13/04/2012 - 21:07

Chương trình “Cần Thơ phố”

Những mảng ghép về Tây Đô

Chợ nổi Cái Răng được phản ánh trong tập “Một ngày cùng Cần Thơ”. Ảnh: Duy Khôi

Cứ vào 19 giờ 45 phút Chủ nhật hằng tuần, nhiều người Cần Thơ và ở ĐBSCL lại chờ đến chương trình “Cần Thơ phố” trên Đài PT-TH TP Cần Thơ. Chương trình giới thiệu với khán giả màn ảnh nhỏ những nét đẹp của Tây Đô xưa và nay trên cơ sở kể chuyện con người, địa phương đã và đang chuyển động đổi thay hằng ngày.
Chương trình do Đài PT-TH TP Cần Thơ và Công ty Quảng cáo Phù Sa phối hợp thực hiện.

“Cần Thơ phố” được thực hiện theo dạng ký sự truyền hình. Mỗi kỳ phát sóng giới thiệu một nét đẹp văn hóa tiêu biểu ở Cần Thơ trong quá khứ và hiện tại như: ẩm thực, phong tục tập quán, những địa danh nổi tiếng... Mỗi tập chỉ 15 phút nhưng đã mang đến những hoài niệm về những điều rất gần gũi với đời thường.

Qua chương trình, khán giả hiểu thêm về những nơi mà có thể hằng ngày qua lại không để ý: cây cầu, con rạch... Ví dụ trong tập “Chuyện địa danh Đầu Sấu”, những câu chuyện thú vị giải thích địa danh qua lời kể của các vị bô lão địa phương. Khán giả biết thêm về những nét sinh hoạt đặc trưng, đời sống tín ngưỡng và cả sự đổi thay vùng đất vàm, rạch Đầu Sấu. Không ít người Cần Thơ đã thưởng thức cái bánh cống đường Nguyễn Trãi giòn rụm, bánh tét lá cẩm Cần Thơ thơm ngon, nức tiếng một thời nem Cái Răng... giờ biết tường tận về lịch sử, cách chế biến để cảm nhận nét văn hóa ẩm thực của người Tây Đô.

Những nếp sinh hoạt đời thường của người Cần Thơ: “Đầu xuân đi lễ chùa”, “Đời gạo chợ nước sông”, “Thú chơi cổ ngoạn”... cũng được giới thiệu sinh động.

Mỗi kỳ phát sóng, đằng sau những nỗi tự hào về Cần Thơ, chương trình còn phản ánh thực trạng những giá trị văn hóa, những nếp sinh hoạt đẹp dần bị lãng quên trong nhịp sống phố thị hiện đại chẳng hạn như: “Gói bánh tét là dịp nhóm họp tất cả phụ nữ trong dòng họ, láng giềng gần xa, tạo nên cái không khí nôn nao của ngày lễ giỗ, ngày cận Tết... Nhưng với nhịp sống hối hả, công nghiệp, chuyện gói bánh tét trong các dịp giỗ, Tết ngày càng hiếm dần...” (“Câu chuyện bánh tét Cần Thơ”).

Lời bình của mỗi kỳ đều ngắn gọn, trần tình và đầy cảm xúc, kể cho người xem những câu chuyện về Cần Thơ.

28 chương trình đã phát sóng là 28 mảng ghép văn hóa Cần Thơ, giúp khán giả màn ảnh nhỏ hiểu một cách khái quát về Tây Đô.

ĐĂNG HUỲNH 

Chia sẻ bài viết