09/05/2010 - 09:24

Nỗ lực ngăn ngừa “cơn bão” tài chính từ châu Âu

“Đoàn tàu” Eurozone trước thời điểm đầy kịch tính. Ảnh: AP 

Lúc 8h30 tối 7-5, các nhà lãnh đạo 16 quốc gia khu vực đồng tiền chung euro (Eurozone) và chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã mở hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp kéo dài suốt 9 giờ tại Thủ đô Brussels của Bỉ. Cuộc họp diễn ra đúng lúc thị trường chứng khoán châu Âu và thế giới vừa kết thúc “ngày thứ sáu đen tối” sau đợt suy giảm mạnh cách đây 3 ngày. Chẳng hạn, chỉ số chứng khoán Paris (Pháp) giảm thêm 4,6%, Frankfurt (Đức) 4%, Madrid (Tây Ban Nha) 3,28%... Các nguyên thủ quốc gia thành viên Eurozone đã phê chuẩn kế hoạch kích hoạt gói viện trợ 110 tỉ euro cho Hy Lạp và thông báo thiết lập một “cơ chế can thiệp cộng đồng” nhằm giúp đỡ các nước thành viên đối phó với những khó khăn và duy trì sự ổn định tài chính.

Cơ chế này có thể được cụ thể hóa bằng một quỹ hỗ trợ khẩn cấp có thể lên đến 90 tỉ euro do Ủy ban châu Âu (EC) và ECB đóng góp. Tuy nhiên, đây chỉ mới là ý tưởng được chấp nhận trong cuộc họp, chứ chưa có gì đảm bảo nó sẽ được hiện thực hóa. Trong khi đó, vấn đề cải cách cơ chế giám sát, quản lý chặt chẽ hệ thống tài chính của khu vực không nhận được sự nhất trí của các nhà lãnh đạo. Theo các chuyên gia, chính sách tự hạch toán tài chính của mỗi quốc gia thành viên là nguyên nhân khiến nhiều nước vi phạm nguyên tắc ổn định tài chính mà không thể bị áp đặt các biện pháp trừng phạt.

Hôm nay 9-5, Bộ trưởng Tài chính 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) cũng sẽ có cuộc họp khẩn cấp tại Brussels. Điều này cho thấy “dư âm” của cuộc khủng hoảng tài chính tại Hy Lạp vẫn là mối đe dọa lớn đối với toàn EU. Theo các nhà phân tích, cuộc họp này sẽ không đưa ra thêm giải pháp mới mà chỉ thảo luận và thống nhất các “giải pháp mẫu” của Eurozone. Tình thế cấp bách hiện nay của EU là ngăn chặn nguy cơ trước mắt chứ chưa thể tính đến giải pháp gốc rễ vốn rất phức tạp.

Diễn biến xấu trên thị trường tài chính EU đang ảnh hưởng đến thế giới, khiến Canada ngày 7-5 đã phải “triệu tập” một hội nghị từ xa qui tụ bộ trưởng tài chính và chủ tịch ngân hàng trung ương của các quốc gia công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), trong đó có 4 quốc gia EU gồm Pháp, Đức, Ý và Anh, và 3 nước Mỹ, Nhật Bản, Canada. Lãnh đạo G7 đang lo ngại nguy cơ lan rộng của cuộc khủng hoảng tài chính tại châu Âu. Vì thế, Tổng thống Barack Obama trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố Mỹ sẽ tiếp tục các nỗ lực hợp tác với chính quyền các nước EU và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong nỗ lực dập tắt “cơn bão” ở châu lục này. Hôm 7-5, Ngân hàng Trung ương Nhật bất ngờ tung ra 2.000 tỉ yen (22,03 tỉ USD) tiền mặt nhằm điều tiết thị trường tài chính trong bối cảnh chỉ số chứng khoán ở nước này và trên thế giới mất điểm mạnh. Sự can thiệp bất ngờ lần đầu tiên trong vòng 5 tháng qua của Tokyo được hy vọng sẽ góp phần ngăn chặn “đại dịch” tài chính từ cựu lục địa.

PHÚC NGUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết