HỒNG VÂN
Thời gian gần đây, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm trên địa bàn TP Cần Thơ có sự chuyển biến tích cực. Hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đã chủ động triển khai các phương thức đào tạo linh hoạt, hiệu quả; tăng cường kết nối doanh nghiệp (DN); đẩy mạnh công tác truyền thông, tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp… Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thành phố.
Giờ học thực hành của sinh viên Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ. Ảnh: Ðơn vị cung cấp
Ðiểm sáng
Không ngừng phát triển và khẳng định vị thế qua việc cung cấp nguồn nhân lực có trình độ cao cho địa phương và ÐBSCL, thời gian qua, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ tập trung nâng cao chất lượng đào tạo. Hiện nay, Trường đang đào tạo chính quy 20 ngành học trình độ cao đẳng và 15 ngành học trình độ trung cấp, với hơn 5.000 học sinh, sinh viên (HSSV). Bên cạnh đó, Trường hợp tác, liên kết với các trường đại học có uy tín để đào tạo liên thông trình độ đại học.
Theo Th.S. Nguyễn Thành Long, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ, Trường luôn quan tâm việc tăng cường ứng dụng công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, số hóa trong công tác quản lý, dạy và học; kiểm tra, đánh giá kết quả dạy và học với các nền tảng giáo dục mới; hoàn thiện hệ thống hồ sơ điện tử, xây dựng tài liệu, giáo trình điện tử… Mặt khác, Trường đang áp dụng hiệu quả mô hình đào tạo KOSEN, cải tiến môi trường làm việc theo 5S và ứng dụng công nghệ 4.0; thành lập Tổ Kỹ thuật - Truyền thông - Cải cách với nhiệm vụ chính là hỗ trợ các phòng, khoa, trung tâm thực hiện công tác chuyển đổi và số hóa dữ liệu của các đơn vị.
Song song với giải pháp chuyển đổi số, Trường liên kết, hợp tác với hơn 70 tập đoàn, công ty, DN lớn, nhỏ trong và ngoài khu vực… để tạo cơ hội cho HSSV được thực hành, thí nghiệm, rèn nghề. Hằng năm, Trường hợp tác với các tập đoàn, DN, các trung tâm dịch vụ việc làm tổ chức “Ngày hội việc làm”; triển khai các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng lực sáng tạo cho HSSV… Với những nỗ lực của nhà trường, hằng năm, tỷ lệ HSSV sau tốt nghiệp tìm được việc làm đúng với chuyên ngành đào tạo đạt khá cao. Riêng năm 2022, tỷ lệ HSSV có việc làm sau tốt nghiệp đạt trên 95,2% và có nhiều ngành nghề tỷ lệ HSSV có việc làm sau tốt nghiệp đạt 100%.
Chuyển biến tích cực
Theo ông Ðào Minh Lợi, Trưởng Phòng Lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố, những năm qua, lĩnh vực GDNN của thành phố có bước chuyển mình khá tích cực. Mạng lưới cơ sở GDNN hiện có 69 cơ sở GDNN, trong đó 14 trường cao đẳng, 8 trường trung cấp, 19 trung tâm GDNN và 28 cơ sở khác với quy mô tuyển sinh hơn 47.900 chỉ tiêu mỗi năm. Ðặc biệt, có 11 trường được lựa chọn đầu tư nghề trọng điểm với 41 ngành nghề trọng điểm (10 nghề cấp độ quốc tế, 7 nghề cấp độ khu vực ASEAN, 24 nghề cấp quốc gia).
Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, chất lượng nguồn lao động, TP Cần Thơ đã tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, như rà soát, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở GDNN theo hướng mở, sát nhập hoặc giải thể các cơ sở hoạt động không hiệu quả; tăng cường gắn kết GDNN với thị trường lao động; tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, khuyến khích các DN tham gia hoạt động GDNN; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý nhà nước về GDNN; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế… Nhìn chung, chất lượng đào tạo của các cơ sở GDNN ngày càng được nâng lên. Các cơ sở GDNN đã có bước đột phá mạnh mẽ trong việc đổi mới công tác tư vấn tuyển sinh, đào tạo; tăng cường hợp tác với DN trong và ngoài nước; chú trọng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ. Nổi bật có các đơn vị tiên phong như Trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ, Trường Cao đẳng Du lịch Cần Thơ…
Theo Thạc sĩ Trang Vũ Phương, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ, hiện nay, nhà trường đang ký kết thỏa thuận hợp tác với trên 50 công ty, DN và có mối quan hệ hợp tác với khoảng 300 DN lớn, vừa và nhỏ trong và ngoài khu vực. Nội dung liên kết hợp tác xoay quanh việc xây dựng các chương trình đào tạo, xây dựng chuẩn đầu ra, giảng dạy phù hợp với nhu cầu thị trường; phối hợp tổ chức cho HSSV thực tập tại DN; tổ chức hội thảo, tọa đàm giao lưu giữa HSSV- DN - nhà trường; các hoạt động hỗ trợ nghề nghiệp; cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cho DN… Nhờ sự hợp tác có tính đón đầu mà những năm qua, tỷ lệ HSSV có việc làm sau khi tốt nghiệp đều tăng qua mỗi năm. Riêng năm 2022, có 86,4% HSSV có việc làm sau 6 tháng tốt nghiệp.
Trường Cao đẳng Du lịch Cần Thơ khá thành công trong việc đổi mới chương trình, giáo trình đào tạo; rút gọn chương trình đào tạo từ 3 năm còn 2,5 năm đối với hệ cao đẳng, giúp người học giảm chi phí, sớm tham gia thị trường lao động. Ðồng thời, nhà trường luôn quan tâm kết nối với các DN, giúp HSSV có cơ hội giao lưu, học tập, nâng cao kiến thức về chuyên môn, có tư duy sáng tạo, phù hợp xu thế xã hội. Nhiều năm qua, Trường Cao đẳng Du lịch Cần Thơ luôn duy trì tỷ lệ trên 90% HSSV có việc làm ổn định sau khi tốt nghiệp 3 tháng.
Với sự năng động, linh hoạt, năm 2022, các cơ sở GDNN trên địa bàn TP Cần Thơ đã tuyển sinh đào tạo cho hơn 47.911 người (đạt 106,46% kế hoạch); trong đó hệ cao đẳng 7.569 người, hệ trung cấp 2.287 người, sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng 38.055 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo của thành phố đạt 80,42%, giải quyết việc làm cho 55.972 lao động (tăng 20,33% so với năm 2021).