16/02/2010 - 08:32

Những tấm lòng nhân ái

Ký: VĂN KIM NGỌC

Trong cuộc sống, có một số người có lối sống thực dụng, chỉ biết vun vén cho lợi ích của mình.Nhưng ngược lại, có nhiều người âm thầm làm việc thiện, với tấm lòng vị tha, chung tay chia sẻ với những hoàn cảnh nghiệt ngã, giúp họ vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Câu chuyện về những tấm lòng nhân ái dưới đây đã nói lên những tình cảm đáng trân trọng ấy.

Người gieo mầm xuân:

Đó là anh Trần Văn Tư, còn gọi là Tư Uôl, ở phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ. “An cư mới lạc nghiệp”, với cách nghĩ này, anh đã cố gắng mang đến niềm vui cho nhiều bà con nghèo, giúp họ an cư. Và đây là mùa xuân thứ ba, đã có hàng trăm căn nhà lá tạm bợ, rách nát được thay bằng nhà gỗ bạch đàn, mái tôn, không còn cảnh mưa tạt, gió lùa...

 Anh Trần Văn Tư (Tư Uôl).

Dù đã cận Tết, nhưng anh Tư Uôl vẫn tất bật với việc cất nhà tình thương. Chủ hộ là anh Lê Hoàn Minh (ở khu vực Tân Thạnh, phường Thuận Hưng) đứng ngồi không yên, hết chạy ra chạy vào chuyền tôn, vác cột, tiếp đóng vách, mồ hôi nhễ nhại mà miệng cười thật rạng rỡ. Thấy bà con đi ngang đứng lại ngắm nghía căn nhà, anh hớn hở khoe: “Tết này Hai Minh có nhà lành lặn rồi, bà con tới chơi nghen!”. Đến chiều tối, căn nhà mới của anh Minh hoàn thành, thay cho căn chòi cũ trống trước, hở sau. Ở xóm này ai cũng biết, tuy siêng năng, cần cù lao động nhưng gia đình anh Minh vẫn chưa thoát nghèo. Sau ngày cưới, vợ chồng anh che tạm căn chòi cặp mé sông để ở và kiếm sống bằng nghề giăng câu, thả lưới, làm thuê, làm mướn. Anh Minh kể giọng xúc động: “Mấy bữa trước, tôi đi thả lưới, bán cá kiếm được ít tiền, định đi mua tấm bạt về che lại căn chòi để khi vợ sanh có chỗ khô ráo và Tết nhứt cũng tới rồi... Giờ, được mấy anh ở Chi hội Từ thiện Xã hội khu vực cất nhà, vợ chồng tôi mừng lắm, quyết chí lao động thoát nghèo...”. Nghe đến đây, anh Tư Uôl động viên: “Chú đừng bận tâm, giúp bà con nghèo vượt qua khó khăn không phải việc làm riêng ai mà là trách nhiệm của cộng đồng. Thôi, vợ chồng chú chịu khó làm ăn, mai này chắc chắn sẽ khấm khá”.

