28/07/2013 - 09:46

Những giải pháp mới có thể nuôi sống thế giới

 

Trước nguy cơ an ninh lương thực bị đe dọa khi dân số thế giới ngày một gia tăng, diện tích đất trồng trọt thu hẹp trong khi điều kiện tự nhiên ngày càng khắc nghiệt, giới chuyên gia trên nhiều lĩnh vực đã và đang tập trung nghiên cứu với hy vọng mang đến nhiều giải pháp tối ưu để sản xuất đủ thực phẩm nuôi sống con người.

Trang BBC ước tính, sản lượng lương thực sẽ phải tăng ít nhất 60% vào năm 2050 khi dân số thế giới đang tiến nhanh tới mốc 9 tỉ người. Tuy nhiên, phó giáo sư di truyền học cây trồng Sean Mayes nhận định khả năng cung cấp đầy đủ lương thực là một “thách thức lớn” với nhiều khó khăn trước mắt. “Trong trường hợp này không phải chỉ tăng gấp đôi nỗ lực mà vấn đề là chúng ta không có đất để sản xuất”. Trước nhu cầu cấp bách này, các nhà khoa học đã giới thiệu 5 ý tưởng mà họ tin rằng có thể đẩy lùi nguy cơ mất an ninh lương thực.

Cây được xử lý với quinabactin (phải) vẫn tươi tốt sau 14 ngày không tưới nước.

Bảo vệ cây trồng

Nhiệt độ toàn cầu đang tăng lên, các nhà khoa học dự đoán nạn lũ lụt, hạn hán cùng với điều kiện quỹ đất trồng ngày một hạn hẹp sẽ tiếp tục tác động đến sản lượng lương thực. Để giải quyết vấn đề, một nhóm nghiên cứu thuộc Đại học California Riverside (Mỹ) gần đây đã khám phá ra hóa chất “quinabactin” - mô phỏng hoóc-môn tự nhiên của thực vật có tính năng bảo vệ và giúp cây trồng chống chọi với điều kiện khắc nghiệt như hạn hán.

“Khi bạn phun thuốc lên cây, chúng sẽ làm chậm quá trình héo úa bằng cách hạn chế sự mất nước và cải thiện khả năng chịu hạn của cây” – trưởng nhóm nghiên cứu Sean Cutler cho biết. Tiện ích khác nữa là “quinabactin” rất dễ sản xuất với chi phí thấp và số lượng lớn. Cutler cho biết, mặc dù phun thuốc hóa học là một chiến lược nhưng nhóm của ông cũng đang theo đuổi nhiều phương pháp khác nhau nhằm giúp cây trồng gia tăng năng suất trong điều kiện thời tiết ngày càng bất lợi.

Thức ăn từ máy in 3D sẽ sớm thay thế thực phẩm đang dùng trên các tàu vũ trụ.

In….thực phẩm

Công nghệ in 3D đang biến mong muốn in thực phẩm thành hiện thực. Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết họ đang thử nghiệm công nghệ sản xuất thực phẩm bằng kỹ thuật in 3D mà họ tin có thể dùng cho các phi hành gia đang thực hiện sứ mệnh thám hiểm không gian. Trong khi đó, công ty Modern Meadow tuyên bố họ có thể “in” thịt nhân tạo và nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Exeter (Anh) nói rằng họ đã thiết kế thành công máy in để tạo ra đồ vật dạng 3D bằng chất liệu sôcôla. Theo Carlos Olguin thuộc công ty công nghệ Autodesk, kỹ thuật này sẽ sớm tạo nên “một hệ sinh thái in 3D” không chỉ sản xuất thực phẩm mà còn cung cấp thuốc và tái tạo bộ phận của con người.

Đậu phộng Bambara là cây trồng chịu hạn rất tốt.

Tái sản xuất một số cây lương thực bị “lãng quên”

Tiến sĩ Sean Mayes thuộc Đại học Nottingham (Anh) đang làm việc tại Malaysia cho biết, các nhà khoa học nước này đang xem xét một số cây lương thực đã bị con người lãng quên trước đây, trong đó bao gồm một số loài có sức chịu hạn đáng kể và phát triển trong môi trường đất cằn cỗi. Nếu những đặc tính này được áp dụng trên các giống cây lương thực như lúa, lúa mì hay bắp thì chúng ta có thể lai tạo ra giống cây có thể chịu đựng tốt hơn với tình trạng biến đổi khí hậu.

Tại Mỹ, thực phẩm biến đổi gien không còn xa lạ.

Thực phẩm biến đổi gien

Trong thời gian chờ lai tạo các giống cây trồng chịu hạn tốt và năng suất cao (vốn có thể mất nhiều năm), thực phẩm biến đổi gien (GM) có thể là một sự lựa chọn đáng chú ý. Theo đó, các nhà khoa học đã và đang nghiên cứu để cho ra những giống cây cao sản và bổ sung dinh dưỡng như mong muốn, bằng cách thay đổi cấu trúc ADN của cây trồng. Mặc dù được ủng hộ, Tiến sĩ Mayes cho biết vẫn còn nhiều người không chấp nhận dòng thực phẩm này vì cho rằng chúng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của con người.

Phát minh tổng hợp ra sự sống

Lĩnh vực sinh học tổng hợp liên quan đến việc tập hợp các gien nhân tạo để tạo ra sự sống mới mặc dù vẫn còn trong giai đoạn trứng nước nhưng cũng gặt hái được một số kết quả đáng mong đợi.

Nhóm nghiên cứu tại Đại học John Hopkins (Mỹ) cho biết họ đã tạo ra một chủng men mới có khả năng gia tăng dưỡng chất cho thực phẩm. Chẳng hạn, khi dùng men này nướng chung với bánh mì, nó sẽ làm cho phần bánh đó gia tăng đáng kể hàm lượng vitamin C. Hiện các nhà khoa học đang có một dự án tham vọng hơn, đó là tạo ra loại men tổng hợp đầu tiên trên thế giới có thể phát huy tối đa tiềm năng của vi sinh vật, mà nếu được kết hợp với công nghệ in 3D, nó sẽ giúp ích trong lĩnh vực sản xuất lương thực và nhiên liệu sinh học. Theo BBC, Chính phủ Anh thông báo sẽ đầu tư 60 triệu bảng Anh vào lĩnh vực này.

LẠC HOA (Theo BBC)

 

Chia sẻ bài viết