08/02/2022 - 14:55

Nỗ lực chăm sóc, bảo vệ lúa đông xuân 

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, dịch bệnh trên cây trồng, chủ yếu lúa đông xuân 2021-2022 tại các quận, huyện ngoại thành trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần được kiểm soát chặt chẽ. Các loại dịch hại, sâu bệnh được kịp thời ngăn chặn, hạn chế tác hại xấu ảnh hưởng đến năng suất. Lúa đông xuân 2021-2022 phát triển tốt và hứa hẹn một vụ mùa bội thu...

Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ (bên trái) cùng ngành chức năng thăm đồng lúa đông xuân 2021-2022 tại huyện Cờ Đỏ vào đầu năm mới Nhâm Dần 2022.

Lúa phát triển tốt

Vụ lúa đông xuân 2021-2022, nông dân TP Cần Thơ đã xuống giống được 76.039ha, đạt 100% so với kế hoạch và thấp hơn 1.077ha so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu gieo sạ chiếm trên 90% diện tích. Ðến nay đã có hơn 55ha lúa đông xuân cho thu hoạch, tập trung chủ yếu tại quận Thốt Nốt và quận
Ô Môn.

Bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ, cho biết: Vụ đông xuân 2021-2022, các giống được nông dân sử dụng gieo sạ chủ yếu là đài thơm 8, IR 50404, Jasmine 85, OM 5451, OM 380, RVT… Trong đó, giống đài thơm 8 chiếm tỷ lệ 62,9%, tập trung tại các huyện Cờ Ðỏ, Vĩnh Thạnh, Thới Lai và quận Thốt Nốt; giống Jasmine 85 chiếm tỷ lệ 13,3%, tập trung chủ yếu tại huyện Cờ Ðỏ, Thới Lai, Vĩnh Thạnh; OM 5451 chiếm tỷ lệ 4,1% tập trung tại huyện Thới Lai và Cờ Ðỏ; OM 380 chiếm tỷ lệ 6,2% tập trung tại quận Ô Môn và huyện Thới Lai; OM 18 chiếm tỷ lệ 3,6% tập trung tại huyện Cờ Ðỏ, Vĩnh Thạnh và Thới Lai… Hầu hết các giống lúa gieo sạ trong vụ đông xuân này đáp ứng nhu cầu thị trường, điều kiện ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm của doanh nghiệp.

Lúa đông xuân chủ yếu đang ở giai đoạn trổ đến chắc xanh. Diện tích nhiễm dịch hại trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần là 286ha, thấp hơn 5.205ha so với cùng kỳ vụ đông xuân 2020-2021, trong đó chủ yếu do sự gây hại của muỗi hành, chuột, bệnh đạo ôn lá, bệnh cháy bìa lá… Ðối với rầy nâu có 70ha bị nhiễm, thấp hơn 3.109ha so với cùng kỳ vụ đông xuân năm trước; ấu trùng rầy nâu đang nở tuổi 1-2 xuất hiện trên lúa giai đoạn trổ với mật số phổ biến 1.000-2.000 con/m2, cục bộ mật số cao 3.000 con/m2 tập trung chủ yếu tại huyện Vĩnh Thạnh. Các huyện Cờ Ðỏ, Thới Lai và quận Thốt Nốt, rầy nâu xuất hiện rải rác mật số dưới mức thống kê diện tích từ 300-500 con/m2, cần tiếp tục theo dõi sau Tết Nguyên đán. Muỗi hành gây hại diện tích 62ha, giảm 72ha so với thời gian chưa nghỉ Tết Nguyên đán. Muỗi hành gây hại chủ yếu ở các chồi phụ, trên các chồi phụ phát hiện ong ký sinh đa phôi… Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn nông dân không phun thuốc trừ muỗi hành vì không hiệu quả, tiếp tục chăm sóc các chồi hữu hiệu trong ruộng để đảm bảo năng suất. Một số cánh đồng cũng xuất hiện chuột cắn phá trên ruộng lúa giai đoạn đòng trổ đến chắc xanh, diện tích gây hại 23ha, giảm 125ha so với thời gian chưa nghỉ Tết Nguyên đán, thấp hơn cùng kỳ 101ha. Bệnh đạo ôn lá gây hại diện tích 97ha, giảm 103ha so với thời gian chưa nghỉ Tết Nguyên đán và thấp hơn 1.308ha so với cùng kỳ, tỷ lệ gây hại phổ biến 5-10%, cao 15%, cấp bệnh 1-5 trên lúa giai đoạn đòng đến trổ, tập trung tại huyện Vĩnh Thạnh.