Gương mặt phúc hậu, nước da rám nắng, giọng nói từ tốn, Tư Uôl dễ gây cảm mến cho người trò chuyện. Là con thứ trong gia đình nông dân nghèo, từ nhỏ Tư Uôl đã quen vất vả kiếm sống. Vì nghèo nên đến 38 tuổi anh mới cưới vợ. Nhờ cần mẫn lao động sản xuất, cuộc sống của anh chị dần khấm khá. Ngày trước, lúc còn làm nghề mộc, anh từng nhận cất nhà giùm cho một số hộ nghèo, không nhận thù lao. Dần dần, số bà con nghèo không có khả năng cất nhà tìm đến Tư Uôl ngày càng đông. Năm 2006, Tư Uôl bàn với địa phương thành lập Chi hội Từ thiện Xã hội ấp Tân Thạnh, xã Thuận Hưng (cũ), nay là khu vực Tân Thạnh, phường Thuận Hưng do anh làm Chi hội trưởng, mục đích cùng chính quyền địa phương cất nhà tình thương giúp bà con nghèo có được mái nhà lành lặn. Sau 4 năm thành lập, từ chỗ chỉ vài thành viên, đến nay chi hội đã thu hút hơn 40 người, trong đó có nhiều nhà hảo tâm thường xuyên ủng hộ vật chất cho chi hội hoạt động. Ban đầu, việc trợ giúp người nghèo chủ yếu dựa vào tiền quyên góp nên số nhà tình thương cất được không nhiều. Đôi khi, việc cất nhà phải tạm ngưng vì thiếu tiền. Nhìn thấy cảnh bà con thất vọng, Tư Uôl lòng trĩu nặng. Nhiều đêm suy nghĩ, Tư Uôl cố tìm lối ra để có nguồn thu ổn định, phục vụ việc cất nhà tình thương. Sẵn có nghề mộc nên từ đầu năm 2007, Tư Uôl mở Trại mộc tình thương. Tư Uôl kể: “Số cây mua được, loại nào lớn thì xẻ ra đóng bàn, ghế, tủ để bán; nhánh, ngọn thì bán củi. Lợi nhuận thu được đưa vào quỹ từ thiện của Chi hội để cất nhà tình thương”. Từ ngày có trại mộc, Tư Uôl đã góp sức cất được hàng trăm căn nhà tình thương cho người nghèo.

Nằm sâu trong con hẻm nhỏ, trại mộc của Tư Uôl khá bề thế. Ngoài máy móc chuyên dùng, trại mộc còn có chiếc ghe hơn chục tấn dùng vận chuyển gỗ, khung nhà. Trại mộc lúc nào người cũng đông đúc, nhộn nhịp. Thanh niên tập trung rất đông, người thì đẽo cột, đục lỗ tạo khung nhà, người thì xẻ cây, người thì vận chuyển. Công việc nặng nhọc, không có thù lao nhưng nét mặt ai cũng vui vẻ, phấn khởi. Khi chiếc ghe chở đầy gỗ bạch đàn cập bến, Tư Uôl xoa tay, mừng rỡ thông báo cho anh em trong Chi hội: “Hôm nay trúng lớn mấy ông ơi! Hơn 100 cây bạch đàn mà chủ bán chưa tới 6 triệu đồng. Trừ tiền xăng dầu, mình cầm chắc 4 triệu đồng lời”. Lấy trong túi áo ra cuốn sổ tay chi chít tên họ, và địa chỉ, Tư Uôl nhẩm tính: “4 triệu tiền lời này mình dư sức cất được 5 căn nhà tình thương. Gần Tết rồi, phải đẩy nhanh tiến độ làm khung nhà, cố gắng đến bữa đưa ông Táo, kịp dựng xong 5 căn nhà cho bà con đón Tết”. Ông Nguyễn Văn Hiếu, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Thuận Hưng, nói: “Tư Uôl rất có uy tín, nhờ vậy hoạt động của Trại mộc Từ thiện ngày càng phát triển, còn Chi hội Từ thiện Xã hội của khu vực Tân Thạnh không có Tư Uôl, chắc giải tán lâu rồi. Ở đây ai thì không biết, chứ hễ Tư Uôl hỏi mua cây thì chủ trồng bạch đàn bán ngay, biết rẻ cũng bán, bởi họ biết Tư Uôl dùng vào việc cất nhà cho hộ nghèo, nên coi như cũng muốn góp chút đỉnh...”.

Chia tay Tư Uôl, tôi vừa cảm mến, vừa nể phục chàng nông dân này. Từ nghèo khó, anh vươn lên khấm khá và không chỉ chăm bẵm làm giàu cho bản thân mà hết lòng chia sẻ, giúp đỡ cho những mảnh đời khốn khó. Đáng nói hơn, anh là người dày công thắp lên ngọn lửa nhân ái trong lòng nhiều người, khuyến khích mọi người chung tay góp sức chăm lo cho hộ nghèo, để những hộ nghèo có cơ hội phấn đấu vươn lên thoát nghèo, lạc nghiệp.

