24/11/2010 - 21:41

TP CẦN THƠ

Nỗ lực bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu

Tại thị trường TP Cần Thơ, trong khoảng 1 tháng trở lại đây, giá phần lớn các mặt hàng thiết yếu đều có biến động tăng. Nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm, rau củ quả... giá đã tăng gấp rưỡi, gấp hai lần so với tháng trước. Nhằm góp phần giảm gánh nặng lên vai người tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp ở TP Cần Thơ đã tích cực tham gia bình ổn giá...

Biến động giá

So với tháng trước, hiện giá nhiều loại đường cát đã tăng 5.000-6.000 đồng/kg, còn giá nhiều loại dầu ăn tăng 1.000-13.000 đồng/lít, tùy loại. Giá nhiều loại bột ngọt, nước mắm cũng tăng 3.000-10.000 đồng/kg hoặc lít so với tháng trước. Hiện giá bán lẻ các loại đường cát tại nhiều chợ trong thành phố phổ biến ở mức 23.000 -24.000 đồng/kg. Trong khi đó, tại siêu thị Co.op Mart Cần Thơ (nơi đang có chương trình bình ổn giá đối với một số mặt hàng thiết yếu) hiện giá đường cát Biên Hòa (Re) cũng ở mức 23.000 đồng/kg, đường cát tinh luyện đóng gói (loại hạt nhuyễn) khoảng 22.300 đồng/kg. Hiện giá các loại dầu ăn thường của các hãng như: Neptune, Đệ Nhất, Tường An, Marvela... tại nhiều chợ trong thành phố ở mức 32.000- 37.000 đồng/lít, còn các loại cao cấp giá 38.000-65.000 đồng/lít; bột ngọt (Vedan, Ajinomoto...) 42.000- 51.000 đồng/kg. Chị Trần Thị Ánh Phương, ở phường An Hòa, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, cho biết: “Hồi tháng 10-2010, giá đường cát chỉ 18.000-19.000 đồng/kg, nhưng cách nay 2 tuần đã tăng lên 22.000 đồng/kg và ngày 22-11, tôi phải mua với giá 24.000 đồng/kg. Không hiểu sao năm nay giá đường cát lại tăng vọt như thế ?”. Giá cả hàng hóa tăng tịnh tiến, gây áp lực rất lớn đến việc tính toán chi tiêu của nhiều bà nội trợ.

Ở các chợ, nhiều mặt hàng tăng giá, khiến không ít người tiêu dùng lo lắng. 

Không chỉ hàng thực phẩm công nghệ, giá nhiều mặt hàng thực phẩm tươi sống cũng đang đẩy lên mức cao. Trong đó, giá nhiều loại thịt heo, thịt bò, trâu và một số loại thịt gia cầm đã tăng 5.000-10.000 đồng/kg so với tháng trước. Tại nhiều chợ nội ô thành phố, giá thịt nạc ở mức 60.000-62.000 đồng/kg, thịt đùi và ba rọi 54.000-55.000 đồng. Thịt bò phi lê 140.000-150.000 đồng/kg, tăng khoảng 10.000 đồng/kg; gà ta làm sẵn 100.000-110.000 đồng, tăng 10.000 đồng/kg; vịt ta làm sẵn 45.000- 50.000 đồng/kg, vịt xiêm 75.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg... so với trước. Hiện giá nhiều loại thủy sản nước ngọt, nhất là các loại cá đồng đánh bắt tự nhiên vẫn đang mức cao, do nhu cầu tiêu thụ tăng, trong khi nguồn cung hạn chế. Cụ thể, giá cá lóc đồng và trê vàng đánh bắt tự nhiên đang ở mức 60.000-70.000 đồng/kg.

Bà Dương Thị Kim Hạnh, tiểu thương bán thịt heo tại chợ An Hòa, TP Cần Thơ, cho biết: “Từ đầu tháng 11-2010 đến nay, sức tiêu thụ các loại thịt heo trở lại bình thường. Giá nhiều loại thịt heo như: sườn, nạc, đùi và ba rọi đã tăng 5.000-7.000 đồng/kg so với trước, do giá heo hơi tăng. Trong khi nguồn cung heo hơi giảm sau đợt dịch bệnh và giá thức ăn chăn nuôi tăng, nên thời gian tới, giá thịt heo sẽ còn tăng hoặc đứng ở mức cao chứ khó giảm”. Theo bà Nguyễn Thị Cúc (tiểu thương bán cá tại Trung tâm Thương mại Cái Khế, quận Ninh Kiều), hiện giá một số loại thủy sản nước mặn (như cá biển, tôm sú...) đã tăng vài ngàn đồng đến vài chục ngàn đồng/kg so với tháng trước do lượng hàng về chợ ít.

