22/10/2021 - 15:05

Nỗ lực phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh 

Tại hội nghị trực tuyến khối Công Thương địa phương về tình hình hoạt động 9 tháng, nhiệm vụ giải pháp những tháng cuối năm 2021 và năm 2022 được tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị, trong những tháng còn lại của năm 2021, UBND tỉnh, thành phố thực hiện “mục tiêu kép”, vừa xây dựng giải pháp ứng phó với diễn biến dịch bệnh, đồng thời thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh. Khẩn trương hoàn thiện hệ thống chính sách phát triển công nghiệp, tập trung vào các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp hỗ trợ, sản xuất linh kiện... Các cơ quan thuộc Bộ cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; phát triển công nghiệp hỗ trợ; xử lý tốt vấn đề về truy xuất nguồn gốc và bảo đảm chất lượng sản phẩm nông sản Việt Nam…

Lãnh đạo TP Cần Thơ nỗ lực hỗ trợ các doanh nghiệp sớm phục hồi sản xuất kinh doanh sau ảnh hưởng làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4. Trong ảnh: Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ (bìa trái) thăm và kiểm tra hoạt động kinh doanh tại Siêu thị LOTTE Mart Cần Thơ.

Giữ đà tăng

Ông Ngô Quang Trung, Cục trưởng Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương), cho biết, tính chung 9 tháng năm 2021, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp ước tăng gần 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng trên 6%; ngành khai khoáng giảm 7,17%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước đạt gần 3.368.000 tỉ đồng, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá, giảm 8,7%.

Theo báo cáo của các sở công thương, 44/63 địa phương có tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Trong 9 tháng, 54/63 địa phương có kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, 31/63 địa phương tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cao hơn mức tăng chung của cả nước (cả nước tăng 18,8%). Các địa phương triển khai thực hiện tốt các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá. Hoạt động kết nối tiêu thụ nông sản được triển khai thường xuyên và liên tục thông qua các hội nghị tìm hiểu thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước, các hoạt động mở rộng thị trường thông qua thương mại điện tử. Công tác xúc tiến thương mại và kết nối cung cầu chuyển trọng tâm từ xúc tiến truyền thống sang xúc tiến thương mại hiện đại thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử và chuyển từ xúc tiến thương mại trực tiếp sang xúc tiến thương mại trực tuyến.

Trong 9 tháng năm 2021, do ảnh hưởng dịch COVID-19 lần thứ 4, hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các doanh nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ bị gián đoạn, gặp khó khăn... Theo đó, chỉ số phát triển công nghiệp giảm gần 9,8% so với cùng kỳ năm trước; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt gần 94.000 tỉ đồng, đạt 58,2% kế hoạch. Kim ngạch xuất khẩu của TP Cần Thơ đạt gần 74% so với kế hoạch, giảm 5,3% so với cùng kỳ năm 2020 với 3 mặt hàng xuất khẩu chủ lực, gồm: gạo (252 triệu USD, đạt trên 74% kế hoạch), thủy sản (388 triệu USD, đạt 80% kế hoạch), may mặc (125 triệu USD, đạt gần 76%). Hàng hóa thiết yếu và các loại hàng hóa trên địa bàn thành phố nguồn cung đầy đủ, giá ổn định, ngay cả trong giai đoạn cao điểm bị ảnh hưởng dịch bệnh, hàng hóa vẫn đảm bảo cung ứng cho nhu cầu người dân.

Linh hoạt để phục hồi kinh tế

Ý kiến lãnh đạo UBND các tỉnh và các sở công thương đều cho rằng, trong bối cảnh mới, thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, các giải pháp hỗ trợ, phục hồi phát triển kinh tế cần được triển khai quyết liệt, đồng bộ và thống nhất với mục tiêu xuyên suốt là bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư sản xuất kinh doanh, góp phần khôi phục và phát triển kinh tế xã hội. Ðồng thời tiếp tục huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch, đồng thời tập trung ưu tiên vaccine cho 100% người lao động. Ðặc biệt cần tăng cường đối thoại, giải quyết kịp thời các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp cũng như đẩy nhanh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, ách tắc trong cơ chế, chính sách phát triển kinh tế, sản xuất kinh doanh…

Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết, thành phố tập trung triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như đảm bảo hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân; chủ động tổ chức các hình thức cung cấp hàng hóa; đẩy mạnh phục hồi phát triển kinh tế sau khi dịch bệnh được kiểm soát ổn định. Ðồng thời, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh; thực hiện các giải pháp kích cầu, tiêu thụ nội địa; phối hợp theo dõi diễn biến thị trường; tăng cường ứng dụng thương mại điện tử, tăng cường kết nối cung ứng nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp, khôi phục lại thương mại, chợ truyền thống… Tuy nhiên, để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp trong việc khôi phục lại sản xuất, kinh doanh, thành phố kiến nghị Bộ Công Thương thực hiện các giải pháp hỗ trợ như ổn định giá phân bón, vật tư, thuốc bảo vệ thực vật phục vụ sản xuất nông sản để nông dân sớm khôi phục sản xuất; thực hiện giải pháp điều tiết thị trường nguồn cung ứng xăng dầu trong nước, kiềm chế tăng giá, đảm bảo bình ổn giá xăng dầu; xem xét, hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của TP Cần Thơ kết nối, tìm kiếm thị trường xuất khẩu do hiện nay lượng gạo tồn kho trong các doanh nghiệp này hiện còn khá cao (khoảng 270.000 tấn gạo, 76.000 tấn lúa)…

Dự báo những tháng cuối năm, tình hình kinh tế - xã hội nước ta còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình kinh tế quốc tế ngày càng phức tạp, khó lường. Ông Ngô Quang Trung, Cục trưởng Cục Công Thương địa phương, đề nghị một số giải pháp, nhiệm vụ chủ yếu như bám sát yêu cầu thực tiễn để tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; chú trọng đẩy mạnh triển khai các dự án đầu tư lớn của ngành, đặc biệt là các dự án trọng điểm, các dự án năng lượng, để vừa bảo đảm an ninh năng lượng, vừa góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả nước; tập trung khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của ngành công nghiệp như dầu khí, thép, cơ khí, điện tử, phân bón,...; đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa các mặt hàng thiết yếu nhất là vào các dịp cao điểm như Tết Nguyên đán năm 2022; triển khai và thúc đẩy mạnh mẽ các chương trình, biện pháp cụ thể để kích cầu tiêu dùng, phát triển thị trường trong nước hiệu quả, bền vững. Tiếp tục thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; đẩy mạnh hoạt động liên kết vùng giữa ngành Công Thương các tỉnh, thành phố…

Bài, ảnh: KHÁNH NAM

Chia sẻ bài viết