Đồng hành cùng bệnh nhân nghèo:

Đã gần bảy năm nay, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Lan (nguyên PGĐ BV Đa khoa huyện Tri Tôn) không chỉ gắn bó mà chính là linh hồn của Phòng mạch nhân đạo huyện Tri Tôn (tỉnh An Giang). Dáng cân đối, nước da bánh mật, từ đôi tay, ánh mắt, giọng nói, nụ cười của bà đều toát lên nét dịu dàng, phúc hậu như người mẹ, người chị luôn gần gũi, chia sẻ đớn đau bệnh tật với người thân. Bệnh nhân Ngô Văn Minh, ở tỉnh Bình Thuận, gia cảnh khó khăn, bị tai nạn giao thông chấn thương cột sống và liệt đôi chân. Chạy chữa qua nhiều bệnh viện, tiền cạn, sức mòn, không còn khả năng xoay xở, nghe người ta chỉ, anh tìm đến Phòng mạch nhân đạo huyện Tri Tôn này, xin điều trị nội trú hơn năm nay. Hàng ngày, Minh được châm cứu, được tập vật lý trị liệu, được cấp thuốc miễn phí, giờ đôi chân anh đã cử động được. Anh nói trong xúc động: “Bác sĩ Lan và các y, bác sĩ ở đây thật tốt, đã hết lòng chạy chữa, tận tình giúp dù tôi chẳng có tiền bạc gì đền đáp; còn là gánh nặng cho các cô chú...”.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Lan đang chăm sóc,
động viên bệnh nhân.  

Bác sĩ Thanh Lan sắp bước sang tuổi 60, được người dân ở vùng Thất Sơn thân mật gọi là “bác sĩ của người nghèo”. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Ba Chúc đầy biến cố đau thương, 10 tuổi, ông cụ thân sinh qua đời trong cảnh nhà túng thiếu, chính nỗi đau này đã thôi thúc bà nuôi ước mơ trở thành thầy thuốc để giúp đỡ nhiều hơn cho bệnh nhân nghèo. 14 tuổi, bà tham gia hoạt động cách mạng, làm giao liên, tải thương và đã bị thương trong chiến tranh, với mảnh pháo còn cắm sâu trong xương bả vai. Sau ngày hòa bình, thống nhất đất nước, ngày thì làm việc tại UBND thị trấn Ba Chúc, đêm bà đến lớp học văn hóa. Từ y tá, bà theo học lớp y sĩ, rồi tiếp tục học lên bác sĩ. Trong quá trình công tác ở Trạm Y tế thị trấn Ba Chúc, bác sĩ Thanh Lan được biết đến như người thầy thuốc tận tụy, hết lòng vì bệnh nhân. Khi về công tác ở BVĐK huyện Tri Tôn, lẽ ra chuyên môn giỏi, bà có thể mở phòng mạch tư để kiếm thêm thu nhập nhưng bà lại nhận khám, chữa bệnh miễn phí cho người nghèo tại nhà.

