10/09/2021 - 07:39

Những lý do khiến bạn đói bụng liên tục 

Ðói là dấu hiệu bình thường cho thấy cơ thể cần thức ăn. Song không ít người từng trải qua cảm giác bụng cồn cào dù vừa dùng bữa xong tức thì. Theo các chuyên gia, có nhiều lý do khiến chúng ta cảm thấy nhanh đói, bao gồm:

+ Thiếu ngủ. Không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì chức năng cơ thể, giấc ngủ có liên hệ chặt chẽ với việc kiểm soát cơn đói. Nó giúp điều chỉnh hoóc-môn kích thích sự thèm ăn ghrelin, nên nếu thiếu ngủ thì bạn có thể thấy đói nhanh hơn bình thường. Vì thế, bạn cần ngủ ít nhất 8 tiếng/đêm.

+ Không ăn đủ đạm (prôtêin). Prôtêin đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát sự thèm ăn, thông qua việc làm giảm nồng độ ghrelin. Do đó, hãy đảm bảo bữa ăn luôn có sự cân bằng tốt về tinh bột - đường, prôtêin và chất béo lành mạnh.

+ Không ăn đủ chất xơ. So với thực phẩm ít chất xơ, thực phẩm giàu chất xơ giúp kiểm soát tốt cơn đói vì chúng mất nhiều thời gian tiêu hóa hơn. Ngoài ra, hàm lượng cao chất xơ ảnh hưởng đến việc giải phóng các hoóc-môn làm giảm sự thèm ăn và sản xuất các axít béo chuỗi ngắn, có tác dụng thúc đẩy cảm giác no. Thực phẩm giàu chất xơ gồm: bột yến mạch, hạt lanh, khoai lang và cam.

+ Ăn quá nhanh. Từ khi bắt đầu ăn, não bộ cần mất 20 phút để phát ra tín hiệu “no”. Nếu ăn quá nhanh, cơ thể sẽ không đủ thời gian nhận ra tín hiệu “no”, khiến bạn liên tục thấy đói bụng.

+ Chế độ ăn thiếu chất béo lành mạnh. Kết hợp chất béo lành mạnh vào chế độ ăn uống đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì cảm giác no bụng. Ðiều này là do chất béo được vận chuyển chậm trong đường tiêu hóa. Nói cách khác, cơ thể cần nhiều thời gian hơn để tiêu hóa chất béo. Chất béo lành mạnh thường có trong các thực phẩm như bơ và các loại hạt. 

+ Không uống đủ nước. Không chỉ vô cùng thiết yếu đối với sức khỏe tổng thể, nước còn đóng vai trò quan trọng trong sự thèm ăn. Nhiều khi chúng ta cảm thấy đói, nhưng thực ra là do đang khát. Do đó, đừng vội kiếm thứ gì đó ăn ngay khi thấy đói, hãy thử uống 1-2 ly nước và chờ xem liệu cơn đói có biến mất hay không.

+ Căng thẳng tinh thần (stress). Tình trạng ăn uống do stress thường xuất hiện khi nồng độ hoóc-môn căng thẳng cortisol tăng cao. Cortisol được phát hiện là có tác dụng thúc đẩy cảm giác đói và thèm ăn.

HƯƠNG THẢO (Theo One Green Planet)

Chia sẻ bài viết