07/11/2010 - 20:44

QUẬN NINH KIỀU

Nỗ lực làm tốt công tác hòa giải, tăng cường đoàn kết trong nhân dân

Một buổi hòa giải ở khu vực 6, phường An Cư, quận Ninh Kiều.

Việc tiếp nhận, giải quyết khiếu nại tố cáo của nhân dân là một nhiệm vụ quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến lòng tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền. Thời gian qua, các ngành, các cấp ở quận Ninh Kiều quan tâm thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở, cơ bản giải quyết kịp thời những vấn đề nảy sinh, vướng mắc trong đời sống nhân dân, góp phần ngăn chặn, giảm thiểu nguy cơ phát sinh các điểm nóng… đáp ứng phần nào yêu cầu cấp bách của công tác dân vận chính quyền hiện nay…

Theo quy định tại Điều 1 của Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở và Điều 2 Nghị định 160/1999/NĐ-CP thì “Hòa giải ở cơ sở là việc hướng dẫn, giúp đỡ, thuyết phục các bên tranh chấp đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau những việc vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ nhằm giữ gìn đoàn kết trong nội bộ nhân dân, củng cố, phát huy những tình cảm và đạo lý truyền thống tốt đẹp trong gia đình và cộng đồng dân cư, phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong cộng đồng dân cư”. Nhận thức được tầm quan trọng của công tác hòa giải, thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể trên địa bàn quận Ninh Kiều luôn nỗ lực để nâng cao hiệu quả hòa giải các vụ việc, mâu thuẫn trong nhân dân, góp phần giữ vững an ninh trật tự ở địa phương.

An Cư là một trong những phường có tỷ lệ hòa giải thành khá cao, góp phần hạn chế số lượng đơn thư khiếu nại vượt cấp. Trong 10 năm qua, phường tổ chức hòa giải 1.132 vụ, trong đó hòa giải thành 918 vụ, đạt 81% trên tổng số vụ việc. Phường có Hội đồng Tư vấn giải quyết tranh chấp đất đai và 12 tổ hòa giải ở các khu vực. Thành viên của các tổ hòa giải là những người có phẩm chất đạo đức tốt, có uy tín trong nhân dân, có khả năng thuyết phục, tinh thần tự nguyện và do chính nhân dân bầu lên. Có mặt tại buổi hòa giải gần đây ở khu vực 6, phường An Cư, chúng tôi càng khâm phục về sự nhẫn nại, bình tĩnh, kiên trì phân tích thuyết phục một cách thấu tình, đạt lý của các hòa giải viên. Ông Phan Thế Tài, Trưởng khu vực 6, Tổ trưởng tổ hòa giải khu vực, cho biết: “Từ đầu năm đến nay, khu vực nhận 23 đơn và hòa giải thành 13 đơn. Khi tiếp nhận đơn của bà con là tổ hòa giải tiến hành xác minh, họp bàn thống nhất phương án giải quyết. Người được phân công đi xác minh phải trung thực, khách quan, lấy ý kiến của nguyên đơn, bị đơn, những người xung quanh, nếu những vụ phức tạp thì phải tham khảo thêm ý kiến của những người lớn tuổi có uy tín. Do bà con đi buôn bán, làm việc... nên đôi khi phải đi lại nhiều lần mới gặp được các đương sự. Thường cả hai phía nguyên đơn và bị đơn đều nóng giận, cho nên những người làm công tác hòa giải phải thật bình tĩnh, công tâm, xem xét kỹ từng vấn đề mà các đương sự trình bày để phân tích hợp tình, hợp lý mới thuyết phục được mọi người”. Với nhiều vụ việc, hòa giải về hôn nhân gia đình, tổ không chỉ mất thời gian tìm hiểu sự việc mà còn phải khéo léo gặp gỡ riêng người vợ và người chồng để phân tích, hóa giải mâu thuẫn. Điển hình trường hợp chị V.T.T. xin ly hôn vì giận chồng chỉ lo ăn chơi, cờ bạc, đánh vợ con... Các thành viên trong tổ hòa giải phải mất nhiều thời gian để động viên, phân tích, thuyết phục từng người, nhất là phân tích cho chồng chị T. nhận ra những việc làm sai trái và ăn năn, sửa chữa. Cuối cùng, vợ chồng chị V.T.T. làm hòa, chồng chị lo chí thú làm ăn, gia đình vui vẻ hạnh phúc. Hay vụ việc giữa gia đình chị L.T.H. và hàng xóm là bà N.T.K.H. Bà K.H. không đồng ý cho chị T.H. sửa lại nhà theo hiện trạng cũ vì cho rằng nước mưa từ mái nhà này sẽ ảnh hưởng đến nhà em bà. Tại buổi hòa giải, sau khi nghe các đương sự trình bày, các hòa giải viên đã phân tích, động viên, giúp bà K.H. và chị T.H. hóa giải được những hiểu lầm không đáng có. Chị T.H. bộc bạch: “Nhờ cán bộ hòa giải mà những mâu thuẫn giữa tôi và bà K.H. được giải quyết. Tôi đã xin lỗi bà K.H. vì những lời nói của mình gây hiểu nhầm, khiến sự việc càng phức tạp, hai bên không tự giải quyết được”. Theo ông Nguyễn Hoàng Tuấn, Chủ tịch UBND phường An Cư, sự nhiệt tình, tâm huyết của các thành viên ở các tổ hòa giải đã góp phần hạn chế đơn thư, khiếu kiện trong nhân dân, góp phần phổ biến, giáo dục pháp luật, hình thành trong mỗi cá nhân ý thức chấp hành pháp luật của Nhà nước.