Công việc đang thuận lợi, suôn sẻ, gia đình hạnh phúc, 45 tuổi, bác sĩ Thanh Lan là Huyện ủy viên, cán bộ nữ có năng lực, thuộc diện qui hoạch, thì cuối năm 2000, bà phát hiện bị ung thư vú. Nghe tin, đồng nghiệp ái ngại, bạn bè cảm thương, lúc đó bác sĩ Thanh Lan cũng hết sức đau buồn nhưng bà tỏ ra vững vàng, kiên nghị. Bà lẳng lặng xin nghỉ việc, thu xếp mọi thứ để lo trị bệnh, đón nhận những đau đớn về thể chất và tinh thần như một thử thách trong đời. Bà nói vui với đồng nghiệp: “Bác sĩ rồi cũng trở thành bệnh nhân, cũng phải “bó tay” với căn bệnh của mình đấy thôi!”. Dù bệnh tật hành hạ dữ dội và cứ sau những đợt hóa trị, bà trở nên xác xơ, tiều tụy như thân chuối héo, nhưng cứ thấy bệnh nhân nghèo tìm đến là bà lại nhận khám, điều trị miễn phí. Bà biết mình không còn nhiều thời gian nên cố vượt qua nỗi đau, tiếp tục thực hiện những dự định ấp ủ. Trước số bệnh nhân nghèo tìm đến ngày càng tăng, phòng mạch nhỏ 60m2 của gia đình bà trở nên quá tải, bác sĩ Thanh Lan mạnh dạn xin lãnh đạo huyện cho mượn mấy căn phòng xuống cấp của BVĐK huyện sửa sang làm nơi khám, chữa bệnh nhân đạo. Đây cũng là tiền thân của Phòng mạch nhân đạo huyện Tri Tôn ngày nay. Lúc mới thành lập, phòng mạch chỉ có bác sĩ Thanh Lan và vài tình nguyện viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế thiếu thốn trăm bề nhưng chỉ một thời gian ngắn, với tấm lòng và sự nỗ lực vượt khó, bà đã cùng cộng sự vận động các mạnh thường quân đóng góp kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, mua trang thiết bị y tế và thu hút đông đảo các tình nguyện viên tham gia phục vụ. Hiện nay, Phòng mạch nhân đạo huyện Tri Tôn với hai dãy phòng khang trang, có sức chứa trên 300 bệnh nhân, được trang bị nhiều máy móc hiện đại, đặc biệt có trên 40 y sĩ, bác sĩ, điều dưỡng tình nguyện phục vụ. Mỗi ngày, phòng mạch tiếp nhận và điều trị nội, ngoại trú cho hơn 300 bệnh nhân. Ngoài việc được điều trị miễn phí, bệnh nhân và người nhà còn được phục vụ ăn, uống ngày ba bữa miễn phí. Một điều dưỡng bộc bạch: “Tuy đang mang bệnh nặng nhưng bác sĩ Lan đã hết lòng phục vụ bệnh nhân nghèo, nêu cao y đức người thầy thuốc. Thương quí tấm lòng của bác sĩ nên chúng tôi tình nguyện tham gia cùng chị chăm lo cho bệnh nhân nghèo”.

Những ngày giáp Tết, tôi có dịp trở lại thăm bác sĩ Lan. Không khí Phòng mạch nhân đạo thật nồng ấm, nhộn nhịp. Nhiều người từng là bệnh nhân trước kia tìm về thăm các y, bác sĩ ở phòng khám với những túi đầy quà, đặc sản vùng quê mình. Anh Nguyễn Văn Thanh, trước đây bị tai biến nặng, cuộc đời tưởng như chấm hết, vậy mà, nhờ sự điều trị tận tình của bác sĩ Lan, đã vượt qua cơn “thập tử nhất sinh”, có thể đi đứng, nói cười trở lại. Từ tỉnh Quảng Ngãi xa xôi, cuối năm, anh Thanh cùng vợ và đứa con trai kháu khỉnh mang bánh, trái vào thăm bác sĩ Lan - người mà anh gọi thân mật là mẹ. Anh Thanh bộc bạch: “Cuộc đời tôi không biết ra sao, nếu không có sự giúp đỡ, đùm bọc của mẹ Lan. Trong những ngày bệnh nặng, gia cảnh tôi đơn chiếc, tiền bạc khó khăn, không người thân bên cạnh, mẹ Lan đã tận tình chăm sóc, chữa trị để tôi khỏi bệnh...”.

