01/08/2008 - 20:49

Thực hiện Quyết định 289/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ

Niềm vui đã đến với ngư dân

Hiện nay, nhiều địa phương ven biển khu vực ĐBSCL như: Kiên Giang, Cà Mau, Trà Vinh đang tích cực hỗ trợ ngư dân lập hồ sơ để sớm nhận tiền hỗ trợ mua dầu tiếp tục ra khơi đánh bắt hải sản theo Quyết định 289/QĐ-TTg ngày 18-3-2008 của Thủ tướng Chính phủ. Đã có nhiều ngư dân phấn khởi khi được nhận tiền hỗ trợ đợt đầu. Tuy nhiên, phần lớn ngư dân đang gặp nhiều khó khăn về mặt thủ tục khi lập hồ sơ nhận tiền hỗ trợ, cần được chính quyền địa phương giúp đỡ.

* Trợ lực cho ngư dân bám biển

Theo số liệu thống kê của Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Cà Mau, tính đến đầu tháng 7 năm 2008, toàn tỉnh có 3.625 phương tiện hoạt động khai thác thủy sản và dịch vụ thủy sản, nhưng mới chỉ 2.970 phương tiện đã đăng ký, đăng kiểm. Trong đó, có 1.631 phương tiện đáp ứng được các điều kiện để hưởng chính sách hỗ trợ dầu. Đến nay, UBND các xã có tàu cá đã tiếp nhận 734 hồ sơ yêu cầu hỗ trợ của ngư dân. Hội đồng xét duyệt hồ sơ của UBND các huyện U Minh và Phú Tân đã xét 136 hồ sơ, với 109 hồ sơ đạt yêu cầu, số tiền cần hỗ trợ hơn 1,24 tỉ đồng.

Ngư dân Trà Vinh đang đánh bắt trên biển.
Ảnh: Q.D 

Ông Cao Văn Thanh, chủ tàu cá ở huyện U Minh vừa nhận được tiền hỗ trợ dầu đợt đầu vào ngày 31-7, phấn khởi nói: “Sau gần 4 tháng chờ đợi, tôi rất mừng khi nhận được 20 triệu đồng tiền hỗ trợ dầu đợt đầu. Số tiền này giúp tôi tháo gỡ phần nào khó khăn, giảm gánh nặng trong những chuyến ra khơi trong điều kiện giá dầu tăng cao như hiện nay”.

Do mất nhiều thời gian tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình lập hồ sơ, thủ tục, nên đến nay số lượng hồ sơ yêu cầu hỗ trợ của ngư dân được duyệt còn ít và chậm. Các cấp, các ngành trong tỉnh Cà Mau phấn đấu đến cuối năm 2008, sẽ giải ngân cho tất cả phương tiện đủ điều kiện.

Đội tàu khai thác hải sản của Kiên Giang lớn nhất cả nước, với tổng số hiện có 7.265 tàu. Đến thời điểm này, đã có 2.232 chiếc được lập hồ sơ để thẩm định. Ông Trần Thanh Nam, Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Kiên Giang, cho biết: Ngành đang phối hợp các ngành chức năng, các địa phương và cử cán bộ đăng kiểm lại tàu đến từng địa bàn để giảm bớt chi phí của ngư dân, đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ. Bằng mọi giá phải đưa chính sách này đến tay ngư dân trong thời gian sớm nhất.

Ông Tô Duy Đại, một ngư dân có tàu khai thác hải sản xa bờ ở phường Rạch Sỏi (TP Rạch Giá), cho biết: “Trong điều kiện kinh tế khó khăn, chính sách hỗ trợ giá dầu của Chính phủ đã giúp ngư dân giảm bớt phần nào khó khăn. Nhờ đó, ngư dân nỗ lực tiết giảm chi phí mỗi chuyến biển, tàu có thể ra khơi được khi giá hải sản cũng đã tăng lên trong thời gian qua. Điều vui nhất là Chính phủ thấy được khó khăn và cùng chia sẻ với ngư dân...”. Đợt I, Kiên Giang đã giải ngân được trên 8,5 tỉ đồng hỗ trợ tiền dầu cho 775 tàu đánh cá vừa hoàn tất thủ tục và hỗ trợ 317 triệu đồng chi phí bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm tai nạn thuyền cho 20 tàu. Ngư phủ Nguyễn Văn Thanh phấn khởi nói: “Có Chính phủ hỗ trợ, các chủ tàu có thêm nguồn kinh phí để hoạt động, anh em ngư phủ cũng có công ăn việc làm để lo cho gia đình. Từ nay, ngư phủ đều được mua bảo hiểm tai nạn. Trước đây, rất ít chủ tàu bỏ tiền ra mua bảo hiểm tai nạn cho thuyền viên. Còn bây giờ, có nguồn hỗ trợ này, ngư phủ cũng an tâm hơn...”.

Ông Lâm Tấn Thanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Cú (Trà Vinh), cho biết: “Trà Cú là địa phương có số lượng tàu khai thác hải sản xa bờ khá lớn của tỉnh. Tính đến nay, toàn huyện đã hoàn chỉnh hồ sơ được hơn 120/173 tàu của ngư dân. Tuy nhiên, chưa hộ ngư dân nào nhận được vốn là do thời gian qua một số địa phương còn gặp khó khăn, vướng mắc trong thực hiện theo quy định của Chính phủ: công tác phối hợp giữa các địa phương, cơ quan chức năng, các cấp còn chậm. Huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt để đầu tháng 8-2008 này sẽ giải ngân kinh phí hỗ trợ cho ngư dân”.