Theo bà Phạm Thị Minh Hiếu, dịch hại trên lúa đông xuân này giảm so với vụ lúa đông xuân 2020-2021 là nhờ ngành Nông nghiệp các quận, huyện khuyến cáo, nhắc nhở nông dân thường xuyên thăm đồng trong những ngày nghỉ Tết; bên cạnh đó, lực lượng khuyến nông, cán bộ bảo vệ thực vật được giao nhiệm vụ phụ trách từng cánh đồng lúa và cùng nông dân thăm đồng, kiểm tra và kịp thời phát hiện, xử lý sâu hại, dịch bệnh xuất hiện trên lúa…

Để vụ mùa bội thu

Ðể đảm bảo vụ đông xuân 2021-2022 được thắng lợi, Sở NN&PTNT TP Cần Thơ đề nghị ngành Nông nghiệp địa phương nhắc nhở nông dân theo dõi chặt chẽ tình hình sâu, bệnh, đặc biệt là tình hình rầy nâu cuối vụ và bệnh cháy bìa lá. Thường xuyên thăm đồng theo dõi mật số và sự phát triển của rầy nâu cũng như mật số thiên địch trên ruộng, nhanh chóng phát hiện khi mật số rầy gia tăng đột biến và xử lý tại những điểm cục bộ để hạn chế rầy lan rộng ra những diện tích xung quanh. Lưu ý bà con nông dân hạn chế phun thuốc khi không cần thiết để tạo ra sản phẩm an toàn và tiết kiệm chi phí. Trong đó, ngành Nông nghiệp các quận, huyện cử lực lượng cán bộ kỹ thuật, nhân viên trồng trọt và bảo vệ thực vật cấp cơ sở kiểm tra giám sát đồng ruộng thời điểm sau Tết; tổ chức cùng nông dân thăm đồng nắm chắc tình hình dịch hại và diễn biến rầy nâu, muỗi hành, rầy phấn trắng, bệnh đạo ôn, dự báo khả năng phát triển của dịch hại, khoanh vùng những nơi có diện tích nhiễm bệnh, hướng dẫn nông dân phòng trị kịp thời. Hiện nay, rầy nâu ngoài đồng chủ yếu đang ở giai đoạn ấu trùng tuổi 1-2, mật số phổ biến 300-500 con/m2...

Ðối với các ruộng lúa bị muỗi hành gây hại, khuyến cáo nông dân thăm đồng thường xuyên, tiếp tục chăm sóc lúa, bón phân cân đối, không bón thừa phân đạm, không nên nóng vội sử dụng thuốc trừ sâu phòng trừ muỗi hành vì đối với các trà lúa trổ, muỗi hành đã vũ hóa, việc phun thuốc hiệu quả không cao, làm tăng chi phí sản xuất và ô nhiễm môi trường. Nông dân cần tiếp tục theo dõi các ruộng lúa gieo sạ trễ, lúa giai đoạn đòng đến trổ tại các quận, huyện để có biện pháp xử lý an toàn khi muỗi hành xuất hiện. Bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông, khuyến cáo nông dân thăm đồng và kiểm tra kỹ vết bệnh trên lá lúa, đặc biệt là tán lá bên dưới, khi bệnh mới xuất hiện, hướng dẫn nông dân bơm nước vào ruộng và giữ mực nước trong ruộng 3-5cm, sử dụng thuốc đặc trị nấm bệnh đạo ôn trên lúa để giảm khả năng lây lan của bệnh. Trên những trà lúa trổ, đối với những ruộng đã nhiễm bệnh đạo ôn lá trước đó, khuyến cáo nông dân phun thuốc ngừa bệnh đạo ôn cổ bông trước và sau khi lúa trổ đều…

Mới đây, tại buổi thăm đồng đầu năm Nhâm Dần 2022, ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ đã gửi lời chúc mừng bà con nông dân, các hợp tác xã và công ty hoạt động thuộc lĩnh vực nông nghiệp một năm mới làm ăn thuận lợi, tiếp tục có nhiều đóng góp cho sự phát triển chung của thành phố. Ngành Nông nghiệp thành phố thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết, thông báo đến nông dân khi thời tiết xấu có thể ảnh hưởng đến sản xuất để kịp thời ứng phó, hạn chế thiệt hại. Tăng cường thanh tra, kiểm tra các hoạt động kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, không để tình trạng lợi dụng chống dịch COVID-19 hoặc trong thời điểm dịch bệnh trên cây trồng phát triển để tăng giá hoặc bán hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm… 

Chia sẻ bài viết