An Bình cũng là một trong những địa phương có nhiều nỗ lực trong công tác hòa giải. Mười năm qua, phường đã tiếp nhận và giải quyết 809 lượt đơn thư khiếu nại, tranh chấp trong nhân dân, trong đó hòa giải thành 443 đơn (đạt tỷ lệ 54%) hạn chế thấp nhất lượng đơn chuyển về trên và không có đơn tồn đọng, không có trường hợp khiếu nại vượt cấp đông người. Theo ông Phạm Thanh Tùng, cán bộ Tư pháp và Hộ tịch phường An Bình, người làm công tác hòa giải không chỉ am hiểu pháp luật, nắm chắc nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn mà còn phải hiểu tâm lý của các đương sự, phân tích thấu đáo, giúp họ tỉnh táo nhìn ra sự thật, thấy rõ lợi hại của mặt này hay mặt khác, cái đúng cái sai của bên này bên kia hoặc cả 2 bên. Chỉ khi nào họ hiểu đúng đắn, thông cảm với nhau thì họ mới tự nguyện cùng nhau giải quyết mâu thuẫn. Hòa giải khác với xét xử hay xử kiện nên không được cưỡng ép, nhân danh hòa giải để bao che, bênh vực một bên, ép buộc bên kia phải chấp nhận hướng giải quyết của mình”. Với quan điểm, cách làm đó, những năm qua, đội ngũ cán bộ làm công tác hòa giải phường An Bình đã góp phần giải quyết nhiều vụ việc nhanh chóng, đúng luật, củng cố lòng tin của nhân dân. Đến khu vực 6, nhiều người còn tỏ ra tâm đắc với kết quả hòa giải vụ tranh chấp mương thủy lợi giữa gia đình ông Đ.V.V. và bà V.T.C. Trước đây, gia đình bà T.C. trồng dừa nước cặp mé mương để hạn chế sạt lở, sau nhiều năm dừa nước mọc lấn bít cả mương nhưng bà T.C. không cho chặt dừa nước để khai thông đường thoát nước. Ông V.V. bức xúc làm đơn nhờ khu vực can thiệp. Ông Phạm Văn Suông, Trưởng khu vực 6, kể: “Trước khi giải quyết, các thành viên trong tổ hòa giải đã đi xác minh và bàn bạc thống nhất hướng giải quyết là mương thủy lợi là của Nhà nước thì không ai có quyền được chiếm dụng. Vì vậy, bà T.C. phải để cho ông V.V. khai thông đường nước nhưng vẫn giữ lại một phần dừa nước lại cho bà T.C. Sau khi nghe các thành viên trong tổ hòa giải phân tích, cả hai đều đồng thuận với cách giải quyết của tổ”. Nhắc đến sự việc xảy ra 5 tháng trước, bà P.T.H. (vợ ông V.V.) vui vẻ nói: “Nhờ các cán bộ khu vực phân tích hợp tình hợp lý, tôn trọng ý kiến của người dân, không ép buộc bên nào nên gia đình tôi và gia đình bà T.C. đã hóa giải được mâu thuẫn. Sau sự việc ấy, gia đình tôi và bà T.C. trở lại vui vẻ như xưa”.