Bên cạnh đó, nguồn cung giảm và việc sản xuất gặp khó, nên giá nhiều loại rau củ như: rau ăn lá, dưa leo, cà-rốt, đậu cô ve... đã tăng thêm 2.000-5.000 đồng/kg so với cuối tháng trước. Hiện giá bán lẻ nhiều loại rau củ đã ở mức trên 10.000 đồng/kg, như: cà-rốt Đà Lạt 15.000 đồng/kg, đậu cô ve 12.000 đồng/kg. Theo đà tăng của giá lúa và gạo xuất khẩu, hiện giá nhiều loại gạo bán lẻ tại các chợ cũng đã tăng thêm 500-1.000 đồng/kg. Hiện giá bán lẻ các loại gạo thường tại thành phố (gồm gạo lúa tròn, dài lỡ và lúa dài: IR50404, OM 1490, Hàm Trâu, Một Bụi... ở mức 9.000-11.000 đồng/kg, còn các loại gạo thơm (như: Jasmine 85, VD 20, gạo hương Lài, chợ Đào...) giá 12.000-16.000 đồng/kg...

Doanh nghiệp sẵn sàng tham gia bình ổn giá

Trước tình hình tăng giá của nhiều mặt hàng, người tiêu dùng đã phải tính toán lại các khoản chi tiêu hằng ngày. Có người vẫn mua sắm bình thường theo kiểu “cần tới đâu mua tới đó”, có người thì sợ giá tăng thêm đã tranh thủ mua dự trữ trước những mặt hàng thực phẩm công nghệ có thể trữ lâu như đường cát, bột ngọt...

Theo nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại-dịch vụ ở TP Cần Thơ, gần đây giá nhiều mặt hàng có biến động tăng do các chi phí sản xuất đầu vào tăng và nguồn cung bị tác động bởi các yếu tố thời tiết, thời vụ... Bên cạnh đó, còn do sự mất cân đối cục bộ giữa cung và cầu ở một số nơi, tâm lý một bộ phận người dân sợ giá tăng, có xu hướng đổ xô đi mua một số loại hàng nào đó khi chưa thật có nhu cầu, cũng làm đẩy giá lên cao. Ngoài ra, không loại trừ khả năng có tình trạng đầu cơ, “làm giá” ở các chợ lẻ. Theo khẳng định của các doanh nghiệp cung ứng hàng thực phẩm, lương thực, nguồn cung trên thị trường vẫn khá dồi dào, đảm bảo tốt nhu cầu người dân. Do vậy, người dân không nên đổ xô đi mua tích trữ hàng hóa.

Bà Lê Thị Lệ Hoa, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Sài Gòn-Cần Thơ (Siêu thị Co.opMart Cần Thơ), cho biết: “Gần đây, giá nhiều mặt hàng có biến động tăng, do ảnh hưởng của giá nguyên liệu đầu vào tăng, nhưng nguồn cung vẫn luôn đảm bảo, nhất là các mặt hàng thiết yếu như: đường cát, bột ngọt, dầu ăn và một số loại thực phẩm tươi sống khác. Dù giá một số mặt hàng như đường cát, dầu ăn ở các chợ lẻ bên ngoài tăng mạnh, nhưng siêu thị luôn cố gắng giữ bình ổn, không tăng giá nhiều và bán với giá thấp hơn bên ngoài nhằm góp phần bình ổn thị trường”. Theo bà Hoa, từ đầu tháng 11-2010, siêu thị đã yêu cầu mỗi khách hàng chỉ mua 2 kg đường, còn dầu ăn thì 2 lít. Siêu thị làm như vậy không phải vì thiếu hàng mà nhằm mục đích phục vụ nhu cầu tiêu dùng thật sự của người dân và tránh tình trạng người dân mua kiểu thu gom để đầu cơ hoặc đem ra ngoài bán lại với giá cao hơn.

Còn theo ông Lê Minh Trượng, Giám đốc Công ty Lương thực Sông Hậu, để góp phần bình ổn thị trường, hiện công ty đã triển khai cho hệ thống 9 cửa hàng bán lẻ của công ty chuẩn bị một lượng hàng với tổng giá trị khoảng 48 tỉ đồng. Trong đó, nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình bình ổn giá của thành phố là 5 tỉ đồng. Các mặt hàng mà Công ty Lương thực Sông Hậu tham gia bán hàng bình ổn chủ yếu là hàng thiết yếu như: gạo, đường, sữa, bột ngọt, dầu ăn, mì gói, với phương châm phục vụ cho người dân là chính, không đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu. Riêng mặt hàng gạo, công ty đã chuẩn bị khoảng 5.000 tấn và sẵn sàng cung ứng cho thị trường với giá bán thấp hơn bên ngoài khoảng 10%... Người dân không phải lo về chuyện thiếu gạo.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết