05/02/2010 - 20:57

Những “ông đồ” trẻ

Đã thành tục lệ, ngày Tết, nhiều người tìm đến ông đồ chọn cho mình những câu đối đẹp với nội dung thật ý nghĩa vừa để trang hoàng nhà cửa, vừa làm “phương châm sống” trong cả năm. Những ngày giáp Tết Canh Dần, trong khuôn viên Trường Đại học Cần Thơ xuất hiện hai “ông đồ” miệt mài viết chữ, vẽ tranh phục vụ sinh viên và cả bà con trong thành phố. Những câu đối, bức tranh thư pháp do họ viết, vẽ nên đã làm cho ngày xuân thêm ấm cúng, trọn vẹn hơn...

Nguyễn Văn Phúc (trái) và Nguyễn Xây Rum đang “cho chữ”. 

Hai “ông đồ” ấy chính là Nguyễn Văn Phúc - sinh viên năm hai ngành Ngữ văn và Nguyễn Xây Rum - sinh viên năm nhất ngành Kỹ thuật điện của Trường Đại học Cần Thơ. Trong bộ áo dài truyền thống, những ngày cận Tết, Phúc và Xây Rum bày gian hàng của mình trong khuôn viên trường, Phúc thì viết chữ còn Xây Rum thì vẽ phục vụ khách trong những ngày Tết đến.

Rất đông khách đến tham quan, chọn mua câu đối hay để xin chữ. Bởi ngoài viết, vẽ thư pháp trên giấy chuyên dụng, vải lụa để bán, Phúc và Xây Rum còn cho chữ những người yêu thích. Chữ thư pháp được viết trên giấy A4. Mỗi ngày cả hai cho đến hàng ngàn chữ. Người đến muốn xin chữ gì là hai bạn viết cho ngay. Phúc kể: “Có ngày hết giấy, thế là khách chạy đi mua giấy về để tôi viết chữ, vui lắm”. Gian hàng của Phúc và Xây Rum tính giá phải chăng, khách còn bị thu hút bởi những nét bút tài hoa của hai chàng sinh viên. Trừ chi phí, mỗi ngày hai bạn thu hoạch gần 400 ngàn đồng. Lúc đầu, Phúc và Xây Rum chỉ định bày ra viết thư pháp bán với những loại giấy khổ nhỏ, hoặc trên móc khóa nhưng do nhu cầu của khách nên ngày càng mở rộng quy mô. Hiện Phúc và Xây Rum đã nhận những đơn đặt hàng giá trị như viết hoành, trướng thư pháp trên giấy dó hoặc vải lụa. Nghe tiếng hai “ông đồ” tài hoa, bà con ở ngoài trường cũng tìm vào mua câu đối. Xây Rum khoe: “Mới có hai công ty đặt vẽ, viết bức trướng thư pháp. Tụi tôi đang cố gắng làm để kịp giao cho khách”.

Phúc quê ở xã Khánh Hội, còn Xây Rum ở xã Khánh Tiến của huyện U Minh, tỉnh Cà Mau. Họ cùng học chung trường phổ thông, giờ cùng ở chung phòng của ký túc xá dành cho sinh viên Cà Mau, đêm đêm, Phúc miệt mài luyện thư pháp, Xây Rum thì say sưa với những nét phác họa đồng quê, hoa lá vì cả hai đều cùng thích hội họa, nghệ thuật và là những “cây văn nghệ” rất “cừ” của lớp, bộ môn. Phúc và Xây Rum là thành viên của Câu lạc bộ Thư pháp - Bộ môn Ngữ văn, khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn của Trường Đại học Cần Thơ. Cả hai rất hòa đồng với các bạn và rất sẵn lòng chỉ dẫn cách thức viết chữ và vẽ tranh thư pháp. Điểm đáng quý ở hai sinh viên này chính là sự tự học và quyết tâm theo đuổi niềm đam mê của mình. Chứng kiến cảnh hai bạn thảo những nét như “phượng múa rồng bay” thì chắc không thể ngờ rằng cả hai đều chưa từng được học qua bất kỳ khóa học thư pháp nào mà do mày mò học hỏi qua sách vở, những người đi trước và cố công rèn luyện.

Hiện nay, Phúc viết thư pháp chủ yếu bằng chữ Việt, nhưng bạn cũng đang mày mò viết thư pháp Hán ngữ. Phúc tâm sự: “Viết, vẽ thư pháp rất cần sự kiên trì mà đặc biệt là phải có tâm hồn. Mỗi chữ viết tôi đều gửi tâm tình mình vào đó. Thí dụ như viết chữ “Nhân”, “Nghĩa, “Mẹ”, “Cha”... mà tấm lòng trống rỗng thì chữ vô nghĩa lắm”. Xây Rum thì cho biết, hầu hết khách hàng, đặc biệt là sinh viên đều chọn cho mình những chữ: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Chí, Cha, Mẹ... chứng tỏ các bạn vẫn rất chú tâm đến cách sống, lối sống. Cầm trên tay câu đối: “Đi khắp thế gian không ai tốt bằng Mẹ. Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng Cha”, Nguyễn Thanh Nhật, sinh viên năm hai của Trường Đại học Cần Thơ, chia sẻ: “Hai bạn này viết chữ đẹp lắm. Tôi chọn câu này để ghi nhớ công lao của đấng sinh thành. Đây sẽ là quà xuân ý nghĩa mà tôi dành tặng cho cha mẹ mình”.

Có người e ngại về việc học hành của các bạn, Phúc cười: “Tụi tôi luôn ưu tiên và nhắc nhở nhau chuyện học hành. Bài chưa làm xong là không được cầm cọ viết, vẽ gì hết...”.

Tết đang về với mọi nhà, những cánh mai vàng đã dần hé nụ, ngọn gió xuân đã rạt rào thổi làm say lòng người. Theo tập quán cũ, không ít người tìm đến những ông đồ xin chữ, mong ước điều tốt lành sẽ đến trong năm mới. Hai “ông đồ sinh viên”, Phúc và Xây Rum, vẫn chăm chút từng nét bút để đem đến cho mọi người những câu đối thật đẹp, ý nghĩa cho xuân về Tết đến. Họ đang góp phần tô điểm cho mùa xuân thêm hồng thắm.

Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết