22/11/2022 - 23:25

Chào mừng Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam

Những “viên ngọc quý” ở Cần Thơ 

Phóng sự ảnh: ÐĂNG HUỲNH

Ngày 23-11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 65/SL “Ấn định nhiệm vụ của Ðông Phương Bác cổ Học viện” - Sắc lệnh đầu tiên của Nhà nước ta về việc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc. Nhằm phát huy truyền thống và ý thức trách nhiệm cộng đồng về công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, ngày 24-2-2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định về việc lấy ngày 23-11 hằng năm là Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam. Cùng với cả nước, TP Cần Thơ đã bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trong đời sống hiện đại với nhiều kết quả nổi bật.

Theo thống kê, toàn TP Cần Thơ hiện có 38 di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng, trong đó có 14 di tích quốc gia và 24 di tích cấp thành phố. Trong ảnh: Di tích Lịch sử cấp thành phố Chiến thắng Ông Hào, tọa lạc tại xã Trường Long, huyện Phong Ðiền.

Ngoài ra, trên địa bàn thành phố còn có 1 công trình văn hóa - tín ngưỡng là Ðền thờ Vua Hùng tại TP Cần Thơ (phường Bình Thủy, quận Bình Thủy). Từ ngày khánh thành đến nay, công trình thu hút rất đông khách tham quan, trở thành điểm nhấn văn hóa mới ở Cần Thơ.

Và còn có 1 công trình văn hóa tưởng niệm là Ðền thờ Châu Văn Liêm (xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai).

Về Di sản văn hóa phi vật thể, cùng với 20 tỉnh, thành phố Nam Bộ, TP Cần Thơ đang gìn giữ và thực hành nghệ thuật Ðờn ca tài tử Nam Bộ, đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Nhiều năm qua, TP Cần Thơ rất quan tâm đến công tác bảo tồn, truyền dạy và phát huy di sản đờn ca tài tử. Trong ảnh: Một "nghệ nhân nhí" tại lớp truyền dạy đờn ca tài tử do Trung tâm Văn hóa TP Cần Thơ tổ chức gần đây.

Ngoài ra, Cần Thơ còn sở hữu 4 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là Hò Cần Thơ, Hát ru của người Việt ở Cần Thơ, Lễ hội Kỳ yên Ðình Bình Thủy và Văn hóa Chợ nổi Cái Răng. Trong ảnh: Nghệ nhân Cần Thơ trình diễn hát ru.

Các Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ở Cần Thơ được bảo tồn có hiệu quả thông qua thực hành trình diễn, truyền dạy, sân khấu hóa... tạo sức sống cho di sản. Trong ảnh: Nghệ nhân trình diễn di sản Hò Cần Thơ bằng nghệ thuật sân khấu hóa.

Công tác tu bổ di tích được thành phố và các quận, huyện rất quan tâm. Trong ảnh: Công nhân thi công công trình bờ kè Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp thành phố Ðình Thường Thạnh (phường Thường Thạnh, quận Cái Răng). Công trình này không chỉ tạo mỹ quan, chống sạt lở, bảo vệ khoanh vùng di tích mà còn tạo bến tàu để đón du khách đến tham quan di tích.

Hiện nay, ngành Văn hóa thành phố đang xúc tiến thực hiện quy trình, thủ tục đề nghị Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đối với Ðịa điểm khảo cổ học Nhơn Thành (xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Ðiền); đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích quốc gia đối với Di tích kiến trúc nghệ thuật Ðình Thuận Hưng và đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Nghề làm bánh tráng ở phường Thuận Hưng (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ). Trong ảnh: Nghệ nhân làng nghề bánh tráng Thuận Hưng tráng bánh tráng.

Chia sẻ bài viết