26/08/2014 - 21:16

Những thiết bị cấy ghép mới giúp phục hồi thị lực

Những chiếc kính dày cộm vướng víu sắp trở thành quá khứ nhờ vào các thiết bị cấy ghép mà các nhà khoa học Mỹ và Israel vừa phát triển, mở ra triển vọng phục hồi thị lực cho những người có đôi mắt đang lão hóa.

Một trong những bệnh lý về mắt phổ biến nhất ở những người trên 40 tuổi là chứng lão thị (presbyopia), tức khả năng chuyển đổi tiêu điểm giữa các vật thể xa và gần của đôi mắt bắt đầu suy giảm. Triệu chứng dễ nhận thấy đầu tiên là mỏi mắt và không có khả năng tập trung vào các vật thể nhỏ hoặc không nhìn thấy gì trong môi trường ánh sáng yếu. Cho đến nay, phương pháp điều trị lâu dài duy nhất là phẫu thuật laser, nhưng bệnh nhân vẫn cần đeo kính khi đọc sách hay làm việc ở nơi thiếu ánh sáng. Ngoài ra, kết quả này cũng không duy trì vĩnh viễn vì tia laser chỉ giúp loại bỏ một phần giác mạc để bẻ cong "thấu kính tự nhiên" này, do vậy tình trạng lão thị có thể tái diễn một khi giác mạc trở lại trạng thái ban đầu.

Ảnh minh họa quy trình phẫu thuật ghép Raindrop vào mắt người bị lão thị.

Hiểu được điều này, các chuyên gia nhãn khoa tại công ty ReVision Optics (Mỹ) đã phát triển công nghệ phẫu thuật mới. Trong đó, họ sử dụng một miếng ghép có hình dạng giống giọt nước - tên là "Raindrop"- cấy bên dưới giác mạc để khắc phục các vấn đề về thị lực do quá trình lão hóa. Miếng ghép này được làm từ hydrogel (chất liệu dùng sản xuất kính áp tròng và có 80% thành phần là nước), nên dễ tương thích với mắt hơn so với các thiết bị cấy vào giác mạc khác.

Khi tiến hành cấy Raindrop vào trong phần vành của giác mạc, phẫu thuật viên sẽ nhỏ thuốc mê cục bộ vào mắt để bệnh nhân vẫn giữ được sự tỉnh táo trong suốt quá trình phẫu thuật. Một khi đã yên vị bên trong giác mạc, miếng ghép sẽ tự phục hồi tầm nhìn cả cự ly gần và trung bình bằng cách điều chỉnh độ cong giác mạc sao cho hợp lý. Ưu điểm nổi trội của kỹ thuật Raindrop là thời gian thực hiện ngắn hơn – chỉ mất 10 phút thay vì 1 giờ như phẫu thuật laser thông thường. Chi phí mỗi ca phẫu thuật kiểu này khoảng 2.495 bảng Anh. Bác sĩ nhãn khoa Mark Wevill tại trung tâm phẫu thuật mắt Space Healthcare – nơi đầu tiên tại Anh áp dụng Raindrop – cho biết kỹ thuật này không thể ngăn mắt lão hóa nhưng nó có thể giúp điều chỉnh sự sa sút thị lực do quá trình lão hóa. "Đây có lẽ là giải pháp lâu dài hoàn hảo cho những người có đôi mắt bị già nua theo tuổi và người cần kính lão để đọc sách hoặc làm việc trên máy tính" – ông Wevill nói.

Cũng trong nỗ lực cải thiện sức khỏe mắt, nhà nghiên cứu Yossi Mandel và cộng sự tại Đại học Bar-Ilan (Israel) đã phát triển mẫu cảm biến áp lực dùng cấy vào mắt của những người bị tăng nhãn áp. Thiết bị này sẽ giúp họ thường xuyên theo dõi áp lực của mắt bằng camera trên điện thoại thông minh.

Được biết, tăng nhãn áp là nguyên nhân gây mù lòa thứ 2 sau bệnh đục thủy tinh thể. Nó xuất hiện khi dịch mắt tích tụ nhiều, làm tăng áp lực trong mắt và gây tổn thương dây thần kinh thị giác. Kết quả kiểm tra áp lực mắt chính xác có vai trò quan trọng trong việc đưa ra hướng điều trị đúng, nhưng các phương pháp đo nhãn áp hiện hành lại cho kết quả không mấy chính xác. Loại cảm biến áp lực do nhóm của Mandel phát triển được cho sẽ giúp người dùng kiểm tra nhãn áp dễ dàng và thường xuyên hơn, đặc biệt là có thể dùng ngay tại nhà. Nó hoạt động như một máy đo nhãn áp thu nhỏ và chứa một ngăn chất lỏng sẽ dâng cao theo mức độ áp lực trong mắt. Thông qua camera trên điện thoại thông minh có cài sẵn bộ tiếp hợp quang học, phần mềm sẽ phân tích ảnh chụp đôi mắt và cho ra kết quả trong chốc lát.

Trưởng nhóm Mandel tin tưởng phương pháp tự giám sát áp lực mắt bằng cảm biến cấy trong mắt sẽ là giải pháp điều trị tối ưu đối với bệnh tăng nhãn áp, giúp bệnh nhân đỡ mất công thực hiện các xét nghiệm không cần thiết mỗi khi áp lực trong mắt gia tăng.

AN NHIÊN
(Theo Daily Mail, Telegraph, NewScientist)

Chia sẻ bài viết