* Khẩn trương tháo gỡ khó khăn

Tại Bạc Liêu, đến đầu tháng 8-2008, chưa có hồ sơ xin hỗ trợ nào được duyệt. Ông Tạ Minh Phú, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bạc Liêu, cho biết: Do đa số các chủ phương tiện khi thực hiện kê khai đều làm chậm, thủ tục về nguồn gốc xuất xứ của tàu không hoàn chỉnh như: có hồ sơ máy thì không có thiết kế đóng tàu; những phương tiện đã qua mua đi bán lại càng phức tạp trong việc kê khai theo qui định của biểu mẫu. Về phía ngành nông nghiệp, tuy cơ bản thống kê được phương tiện, chủng loại nghề, công suất của từng phương tiện, nhưng khi chuyển hồ sơ sang ngành Tài chính và Kho bạc đều vướng thủ tục, kê khai không đúng biểu mẫu qui định nên bị trả hồ sơ làm lại từ đầu. Vì vậy, người dân rất ngán ngại, khi phải đi lại nhiều lần mà vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ.

Ông Nguyễn Trường Hận, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đông Hải, nơi có hơn 50% tàu thuyền khai thác thủy sản toàn tỉnh, cho biết: Trên 400 giấy đăng ký tàu thuyền của ngư dân đều thế chấp ngân hàng để vay vốn, do vậy phải đợi các ngư dân hoàn tất thủ tục này. Để tháo gỡ khó khăn, huyện sẽ cùng với ngành nông nghiệp, nơi chủ phương tiện cư trú thống nhất xác định nguồn gốc của phương tiện, đối tượng được hỗ trợ, xác nhận để cơ quan tài chính làm cơ sở xem xét việc hỗ trợ cho ngư dân. Hồ sơ nào xong, đề nghị ngành Tài chính, Kho bạc giải ngân ngay để chi trả cho người thụ hưởng, giúp ngư dân sớm nhận được tiền hỗ trợ, an tâm tổ chức sản xuất.

Ông Nguyễn Trung Dũng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Trà Vinh, cho biết: Hiện tỉnh Trà Vinh có trên 1.128 chiếc tàu khai thác hải sản, với tổng công suất trên 52.000 CV. Trong đó, có trên 245 chiếc tàu khai thác hải sản xa bờ có công suất từ 75-350 CV. Vừa qua, Bộ Tài chính đã phân bổ cho tỉnh Trà Vinh trên 16 tỉ đồng hỗ trợ ngư dân. Để giúp ngư dân sớm nhận được kinh phí, ngành nông nghiệp phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành hữu quan và các địa phương quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các huyện còn lại để vào đầu tháng 8-2008 tiến hành giải ngân cho ngư dân. Đồng thời, tập trung chỉ đạo Chi cục Bảo vệ Nguồn lợi Thủy sản, Thanh tra Thủy sản, Trung tâm Khuyến ngư, Hội Nghề cá tỉnh phối hợp các địa phương ven biển chuyển giao các lớp tập huấn kỹ thuật tay nghề đánh bắt, mở các lớp thuyền - máy trưởng miễn phí cho ngư dân. Ngoài ra, tiếp tục vận động ngư dân tổ chức thành lập các Tổ -Đội khai thác trên biển nhằm hỗ trợ nhau trong sản xuất để tiết giảm chi phí; hỗ trợ nhau khi gặp nạn hoặc mưa bão, bị hỏng máy,... Đến nay, đã thành lập được 12 Tổ khai thác với trên 50 tàu có công suất từ 90 - 350 CV tại xã Định An, huyện Trà Cú.

Ông Lê Hữu Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, cho biết: “Theo quy định, các tàu phải hoạt động 6 tháng đến 1 năm trở lên mới được hỗ trợ giá dầu. Điều này gây khó khăn cho các tàu mới đăng ký đăng kiểm từ tháng 6, tháng 7-2008. Trước tình hình đó, địa phương đã xin ý kiến của Chính phủ, Bộ NN&PTNT và được chấp thuận hỗ trợ cho tàu hoạt động dưới 6 tháng mức hỗ trợ 1-2 lần trong thời gian năm đầu tiên. Sau đó sẽ được hỗ trợ mức tối đa theo quy định. Nhờ đó, ngư dân phấn khởi và Chính sách của Chính phủ cũng đến được với từng ngư phủ ở Kiên Giang”.

NHÓM PV-CTV

Ngày 30-7-2008, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã ký công điện số 1225/CĐ-TTg gửi UBND các tỉnh, thành phố ven biển, Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

- UBND các tỉnh, thành tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương hướng dẫn ngư dân làm các thủ tục nhận hỗ trợ theo quy định, trước hết là hỗ trợ kinh phí mua dầu theo nguyên tắc: thủ tục phải đơn giản, thuận tiện, phù hợp với thực tiễn và trình độ của cộng đồng ngư dân, không được yêu cầu thêm các điều kiện khác, ngoài các điều kiện đã được quy định. Những vướng mắc trong quá trình thực hiện phải chủ động xử lý, trường hợp vượt quá thẩm quyền kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

- Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT và các địa phương thực hiện hỗ trợ cho ngư dân đảm bảo nhanh gọn, sát với thực tiễn, nhất là về thủ tục hành chính, đồng thời đúng mục tiêu và đối tượng.

Chia sẻ bài viết