Bên cạnh sự nỗ lực của hệ thống chính trị cơ sở trong công tác hòa giải, thời gian qua, Văn phòng HĐND và UBND quận Ninh Kiều đã tích cực phối hợp với các phòng, ban, địa phương trong giải quyết đơn thư, khiếu nại của công dân. Trong 10 năm, bộ phận này đã tiếp 3.124 lượt công dân, nhận 2.546 đơn, thư khiếu nại tố cáo của công dân; trong đó, có 1.217 đơn thư không thuộc thẩm quyền, 1.329 đơn thư thuộc thẩm quyền, đã cùng các phòng, ban chuyên môn và UBND các phường xem xét đề xuất giải quyết 1.086 đơn, đạt tỷ lệ 81,71%. Các phường đã tích cực tham gia hòa giải thành nhiều vụ việc. Trong đó, phường Xuân Khánh đã thực hiện hòa giải 279 vụ, hòa giải thành 167 vụ; phường Thới Bình thực hiện hòa giải 525 vụ, hòa giải thành 362 vụ; phường An Hội thực hiện hòa giải 350 vụ, hòa giải thành 217 vụ; phường An Phú thực hiện hòa giải 395 vụ, hòa giải thành 285 vụ...

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo nhiều cán bộ làm công tác hòa giải, thời gian qua, công tác tiếp nhận, hòa giải ở cơ sở vẫn còn gặp không ít khó khăn, tỷ lệ hòa giải không thành ở các phường vẫn còn nhiều. Ông Nguyễn Hoàng Tuấn, Chủ tịch UBND phường An Cư, cho biết: “Để giải quyết các vụ khiếu nại liên quan đến đất đai, đôi khi việc triệu tập các thành viên trong Hội đồng Tư vấn giải quyết tranh chấp đất đai rất khó, vì ai cũng bận việc chuyên môn. Chính vì thế, UBND phường sắp xếp dành ngày thứ 5 hàng tuần để tiến hành hòa giải. Công tác xác minh, nhất là vụ phức tạp đòi hỏi phải đi lại nhiều lần, gặp nhiều người... nhưng không có kinh phí bồi dưỡng, chủ yếu các hòa giải viên làm việc với tinh thần tự nguyện. Việc cập nhật thông tin, chính sách pháp luật của các thành viên cũng còn hạn chế”. Theo ông Phạm Thanh Tùng, cán bộ Tư pháp và Hộ tịch phường An Bình, các vụ hòa giải không thành chủ yếu là tranh chấp đất đai, hôn nhân yêu cầu phân chia tài sản... Mặc dù các hòa giải viên cố gắng động viên, thuyết phục nhưng hầu hết những vụ này phải chuyển ra tòa. Đôi khi có những vụ việc các đương sự không cần hòa giải ở cơ sở mà một mực yêu cầu chuyển về trên. Nhiều vụ phức tạp cần đến sự can thiệp của luật pháp. Một nguyên nhân ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở, theo ông Nguyễn Văn Minh, Trưởng Phòng Tư pháp quận Ninh Kiều, là do lực lượng làm công tác hòa giải ở cơ sở luôn biến động, trình độ chuyên môn, nhất là kinh nghiệm vận dụng pháp luật vào thực tiễn còn ít, nhiều hạn chế... dẫn đến còn nhiều vụ việc hòa giải không đạt kết quả mong muốn. Đối với những vụ tranh chấp đất đai và tài sản gắn liền với đất, thường tỷ lệ hòa giải thành đạt thấp, trong đó có nguyên nhân các bên có liên quan còn xem nhẹ công tác hòa giải, xem đây chỉ là một thủ tục chiếu lệ, thủ tục luật định... họ chỉ trông chờ kết quả giải quyết ở cấp cao hơn theo quy định chung.

Thực tế khẳng định, hòa giải thành sẽ tiết kiệm được kinh phí, thời gian, công sức của các đương sự, cơ quan Nhà nước, khắc phục tình trạng khiếu kiện, nhanh chóng khắc phục những bất đồng, thúc đẩy quan hệ xã hội phát triển. Trong nhiều trường hợp hòa giải không thành cũng giúp các đương sự kiềm chế được mâu thuẫn, bất đồng, không để tranh chấp phát triển phức tạp thêm. Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa hiệu quả, chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở, ông Nguyễn Văn Minh, Trưởng Phòng Tư pháp quận Ninh Kiều khẳng định: “ Thực tế cho thấy cần phải mở rộng phạm vi điều chỉnh của công tác hòa giải, đổi mới toàn diện công tác này bằng việc ban hành Luật Tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở, nhằm tạo ra sự đồng bộ và thống nhất trong hệ thống pháp luật. Vì nguồn gốc phát sinh tranh chấp, mâu thuẫn ở cơ sở rất nhiều, đa dạng. Thông qua hoạt động hòa giải, người dân sẽ trực tiếp tham gia vào việc giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ cộng đồng dân cư, góp phần thiết thực vào việc dân chủ hóa mọi mặt của đời sống xã hội”.

Bài, ảnh: NGỌC THANH

Chia sẻ bài viết