Tiễn tôi, sau một ngày làm việc vất vả, giọng bác sĩ Lan thật nhẹ nhàng khi nói về những sắp xếp trong tương lai: “Tôi đã cố chiến đấu với căn bệnh nan y và trụ được hơn 10 năm qua. Tôi đã bàn bạc mọi thứ với chồng, tiền trợ cấp thương binh cộng tiền lương hưu của vợ chồng tôi mỗi tháng trên 5 triệu đồng, đủ lo cho đứa con đang học đại học năm thứ hai ở TP Hồ Chí Minh, cháu nó hiền và ngoan, tôi tin cháu nó sẽ học hành nên người. Cuộc sống gia đình tôi coi như tạm ổn. Hiện nay, Phòng khám nhân đạo hoạt động hiệu quả, giúp đỡ được nhiều cho bệnh nhân nghèo, sẽ được duy trì và phát triển tốt. Như thế tôi rất vui và yên tâm khi ra đi...”.

Hạnh phúc được chia sẻ...

Mặc dù đã ở tuổi 75, nhưng bà Nguyễn Thị Nguyệt (ngụ phường Bình Thọ, quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) vẫn say mê hoạt động từ thiện xã hội, nhất là từ lúc hồi hương về Việt Nam, bà cùng nhóm cộng sự của mình đã có mặt khắp mọi miền đất nước, tìm cách giúp đỡ, chia sẻ nỗi đau bệnh tật với những hoàn cảnh kém may mắn, hộ nghèo, bị thiên tai...

Bà Nguyễn Thị Nguyệt (đứng giữa) Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo quận Thủ Đức cùng các thành viên Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo quận Thủ Đức xem lại hình ảnh hoạt động từ thiện của hội thời gian qua.  

Bà tiếp tôi trong căn nhà nhỏ ở đường Dân Chủ, phường Bình Thọ và chỉ sau vài câu chuyện, cảm giác e dè ban đầu của tôi về khoảng cách đối với một Việt kiều dường như không còn. Dù mang quốc tịch Mỹ từ năm 1991 nhưng phong cách bà vẫn đậm chất Nam bộ. Từ các vật dụng trong nhà đến cách bài trí đều rất Việt. Giữa phòng khách là bàn thờ tổ tiên trưng bày theo nếp xưa, vừa cổ kính, vừa trang nghiêm. Một chiếc tủ lớn sát tường đầy sách. Tôi bắt gặp ở đó nhiều Bằng khen, Kỷ niệm chương về hoạt động từ thiện xã hội của bà do các tỉnh, thành trong cả nước, kể cả Hội người Việt Nam tại Campuchia trao tặng. Đặc biệt, bà Nguyệt rất nặng tình với bệnh nhân nghèo ở TP Cần Thơ, từ 2005 đến nay, bà đã hỗ trợ hàng trăm triệu đồng để Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo (BTBNN) TP Cần Thơ thực hiện nhiều chương trình từ thiện xã hội, như: “Mổ tim bẩm sinh”, “Đem lại ánh sáng cho người mù nghèo”, “Vá môi, hở hàm ếch”, “Xây dựng nhà tình thương” và tặng xe đạp cho học sinh nghèo vượt khó... Có lẽ từng nếm trải chuỗi ngày cơ cực thời niên thiếu nên bà thấu hiểu và cảm thông sâu sắc với những hoàn cảnh bất hạnh, gia đình nghèo khó.

