09/11/2011 - 14:10

ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

Những yêu cầu cấp thiết

Nhiều xã NTM thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, giúp người dân nông thôn nâng cao thu nhập.

Ngày 4-6-2010, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 800/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng (XD) nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010-2020 (QĐ 800). Trước đó, ngày 16-4-2009, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 491/QĐ-TTg về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về NTM (bao gồm 19 tiêu chí)... triển khai công tác XD NTM, đến nay, các địa phương trong vùng ĐBSCL đã đạt được nhiều kết quả cơ bản. Tuy nhiên, còn nhiều khó khăn, bất cập nảy sinh cần sự quan tâm giải quyết của các ngành hữu quan...

NHỮNG KẾT QUẢ CƠ BẢN BƯỚC ĐẦU

Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn - Bộ NN&PTNT, thực hiện QĐ 800, phần lớn các xã, đặc biệt là các địa phương vùng ĐBSCL xuất phát điểm còn rất thấp. Tuy nhiên, đến nay, chương trình XD NTM đã có những kết quả đáng khích lệ bước đầu. Trong đó, phần lớn các địa phương đã hoàn thành việc thành lập Ban chỉ đạo thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia XD NTM cấp tỉnh, Ban quản lý xã NTM; chọn các xã điểm để làm mô hình điểm. Đến đầu tháng 10-2011, có 100% xã trong cả nước đã đánh giá sơ bộ hiện trạng nông thôn; 51% xã (ĐBSCL là 30%) triển khai công tác quy hoạch; 39% xã (ĐBSCL là 23%) triển khai XD đề án xã NTM...

Về kết quả đạt được, ông Lư Phước Hiệp, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Trà Vinh, cho rằng: Nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các ngành, các cấp trong công tác tuyên truyền vận động trong nội bộ, đoàn thể và nhân dân được triển khai. Qua đó đã tập trung các nguồn lực đầu tư XD kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu vùng nông thôn, thiết chế văn hóa cơ sở, hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo... Ngoài ra, việc huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực ở nông thôn, môi trường nông thôn tương đối ổn định; cư dân nông thôn có thêm việc làm, thu nhập được nâng cao góp phần xóa đói giảm nghèo, diện mạo nông thôn đổi mới, đời sống nông dân từng bước được cải thiện... Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia XD NTM, Trà Vinh chọn 17 xã điểm của 8 huyện, thành phố để chỉ đạo điểm, phấn đấu đến năm 2015 toàn tỉnh có 18 xã đạt 19/19 tiêu chí, thêm ít nhất 25 xã đạt 12/19 tiêu chí, các xã còn lại đạt từ 7/19 tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia về NTM trở lên...

Qua gần 2 năm thực hiện XD NTM, nhiều tiêu chí NTM trước đây ở tỉnh An Giang chưa có hoặc mức độ đạt được còn thấp, đến nay có sự chuyển biến tích cực. Theo Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, kết quả khảo sát sơ bộ theo 20 tiêu chí của Bộ tiêu chí An Giang về NTM, đến đầu tháng 10-2011, tỉnh có 9 xã đạt từ 10 - 13 tiêu chí, 78 xã đạt từ 6 - 9 tiêu chí, 25 xã đạt 5 tiêu chí, 24 xã đạt dưới 5 tiêu chí. Theo Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia XD NTM tỉnh An Giang, để đạt kết quả cao trong XD NTM, trong công tác chỉ đạo cần có sự tập trung thống nhất và tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời các nhiệm vụ công tác trọng tâm; phát huy tính chủ động, sáng tạo và sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị thông qua triển khai thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương và các bộ, ngành có liên quan. Ngoài ra, dưới sự tập trung chỉ đạo của UBND tỉnh, từng thành viên Ban Chỉ đạo và các sở, ban, ngành, đoàn thể theo chức năng, nhiệm vụ của ngành, đơn vị mình đã có những hoạt động cụ thể và phối hợp với UBND cấp huyện, cấp xã tiến hành điều tra, khảo sát và hoàn thành báo cáo đánh giá mức độ đạt tiêu chí NTM, XD và hoàn thành đề án XD NTM cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) và hiện đang tập trung triển khai lập quy hoạch XD NTM cấp xã... Tỉnh đã tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, nâng cao vai trò của UBND cấp xã trong công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành và trực tiếp tham gia XD đề án, quy hoạch NTM ở địa phương để đánh giá đúng thực trạng và nội dung quy hoạch phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân.

