08/05/2015 - 10:39

Những luồng gió mới

Những năm qua, trên địa bàn TP Cần Thơ xuất hiện nhiều mô hình hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác điển hình tiên tiến với đa dạng ngành nghề hoạt động. Các HTX, tổ hợp tác này đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho một lượng khá lớn lao động, nhất là ở khu vực nông thôn. Qua đó, ngày càng khẳng định được vai trò, vị trí của kinh tế tập thể trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Năm 2005, HTX Xây dựng Tiến Lợi (phường Trà Nóc, quận Bình Thủy) ra đời với 9 thành viên; lúc cao điểm, lao động làm việc tại HTX khoảng 90 người. Hằng năm, HTX nhận thi công xây dựng trên dưới 90 căn nhà tình nghĩa, tình thương, đại đoàn kết, tình đồng đội; xây dựng trên 3.000 m2 các công trình hành chính, sự nghiệp kinh tế của địa phương và 40 nhà ở dân dụng. Đến cuối năm 2014, lương người lao động bình quân là 5,5 triệu đồng/người/tháng. Ông Phạm Văn Sáng, Giám đốc HTX Xây dựng Tiến Lợi, cho biết: Để duy trì và phát triển HTX, tăng thu nhập cho các xã viên, lãnh đạo HTX tích cực mở rộng quan hệ, tìm kiếm công trình, ký kết các hợp đồng xây dựng. Vận động kết nạp thêm thành viên có trình độ chuyên môn cao kèm cặp hướng dẫn cho các công nhân. Đồng thời, đầu tư trang thiết bị kỹ thuật, giám sát thi công chặt chẽ, nâng cao chất lượng công trình. Ngoài ra, HTX Xây dựng Tiến Lợi còn tham gia vào công tác dạy nghề. Thời gian qua, HTX đã tổ chức 4 lớp dạy nghề (2 lớp thợ hồ và 2 lớp thợ cơ khí) cho 120 học viên là bộ đội xuất ngũ, gia đình chính sách, gia đình công nhân, nông dân nghèo có hoàn cảnh khó khăn. Sau khi hoàn thành chương trình, các học viên được cấp giấy chứng nhận sơ cấp nghề. HTX nhận vào làm việc 72 học viên và giới thiệu cho các HTX bạn, xí nghiệp, công ty ngành xây dựng và cơ khí các học viên còn lại.

Xã viên HTX Quốc Noãn đan giỏ tre gia công theo hợp đồng.

Tham gia HTX Xây dựng Tiến Lợi từ khi mới thành lập, anh Phan Hồng Khánh ở khu vực 2, phường Trà Nóc, quận Bình Thủy, chia sẻ: "Khi chưa có HTX, tôi làm công nhân xây dựng tư nhân, công việc khá bấp bênh. Khi nào có việc nhà thầu gọi đi làm, có khi 1-2 tháng không có việc làm. Từ ngày tham gia HTX, công việc đều đặn, thu nhập cao hơn trước nên cuộc sống gia đình ổn định hơn. Không chỉ riêng tôi, hầu hết anh em xã viên đều rất tâm đắc với HTX. Mọi người có tinh thần đoàn kết, cùng nhau học hỏi nâng cao tay nghề, đảm bảo chất lượng công trình để HTX vươn xa hơn thời gian tới".

Thành lập vào tháng 6-2013, HTX Quốc Noãn (xã Trường Thắng, huyện Thới Lai) chuyên sản xuất, gia công các sản phẩm từ tre, nứa, lục bình, dây nhựa đã góp phần vực dậy ngành nghề truyền thống của địa phương. HTX đã thực sự đóng vai trò đầu tàu, giúp nông dân và các hộ làm nghề ở địa phương có được việc làm và đầu ra ổn định cho sản phẩm. Bước đầu mới thành lập, HTX tổ chức dạy nghề cho bà con xã viên, lập kế hoạch đầu tư xây dựng nhà xưởng và đầu tư máy móc, thiết bị để tổ chức các hoạt động dịch vụ phục vụ cho các thành viên. Hợp tác xã đã tích cực đẩy mạnh sản xuất tạo ra sản phẩm mới từ tre đan đáp ứng nhu cầu thị trường, đảm bảo chất lượng, chủng loại, quy cách, mẫu mã, giao hàng theo đúng thời gian hợp đồng với khách hàng. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tham gia các hội chợ triển lãm nhằm quảng bá, tiêu thụ các mặt hàng cho bà con xã viên, mở rộng thị trường ở hầu hết các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh. Hiện HTX tạo việc làm cho trên 60 lao động chính và nhiều lao động phụ, lao động nông nhàn của các hộ trong làng nghề có thu nhập ổn định, bình quân 2,5 triệu đồng/người/tháng. Ông Nguyễn Văn Nà, Giám đốc HTX Quốc Noãn, cho biết: Quy mô hoạt động của HTX Quốc Noãn còn khiêm tốn nhưng mô hình HTX đã thúc đẩy tinh thần hợp tác, đoàn kết tương trợ lẫn nhau trong cộng đồng dân cư. Đây chính là mấu chốt để HTX tồn tại và phát triển, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Từ những trăn trở suy nghĩ: làm sao phát huy bản chất người lính Cụ Hồ sau khi rời quân ngũ, làm những việc có ích cho xã hội, Tổ hợp tác vệ sinh môi trường, thu gom rác thải Hội Cựu chiến binh phường Thuận An, quận Thốt Nốt ra đời vào đầu năm 2013. Ngay từ khi thành lập, tổ hợp tác đề xuất chính quyền địa phương ra chủ trương, phát động tuyên truyền rộng rãi, trong các khu dân cư tổ chức thu gom xử lý rác thải; trong đó hộ gia đình có cựu chiến binh và tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp là đối tượng nòng cốt, gương mẫu thực hiện. Từ đó tạo sự lan tỏa trong quần chúng nhân dân tự nguyện, tích cực tham gia thu gom rác thải. Các thành viên tổ hợp tác góp vốn đầu tư thiết bị, nhân lực để phục vụ thu gom rác thải của người dân. Thời gian đầu, nhiều hộ gia đình ngại tốn kém không tham gia, qua quá trình hoạt động của tổ hợp tác người dân thấy được việc làm thiết thực, có ích cho cộng đồng và tích cực tham gia hưởng ứng. Từ những kết quả mô hình đạt được, Tổ hợp tác đề xuất lãnh đạo Hội Cựu Chiến binh quận Thốt Nốt nhân rộng mô hình, phối hợp Hội Cựu Chiến binh phường Tân Lộc để mở rộng địa bàn hoạt động. Hiện Tổ hợp tác Vệ sinh môi trường Thuận An hoạt động thu gom rác 16 khu vực của 2 phường (Thuận An và Tân Lộc), với 4 phương tiện có trọng tải 1 tấn, phục vụ cho trên 4.450 hộ dân, khối lượng vận chuyển bình quân 13 tấn rác/ngày. Đồng thời, giải quyết việc làm và thu nhập cho 12 hội viên Cựu chiến binh (bình quân 2,5-3,5 triệu đồng/người/tháng). Mặc dù còn không ít khó khăn phía trước, nhưng tổ hợp tác phấn đấu năm 2015 nâng tổng số hộ dân tham gia thu gom rác đạt từ 70-80% trên địa bàn. Các thành viên đều tâm đắc: Cái được lớn nhất của mô hình bước đầu đã thay đổi thói quen vứt rác của người dân; đây là việc làm hiệu quả, thiết thực cho cộng đồng.

Bài, ảnh: TUYẾT TRINH

Chia sẻ bài viết