Là con thứ 5 trong một gia đình lao động nghèo ở quận Thủ Đức, 6 tuổi đã mồ côi mẹ, 10 tuổi cha bà Nguyệt cũng qua đời. Từ đó, 6 anh em bà sống trong sự đùm bọc của bà ngoại. Tuổi thơ của bà Nguyệt rất cơ cực, học hành chẳng bao nhiêu, 13 tuổi đã phải đi làm thuê trong một lò gạch ở Thủ Đức. Năm 27 tuổi, bà lấy chồng là tài xế xe lửa cũng rất nghèo. Rồi 5 người con lần lượt chào đời, bà vừa vất vả lao động phụ chồng, vừa chăm sóc nuôi dạy con. Thế nhưng 10 năm sau, vì nhiều lý do, vợ chồng bà chia tay, lúc đó cô con út là Nguyễn Thị Trang Thanh mới tròn 6 tháng tuổi. Bà Nguyệt phải một mình tảo tần nuôi dạy các con khôn lớn. Năm 1979, cô Nguyễn Thị Minh (con gái đầu) của bà Nguyệt theo người dì ruột sang định cư ở Mỹ, sau đó bảo lãnh cả gia đình; riêng bà Nguyệt không muốn xa quê hương, nhưng vì tương lai của các con, mãi đến năm 1991, bà mới dẫn con gái út sang định cư ở Mỹ. Hiện nay, trong 5 người con của bà, 3 người là kỹ sư cơ khí, điện máy, 2 người hoạt động kinh doanh. Suốt thời gian ở nước ngoài, dù phải vất vả lao động kiếm sống nhưng tâm trí bà luôn hướng về quê hương thân yêu. Ngay chuyến về thăm quê hương đầu tiên vào năm 1995, bà Nguyệt đã lặn lội theo đoàn hoạt động cứu trợ, đến thăm, tặng quà cho đồng bào bị thiên tai, lũ lụt và người nghèo ở nhiều địa phương. Về Mỹ bà đứng ra vận động Việt kiều yêu nước tham gia đóng góp từ thiện, giúp đồng bào Việt Nam. Và thời gian làm Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt- Mỹ ở Mỹ, bà Nguyệt đã tổ chức nhiều chương trình ca nhạc gây quỹ từ thiện, vận động bà con Việt kiều chung tay góp sức giúp đỡ nhiều hoàn cảnh kém may mắn, bất hạnh ở quê nhà. Năm 1997, thông qua Hội BTBNN TP Hồ Chí Minh, bà Nguyệt mở rộng địa bàn hoạt động từ thiện ra các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam Bộ. Bà được mọi người tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Chi Hội BTBNN quận Thủ Đức và là thành viên Hội BTBNN TP Hồ Chí Minh. 13 năm qua, bà luôn gắn bó và tích cực hỗ trợ cho hoạt động Hội BTBNN TP Cần Thơ. Khi được hỏi về những khoản tiền hoạt động từ thiện, bà Nguyệt cười, nói: “Hiện tại, lương hưu của tôi 640 USD/tháng và tiền cho thuê mặt bằng căn nhà đang ở (tại TP Hồ Chí Minh), mỗi tháng khoảng 30 triệu đồng, tôi đều dành hết cho hoạt động từ thiện. Tôi rất vui, bởi các con ở Mỹ cũng nhiệt tình ủng hộ tôi làm từ thiện. Mỗi khi cần tiền, tôi chỉ cần “alô”, vài giờ sau các con chuyển về ngay, mỗi lần từ 500 đến 1.000 USD. Các khoản ăn uống, đi lại của tôi (6 tháng ở Việt Nam và 6 tháng ở Mỹ), đều do các con chu tất”.

Bà Nguyệt thường nói, cuộc đời bà có nhiều kỷ niệm nhưng kỷ niệm về những con người, vùng đất mà bà đã đến, đã gặp trong thời gian hoạt động từ thiện, chính là những kỷ niệm sâu sắc nhất. Đã 2 năm trôi qua, bà vẫn nhớ rõ trường hợp Nguyễn Văn Tuấn, 20 tuổi, ở phường An Khánh, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, gia đình nghèo, bệnh tim rất nặng. Để cầm cự với căn bệnh của Tuấn, nhiều năm qua, cha mẹ cậu đã bán tất cả những gì có thể bán được, mượn nợ tứ giăng nhưng bệnh tình của Tuấn ngày càng nặng. Năm 2007, bác sĩ chẩn đoán nếu Tuấn không được phẫu thuật kịp thời, khó giữ được tính mạng. Từ thông tin của Hội BTBNN TP Cần Thơ, bà Nguyệt đã vận động Hội BTBNN TP Hồ Chí Minh cùng tham gia tài trợ ca mổ tim trên 130 triệu đồng cho Tuấn. Đến thăm gia đình sau chuyến Tuấn phẫu thuật tim trở về, bà Nguyệt xót xa khi thấy nơi ở của gia đình Tuấn. Đó là căn nhà chưa đầy 20m2, vách lá tả tơi, lại là nhà chú của Tuấn cho ở tạm, trong nhà không có gì đáng giá, trên vách chỉ có những giấy khen về thành tích học tập của Tuấn. Tháng sau, bà Nguyệt quay lại Cần Thơ trao số tiền vận động được từ bạn bè để xây tặng nhà tình thương cho gia đình Tuấn và một thiếu niên nghèo, bệnh tật khác ở phường Phú Thứ, quận Cái Răng.