NHỮNG KIẾN NGHỊ ĐỂ ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ

Theo nhận định của các ngành hữu quan, nhìn chung, còn nhiều xã, đặc biệt là các xã ở ĐBSCL mức độ đạt tiêu chí NTM còn thấp. Nguyên nhân chủ yếu do các xã nông thôn có điểm xuất phát thấp và những năm qua việc đầu tư từ ngân sách nhà nước cho nông thôn còn rất hạn chế. Vì thế, vốn cho XD NTM, trước mắt vốn cho công tác quy hoạch là một yêu cầu cấp thiết. Theo Tiến sĩ Đỗ Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang: đề nghị Trung ương tăng vốn lập quy hoạch xã NTM cho vùng ĐBSCL, khoảng 200 triệu đồng/xã. Vì bình quân diện tích tự nhiên xã vùng này lớn (Kiên Giang bình quân 5.200 ha/xã) và địa hình kênh rạch chằng chịt. Vì vậy chi phí phải cao hơn mới có thể đạt chất lượng theo yêu cầu nội dung của quy hoạch xã NTM. Nhà nước cần có một kênh tín dụng riêng cho chương trình XD NTM và có chính sách hỗ trợ về lãi suất để người dân dễ dàng vay phát triển sản xuất, XD cơ sở hạ tầng. Ở Kiên Giang vừa qua có thí điểm cho người dân vay vốn tín dụng ngân hàng để XD kè bờ kênh trước nhà. Thời gian trả nợ 6 vụ lúa (3 năm) và ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% lãi suất. Chính sách này đạt hiệu quả cao, chống được sạt lở bờ kênh, bảo vệ an toàn lộ giao thông nông thôn và lòng kênh chậm bị bồi lắng, và người dân trả nợ vốn vay rất tốt. Qua đó có thể mở rộng cho vay làm nhà, XD các công trình cơ sở hạ tầng khác...

Ngoài nguồn vốn, theo nhiều địa phương vùng ĐBSCL, Bộ NN&PTNT với vai trò là thường trực Ban chỉ đạo chương trình XD NTM cần sớm có tham mưu đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan tổ chức thực hiện có hiệu quả việc hoàn thành tiêu chí do bộ, ngành mình phụ trách. Bộ NN&PTNT sớm tổng hợp, trình Chính phủ sửa đổi một số tiêu chí trong Quyết định 491/QĐ-TTg ngày 14 tháng 6 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ cho phù hợp với tình hình của vùng ĐBSCL. Điển hình như: Quy hoạch khu dân cư tập trung: đối với Nam bộ, nơi ở của dân cư nông thôn thường gắn liền với nơi sản xuất. Do đó, rất khó đưa 100% dân vào sinh sống ở khu dân cư tập trung nên cần có cơ chế áp dụng riêng cho toàn vùng và đề nghị quy hoạch khu dân cư theo cụm, hoặc tuyến tùy vào điều kiện cụ thể của địa phương. Các tỉnh ĐBSCL, cấp xã được giao quản lý hệ thống kênh cấp ba trở xuống, hệ thống kênh mương này rất dài, mặt cắt lớn nên việc kiên cố hóa kênh mương là khó khả thi do chi phí đầu tư lớn, hàng năm phải nạo vét (phù sa bồi lắng). Đề xuất hạ tỷ lệ kiên cố hóa kênh mương ở khu vực ĐBSCL cho phù hợp. Ngoài ra, các bộ, ngành có liên quan cần ban hành Thông tư liên tịch về công tác quy hoạch NTM. Ngoài việc hướng dẫn nội dung quy hoạch, cần hướng dẫn thêm về định mức, dự toán cho từng quy hoạch giúp địa phương tránh trường hợp vận dụng các văn bản khác, không chính xác...

Bài, ảnh: HÀ TRIỀU

Chia sẻ bài viết