08/06/2019 - 09:32

Niềm vui tuổi già

Mỗi ngày, ngồi tựa cửa nhìn ra thửa ruộng xanh mướt và nghe gió thổi lồng lộng, ông bà lại mỉm cười mãn nguyện. Ở cái tuổi gần đất xa trời, với ông bà, không gì vui hơn khi được thấy các con đều đã nên nhà nên cửa, có đôi có bạn và nhất là vẫn hết lòng yêu thương đùm bọc nhau.

Mới đây, ông bị tai nạn giao thông, gãy chân trái. Vào bệnh viện, bác sĩ yêu cầu phẫu thuật ngay. Các con của ông bà hay tin, có mặt đông đủ, người góp 15 triệu đồng, người góp 10 triệu đồng, nhưng ông xua tay không nhận, tự bỏ tiền túi để điều trị. Nhiều bệnh nhân chung phòng thắc mắc sao ông có phúc lại không biết hưởng. Ông chỉ cười rồi nói nhận vậy tội nghiệp đứa con áp út. Trong mấy đứa con của ông, người áp út có hoàn cảnh khó khăn nhất. Ông nói ông biết chắc, số tiền 10 triệu đồng đứa con này góp với mấy anh chị em cho cha trị bệnh là tiền vay mượn. Nếu ông nhận sẽ làm khổ con, còn nhận của những người con còn lại, không nhận của đứa con áp út, các con sẽ có tâm lý so bì, hoặc nếu không thì đứa con áp út cũng sẽ tủi thân. Ông không muốn như thế! Kết quả, các con của ông bà bàn nhau, đem góp hết số tiền này vào 1 quyển sổ tiết kiệm, để dành chi mỗi khi các thành viên trong gia đình gặp khó khăn đột xuất.

Hồi bàn chuyện miếng đất sau nhà, tài sản lớn nhất mà ông bà tích cóp được, các con của ông đều không muốn chia 4, xẻ 5. Ai cũng cho rằng được cha mẹ cho học hành, có nghề nghiệp đã là tài sản lớn nhất, đủ để tự lo kiếm sống. Chỉ nghe vậy, bà đã chực khóc vì mừng. Không thuyết phục được các con trong việc phân chia tài sản, ông bà đành tự đưa ra quyết định khi viết bản di chúc.

Ông bà có cả thảy 4 người con: 2 trai, 2 gái. Nhà nghèo, ông bà tảo tần nuôi con bằng nhiều nghề. Ban ngày thì làm thuê, ban đêm lại tranh thủ giăng lưới, cắm câu. Giấc ngủ mỗi đêm của ông bà chưa khi nào đến trước nửa đêm và dừng sau tiếng gà gáy sáng. Tuy lao động chân tay vất vả, lại một chữ bẻ đôi không biết, nhưng ông bà nhất trí mỗi tháng đều cố gắng cho con đi chơi một lần. Quà cho con sau mỗi tháng chăm ngoan, siêng năng, học giỏi là vài ly nước mía, mấy hột vịt lộn hay đi công viên chơi vài trò chơi hoặc đơn giản chỉ 1 quyển truyện tranh. Những niềm vui nho nhỏ này đều được chia sẻ khi có đủ mặt các thành viên trong gia đình. Quần quật nhiều năm, ông bà nuôi 3 người con vào đại học, duy chỉ con gái lớn chịu thiệt, phải nghỉ học sớm để phụ cha mẹ chăm sóc em. Khi đời sống ổn định hơn, con gái lớn kịp học được nghề may trước khi xuất giá. Bao nhiêu năm vẫn vậy, cứ mỗi dịp Tết đến, ngoài quần áo cho ông bà, cô con gái lớn còn may thêm áo cho đứa em trai sắp cưới vợ, hay đứa em dâu vừa cấn bầu, hoặc đứa cháu vừa chập chững biết đi. Còn những đứa em không quên tặng chị thêm vài dụng cụ máy móc phục vụ nghề.

Người ta nói “ở xa mỏi chân, ở gần mỏi miệng” nhưng may mắn dù ông bà dựng vợ, gả chồng cho các con đều ở gần nhà nhưng tất cả đều có cuộc sống yên ấm, chưa khi nào làm ông bà phiền lòng. Cứ 1-2 tháng, cả nhà lại có dịp họp mặt đông đủ. Nhìn con cháu quây quần, ông bà lại thầm nói với nhau, như vậy đã đủ vui và hạnh phúc! 

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
tuổi già