Bà Nguyệt vừa gọi điện báo với các con, Tết này bà ở lại Việt Nam, thực hiện các chuyến cứu trợ từ thiện, chia sẻ nỗi đau thiên tai với đồng bào miền Trung. Chính tấm lòng nhân ái không biên giới của bà Nguyệt và những Việt kiều yêu nước khác đã góp phần tô thắm truyền thống tương thân tương ái tốt đẹp ngàn đời của dân tộc Việt Nam.

Vì sự học của bọn trẻ

Trưởng thành từ phong trào Bình dân học vụ, ông Nguyễn Hữu Thường (thường gọi là ông Ba Rô) ở ấp Tân Tây, xã Tân Phú, Châu Thành, Bến Tre, nhớ như in lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Toàn dân phải biết đọc, biết viết”. Đã ở tuổi 86 nhưng ông vẫn mong muốn đóng góp nhiều hơn nữa cho ngành giáo dục tại địa phương. 3 năm qua, từ số tiền dành dụm của mình và vận động các con, ông đã đóng góp hơn 500 triệu đồng để xây dựng, sửa chữa nâng cấp các ngôi trường tại địa phương.

Các em nhỏ tại ấp Tân Tây được học tập, vui chơi trong ngôi trường khang trang.  

Hàng ngày, trong ngôi nhà tường cổ kính, với một khoảng sân rợp mát cây xanh, ông Ba Rô thường dành thời gian chăm sóc các chậu hoa kiểng và đánh cờ, trò chuyện với mấy ông bạn già. Ông có nước da hồng hào, dáng đi nhanh nhẹn, giọng nói sang sảng, trông trẻ hơn nhiều so với tuổi của mình. Nhắc đến tuổi thơ của mình, giọng ông Ba Rô trầm lại: “Tiếng là Tân Phú chứ trước kia, vùng quê này nghèo dữ lắm, ăn không đủ, nói gì đến học. Tụi nhỏ phải đi hàng chục cây số mới tới được điểm trường. Tui học hết lớp 3 thì không có nơi để học tiếp. Thế là ở nhà làm ruộng, lấy vợ và trong lòng đau đáu ước muốn được đi học tiếp”. Trời không phụ người có lòng, đến năm 40 tuổi, ông Ba Rô có dịp lên Sài Gòn và tiếp tục con đường học tập của mình. Tuy mới học hết lớp 9 nhưng khi nghe Phong trào Bình dân học vụ do Bác Hồ kêu gọi, chống nạn mù chữ, ông liền đăng ký tham gia. Ông cảm thấy hạnh phúc khi được mang cái chữ mình đã học, truyền dạy cho người khác. Đến giờ ông vẫn giữ thói quen đọc sách, báo, nghiên cứu các vấn đề thời sự, kinh tế - xã hội. Ông luôn động viên, nhắc nhở con, cháu phải cố gắng học tập, như Bác Hồ đã nói: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Toàn dân phải biết đọc, biết viết...” và “có một thứ giặc còn nguy hiểm hơn giặc ngoại xâm, đó là giặc dốt”. Ông Ba Rô bộc bạch: “Các con tôi, những đứa chịu học, giờ trở thành bác sĩ, họa sĩ, đi làm việc ở nước ngoài. Có đứa học hành dở dang, phải lao động chân tay, vất vả quanh năm, chẳng dư dả bao nhiêu”. Vì lẽ đó, ông Ba Rô tâm niệm phải làm gì đó để khuyến khích, tạo điều kiện giúp thế hệ trẻ học tốt hơn. Ông dốc sức, góp tiền của làm việc thiện, nhất là góp phần chăm lo sự nghiệp giáo dục, công tác khuyến học ở địa phương. Ông tham gia Hội phụ huynh Trường Tiểu học Tân Bắc, xã Tân Phú, thường xuyên cùng anh em trong Hội đi vận động giúp đỡ, trao học bổng cho học sinh nghèo. Vào thời điểm năm 2003 -2004, đường sá trong ấp vẫn lầy lội khi mưa xuống, các cháu nhỏ đi học hết sức khó khăn, khổ nhất là các em học sinh Trường Tiểu học Tân Phú A, điểm Tân Tây phải đi học ca 3 do không đủ phòng học. Phòng học cũ kỹ, mỗi khi trời mưa, các em ngồi trong lớp mà ướt hết tập vở, nói chi có chỗ vui chơi trong khuôn viên trường. Thấy các em nhỏ học hành vất vả, ông bàn với các con góp tiền sửa chữa và xây thêm phòng học cho học sinh. Các con ông đồng ý. Nhưng chính lúc này, vợ ông bệnh nặng, bà trăng trối khi bà mất không được nhận phúng điếu. Biết tâm niệm của ông, các con xin với mẹ cho nhận phúng điếu để làm từ thiện, bà đồng ý. Sau khi vợ mất, ông Ba Rô đem 70 triệu đồng có được sau đám tang của vợ rồi vận động thêm các con đóng góp để sửa chữa và xây mới 2 phòng học cho học sinh Trường Tiểu học Tân Phú A. Sau đó, ông tiếp tục đóng góp để nhà trường tráng sân xi măng, làm nhà để xe, nhà vệ sinh và trang bị nhiều đồ dùng học tập cho học sinh.... Phần ông và gia đình đã đóng góp cho ngôi trường này trên 400 triệu đồng. Sang năm 2007, ở xã có thêm Trường Mẫu giáo Tân Phú nhưng xây xong thì không còn kinh phí để làm sân chơi, nhà vệ sinh, các cháu cũng chưa có những vật dụng cần thiết cho học tập, giải trí. Trước tình cảnh đó, ông lại đứng ra vận động các con ở nước ngoài góp tiền để ông xây thêm các hạng mục cho ngôi trường hoàn chỉnh, rồi ông tiếp tục trang bị cho lớp máy móc, âm thanh để các cháu học hát, ván trượt, xích đu cho các cháu vui chơi và nhiều dụng cụ phục vụ việc giảng dạy. Ông Lê Sanh Thanh Linh, Trưởng ấp Tân Tây, xã Tân Phú, huyện Châu Thành, cho biết: “Ông Ba Rô là người rất tích cực trong công tác xã hội từ thiện, đặc biệt hết lòng chăm lo việc học cho bọn trẻ. Mới đây, ông có kế hoạch vận động tiền tráng sân cho Trường Tiểu học Tân Bắc, xã Tân Phú, để các em có chỗ sinh hoạt dưới cờ, vui chơi, thể dục thể thao. Đáng quý là ông làm những việc này một cách thầm lặng, không thích phô trương...”.

Xuân này, ông Ba Rô bước vào tuổi 87, thêm nhiều việc thiện mà ông đã lên kế hoạch thực hiện. Tôi mong ông mạnh khỏe để có thể đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp giáo dục ở địa phương và tin rằng vùng đất quê ông rồi đây không chỉ giàu đẹp lên, đúng với cái tên Tân Phú của nó, mà còn là một vùng quê hiếu học như ước vọng của lão nông Ba Rô.

***

Cho chính là nhận. Và hạnh phúc có được từ sự cảm thông, chia sẻ với những mảnh đời khốn khó là hạnh phúc tuyệt diệu nhất. Chính lòng nhân ái đưa con người gần lại với nhau và làm cho cuộc đời này thêm đẹp, như nhà thơ Kalil Gibran đã viết: Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy, ta có thêm một ngày nữa để yêu thương...

Chia sẻ bài viết