin học, Thế giới công nghệ. Đây là môn học bắt buộc nhưng còn thiếu giáo viên, do chưa được tính biên chế. Hiện nay, giáo viên phụ trách hoạt động trải nghiệm sáng tạo phần lớn do giáo viên chủ nhiệm kiêm nhiệm thêm; một số địa phương vẫn còn điểm lẻ… Bà Nguyễn Kiều Phương, Trưởng phòng GD&ĐT quận Bình Thủy, cho biết: Dù điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị ở một số trường thuộc quận còn khó khăn, song quận cố gắng nỗ lực và luôn trong tâm thế sẵn sàng. Ngành tham mưu Sở GD&ĐT thành phố, địa phương đẩy mạnh đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trường lớp để thực hiện chương trình GDPT mới kịp thời, hiệu quả.

Giám đốc Sở GD&ĐT thành phố, bà Trần Hồng Thắm nhấn mạnh: Thành phố đang bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học phục vụ chương trình GDPT mới. Sắp tới, ngành tham mưu lãnh đạo UBND thành phố cũng như phối hợp ngành liên quan, địa phương cụ thể hóa các điều kiện về trường lớp, trang thiết bị từng trường theo lộ trình cụ thể, đảm bảo triển khai hiệu quả chương trình GDPT mới.

Bài, ảnh: B.Kiên

Chia sẻ bài viết