Sau khi rời quân ngũ, những người lính trở lại đời thường, bắt đầu cuộc sống mới. Không ít người đã vượt qua cuộc mưu sinh với những khó khăn vất vả của “cơm, áo, gạo, tiền”, xây dựng được mái ấm hạnh phúc và có tác động không nhỏ với bước tiến của cộng đồng. Gia đình của họ là những gia đình văn hóa tiêu biểu ở địa phương- điển hình như gia đình ông Nguyễn Văn Dầy ở ấp Thới Thuận A, thị trấn Thới Lai, huyện Cờ Đỏ và thương binh Lê Văn Trứ ở ấp Vĩnh Nhuận, xã Thới Thuận, huyện Thốt Nốt, TP Cần Thơ.
Ông Lâm Văn Liếp, Trưởng ấp Thới Thuận A, thị trấn Thới Lai, huyện Cờ Đỏ, giới thiệu: “Một trong những gia đình văn hóa tiêu biểu của thị trấn là gia đình ông Nguyễn Văn Dầy. Ông Dầy là bộ đội phục viên, bây giờ là chủ của cơ sở kinh doanh đồ trang trí nội thất. Doanh nghiệp của ông Dầy chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Nhà nước, còn gia đình ông thì sống hòa thuận với xóm giềng, tích cực góp công, góp của trong các đợt vận động làm cầu, đường ở địa phương, ủng hộ các hoạt động xã hội, giúp đỡ những gia đình khó khăn...”.
Chúng tôi có dịp đến thăm ông Nguyễn Văn Dầy, tại ngôi nhà khang trang, tiện nghi, giữa sân vườn rộng rãi, mát mẻ. Cơ ngơi này là một trong những thành quả mà vợ chồng ông Dầy vất vả gầy dựng suốt mấy mươi năm qua. Ông Dầy cho biết: Ông tham gia bộ đội năm 16 tuổi và được điều về Cục Hậu cần Quân khu 9, ở bộ phận vận chuyển hàng hóa tại chiến trường Campuchia. Năm 1985, ông phục viên và lập gia đình với bà Đỗ Thị Ánh. Khi hai đứa con lần lượt ra đời, cuộc sống của vợ chồng ông ngày càng khó khăn. Để cải thiện kinh tế gia đình, ông Dầy lên Hà Tiên (Kiên Giang) làm công nhân rồi làm thủ kho của một công ty lâm sản. Tám năm sau, khi đã tích lũy được những kiến thức về đồ gỗ và một ít vốn, ông Dầy trở về quê mở cơ sở sản xuất đồ gỗ và trang trí nội thất. Cơ sở mang tên Ngọc Ánh của ông làm ăn ngày càng phát đạt. Bây giờ, ông đã nhân thành hai cơ sở: một ở ấp Thới Thuận A và một ở ấp Thới Thuận B.
 |
Vợ chồng ông Nguyễn Văn Dầy kiểm tra các mặt hàng
tại cơ sở kinh doanh. |
Mấy năm ông Dầy làm việc ở Hà Tiên, vợ ông ở nhà nuôi con. Ban ngày, bà Ánh lo việc đồng áng, đêm về lại phụ mẹ chồng chằm nón lá để kiếm thêm thu nhập. Vất vả, bận rộn... nhưng bà Ánh vẫn tranh thủ thời gian dạy các con học, khuyên nhủ và động viên các con trong những ngày vắng cha. Sớm hiểu được nỗi vất vả của cha mẹ, các con của vợ chồng ông Dầy- bà Ánh đều ngoan và chăm học nên nhiều năm liền là học sinh khá, giỏi.
Khi ông Dầy trở về Thới Lai mở cơ sở làm ăn, hai vợ chồng ông càng có điều kiện chăm lo, dạy bảo các con. “Tiên học lễ, hậu học văn” là điều vợ chồng ông Dầy luôn nhắc nhở để các con biết cách cư xử lễ phép, hòa đồng và biết giúp đỡ mọi người. Ông bà thường khuyên bảo các con nên chơi với bạn tốt, không được chơi bời, lêu lổng, làm chuyện xấu và luôn động viên, tạo điều kiện cho các con học hành đến nơi đến chốn. Hiện nay, con gái lớn của ông bà đang học ngành Nuôi Trồng thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ, con trai út đang học lái xe tại Trường Đào tạo nghề của Quân khu 9. Người con trai út ngoài giờ học còn phụ tiếp cha mẹ những công việc ở cửa hàng. Bà Đỗ Thị Ánh, vợ ông Dầy, kể: “Con gái tôi lấy chồng lúc đang học đại học, chúng tôi yêu cầu con vẫn phải tiếp tục học cho xong đại học chứ không được bỏ ngang. Vợ chồng tôi không có điều kiện học cao nên rất muốn các con mình phải có trình độ, kiến thức, có việc làm ổn định để khỏi long đong, vất vả như chúng tôi”.
Dù công việc kinh doanh rất bận rộn, ông Dầy vẫn sắp xếp tích cực tham gia công tác địa phương. Hiện nay, ông Dầy là Trung úy quân dự bị động viên 1 của huyện Cờ Đỏ, chấp hành tốt việc tập trung huấn luyện, sẵn sàng tham gia chiến đấu khi có lệnh điều động. Trong phong trào toàn dân thực hiện các tiêu chí văn hóa, tiến tới xây dựng ấp văn hóa, thị trấn văn hóa, gia đình ông Dầy là một trong những gia đình thực hiện tốt các tiêu chí như: gia đình văn hóa, ngôi nhà có cảnh quan đẹp, làm lộ bê tông trước cửa nhà, làm hàng rào, cột cờ đúng qui định, thực hiện các công trình vệ sinh... Trong lễ đón nhận danh hiệu “Thị trấn văn hóa” của thị trấn Thới Lai, huyện Cờ Đỏ vào cuối năm 2008 vừa qua, ông Nguyễn Văn Dầy đã được chính quyền và bà con địa phương cử đại diện cho những gia đình văn hóa tiêu biểu lên phát biểu kinh nghiệm xây dựng cuộc sống mới.
***
Ở ấp Vĩnh Nhuận, xã Thới Thuận, huyện Thốt Nốt, bà con ai cũng khen anh Lê Văn Trứ (Út Trứ) là thương binh nhưng giỏi làm ăn, gia đình hạnh phúc, con cái ngoan ngoãn.
Chúng tôi gặp cả hai vợ chồng anh Trứ tại trại nuôi cá tra của gia đình. Trên ao cá, anh Trứ đang bơi xuồng tạt vôi để xử lý môi trường của ao. Xong việc, anh thoăn thoắt lên bờ... bằng đôi tay vì đôi chân của anh không còn nguyên vẹn.
Anh Trứ là thương binh ¼, bị thương trên chiến trường Campuchia năm 1986. Sau khi được điều trị, anh trở về quê nhà với đôi chân bị cưa đến gần đầu gối. Lúc đầu anh rất mặc cảm nhưng được sự động viên, giúp đỡ của gia đình, bạn bè, anh dần hòa nhập với cuộc sống mới. Nếu ở trong nhà hoặc làm những việc đơn giản, anh di chuyển bằng đôi tay. Khi đi đâu, anh Trứ dùng chân giả. Thời còn trẻ, anh Trứ phụ tiếp gia đình trong công việc đồng áng bằng cách trông coi ruộng lúa, tính ngày phun thuốc, bón phân, thu hoạch. Anh còn theo bạn bè đi mua thêm lúa đem xay để bán gạo... Ý chí kiên cường và sự siêng năng của anh thương binh đã làm xao lòng chị Nguyễn Thị Xuân Thu- giáo viên Trường Tiểu học Thới Thuận 3. Sau khi tìm hiểu và yêu mến nhau, anh Trứ và chị Thu nên duyên vợ chồng.
Lúc đầu, anh chị làm 10 công ruộng. Về sau, anh Trứ chuyển 2 công ruộng qua nuôi cá rô, cá lóc và thu được khá nhiều lợi nhuận nhờ cần cù, chịu khó học hỏi kinh nghiệm. Năm 2006, khi phong trào nuôi cá tra phát triển mạnh ở huyện Thốt Nốt, vợ chồng anh Trứ chuyển qua nuôi cá tra. Qua hai vụ cá, tuy chưa lời nhiều nhưng anh cũng trả được nợ ngân hàng và đầu tư tiếp vụ sau.
 |
Anh Lê Văn Trứ tạt vôi xử lý ao nuôi cá. |
Trong gia đình anh Trứ - chị Thu có sự phân công rõ ràng: anh Trứ chủ yếu lo kinh tế, chị Thu ngoài giờ dạy học thì lo việc nội trợ. Nhưng khi xảy ra việc khúc mắc trong làm ăn hay việc dạy dỗ con cái, anh chị cùng bàn bạc với nhau để tìm hướng giải quyết. Hai vợ chồng dành mọi thời gian cho các con học. Khi nào các con rảnh rỗi thì phân công phụ tiếp một số công việc gia đình. Hiện nay, con gái lớn của anh chị đang học lớp 12 và con gái út đang học lớp 8. Hai cô con gái của anh chị đều ngoan và học khá, giỏi. Thương con nhưng vợ chồng anh Trứ rất nghiêm khắc: con gái lớn đi học ngày hai buổi bằng xe đạp. Đường đến trường khá xa nhưng anh chị yêu cầu con đi về phải đúng giờ và buổi trưa phải ăn cơm với gia đình, không được la cà đây đó. Chị Thu tâm sự: “Quan điểm của chúng tôi trong việc dạy con là không nên chìu chuộng, đáp ứng tất cả mọi yêu cầu của con, mà nên hướng dẫn các con biết đúng sai, biết tiết kiệm và quý trọng đồng tiền. Chẳng hạn như con gái lớn muốn có xe gắn máy, điện thoại di động như một số bạn bè thì chúng tôi giải thích cho con hiểu là bây giờ còn đi học, chưa nên xài những thứ đó, khi nào đi làm hoặc khi thấy cần thiết, cha mẹ sẽ mua cho. Mình nói có tình, có lý thì các con sẽ nghe lời”. Về phía xã hội, vợ chồng anh Trứ quan hệ với bà con, xóm giềng, bạn bè thân thiện, đúng mực, làm gương cho các con noi theo.
Ông Liêu Ngọc Lượm, Trưởng ấp Vĩnh Nhuận, cho biết: “Gia đình anh Lê Văn Trứ là một trong những tấm gương điển hình của ấp về vượt khó vươn lên và xây dựng gia đình văn hóa, hạnh phúc. Những gia đình như vậy có tác động rất tích cực trong phong trào xây dựng gia đình văn hóa ở địa phương”.
***
Ông Nguyễn Văn Dầy và anh Lê Văn Trứ chỉ là hai trong số rất nhiều trường hợp của những người lính trở về đời thường, vững vàng vượt qua khó khăn, thử thách để xây dựng mái ấm hạnh phúc. Những mái ấm ấy chính là tế bào góp phần làm nên một xã hội văn hóa, tốt đẹp...
Bài, ảnh: LỆ THU