02/03/2016 - 15:08

Những dưỡng chất cần bổ sung để phòng tránh bệnh tim

Trong bài viết đăng trên báo Daily Mail mới đây, Tiến sĩ Carl Pfeiffer - chuyên gia y học dinh dưỡng hàng đầu tại Anh, cho biết nếu "hấp thu đủ các chất dinh dưỡng, tất cả các bệnh mãn tính sẽ không tồn tại", bao gồm cả bệnh tim. Và để phòng tránh căn bệnh này, ông khuyến nghị dung nạp 13 dưỡng chất như sau:

Axít béo Omega-3

 

Theo chuyên gia Pfeiffer, muốn phòng tránh bệnh tim, bạn nên áp dụng chế độ ăn Địa Trung Hải, với nhiều dầu ô-liu và cá tươi. Trong khi các axít béo bão hòa đơn chuỗi ngắn từ dầu ô-liu được chứng minh làm giảm nồng độ cholesterol "xấu" LDL và triglycerid, thì các axít béo không bão hòa đa chuỗi dài như EPA hay DHA trong cá có thể giúp ngăn ngừa chứng viêm cũng như bảo vệ cơ thể khỏi bệnh tim mạch. Omega-3 thường có nhiều trong cá có dầu (cá thu, cá ngừ, cá hồi, cá mòi…), các loại hạt, dầu ép từ hạt, quả bơ.

Magiê

Magiê đóng vai trò quan trọng trong việc sản sinh một loại năng lượng gọi là ATP. Nhiều nghiên cứu cho thấy cơ cần loại năng lượng này để giãn ra, giúp ngăn ngừa đột quị và nhồi máu cơ tim. Phụ nữ dễ bị thiếu magiê hơn nam giới và căng thẳng tinh thần là yếu tố có thể làm cạn kiệt nguồn dự trữ magiê trong cơ thể. Bạn có thể bổ sung magiê từ các loại hạt, rau lá xanh và đậu lăng. Ngoài ra, thêm muối khoáng Epsom vào nước tắm cũng giúp cơ thể hấp thụ hiệu quả magiê qua da.

Coenzyme Q10 (Co Q10)

Không chỉ sản sinh nguồn năng lượng giống như magiê, Co Q10 còn là chất chống ôxy hóa mạnh có thể kết hợp tốt với selen, vitamin C, vitamin E và kẽm để bảo vệ động mạch khỏi bị tổn thương. Những người dùng thuốc statin để hạ huyết áp thường có hàm lượng Co Q10 thấp nên cần bổ sung dưỡng chất này mỗi ngày. Co Q10 có nhiều trong thịt, trứng, cá.

Vitamin D

Vitamin D từ ánh nắng từ lâu được biết có tác dụng phòng chống nhiều loại bệnh, đặc biệt là bệnh tim, huyết áp cao và đột quị. Nghiên cứu cho thấy thiếu vitamin D làm tăng 40% nguy cơ mắc bệnh tim và 81% nguy cơ tử vong vì bệnh này. Ngoài phơi nắng, bạn có thể bổ sung vitamin D từ cá (đặc biệt là gan cá), một số loại nấm và trứng.

Kẽm

Cũng giống như Omega-3, kẽm giúp ngăn ngừa viêm nhiễm nhờ giúp cơ thể sản xuất chất chống viêm cytokine. Dưỡng chất này còn được chứng minh là có đặc tính phòng ngừa bệnh mạch vành và cải thiện chức năng tim. Kẽm có nhiều trong hạt bí, các loại hạt và động vật có vỏ như trai, sò, vẹm, tôm và cua.

Vitamin C

 

Là một chất chống ôxy hóa mạnh, vitamin C khi kết hợp với vitamin E, kẽm và Co Q10 giúp ngăn ngừa bệnh tim mạch và tổn thương tế bào. Vitamin C cũng được chứng minh làm giảm nồng độ cholesterol "xấu" LDL và cải thiện nồng độ cholesterol "tốt" HDL. Nghiên cứu cho thấy những người hấp thu hàm lượng cao vitamin C từ chế độ ăn uống ít có nguy cơ bị đau tim và đột quị. Bạn có thể bổ sung vitamin C từ trái cây tươi, đặc biệt là các loại quả mọng nước, rau cần tây và củ hành tím.

Vitamin E

Nổi tiếng với đặc tính bảo vệ và chống ôxy hóa mạnh mẽ, vitamin E có thể giúp làm giảm LDL và tăng HDL. Dưỡng chất này cũng có thể giúp cải thiện chức năng tế bào nội mô. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa lợi ích từ vitamin E (từ các nguồn như quả bơ và các loại hạt), bạn cần bổ sung vitamin C, selen và Co Q10 trong chế độ ăn.

Selen

 

Nghiên cứu cho thấy người có nồng độ selen thấp có nguy cơ cao mắc bệnh tim. Để selen phát huy tác dụng, nó cần được kết hợp với vitamin E, vitamin C và Co Q10. Bạn có thể tìm thấy selen trong rong biển, các loại hạt.

Probiotic

Thiếu lợi khuẩn đường ruột probiotic không làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Nhưng nhiều nghiên cứu cho thấy đường ruột kém có thể dẫn đến viêm nhiễm dây chuyền và khiến cơ thể khó hấp thụ các chất dinh dưỡng, từ đó làm ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch cũng như hệ miễn dịch. Đó là lý do bạn cần bổ sung probiotic, thường có nhiều trong các loại thực phẩm lên men như sữa chua, dưa cải, tương nén, nấm sữa (kefir)...

Allicin

 

Hợp chất tạo nên mùi đặc trưng của tỏi có tác động rất lớn đối với sức khỏe tim mạch và huyết áp, do nó có thể giúp nới lỏng các mạch máu và cải thiện lưu thông máu. Để đề phòng bệnh tim, nên thêm tỏi vào chế độ ăn hằng ngày. Lưu ý, băm tỏi nhuyễn và để trong vòng 15 phút trước khi sử dụng được cho có thể tăng cường tác động của nó.

Lycopene

Lycopene là một hợp chất chống ôxy hóa carotenoid, được chứng minh giúp bảo vệ cơ thể chống lại một số bệnh ung thư cũng như bệnh tim. Nhiều nghiên cứu cho thấy hàm lượng cao lycopene trong mô mỡ có liên quan đến việc giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim và xơ vữa động mạch. Ngoài ra, dưỡng chất này còn có tác dụng làm tăng tính linh hoạt của động mạch cũng như cải thiện chức năng của các tế bào nội mô, bảo vệ cơ thể khỏi xơ cứng động mạch. Lycopene có nhiều trong cà chua nấu chín, cà chua khô, ớt, đu đủ, dưa hấu, bắp cải tím và măng tây.

L-Arginine

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng L-Arginine có thể giúp hạ huyết áp và giúp bảo vệ chúng ta khỏi bệnh tim. Bạn có thể tìm thấy L-Arginine trong đậu, các loại hạt (như hạnh nhân và quả óc chó), yến mạch, cá hồi, cá ngừ và cá thu.

L-Taurine

Chất này đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe động mạch và sức khỏe tim mạch nói chung. Nhiều nghiên cứu cho thấy những ai có hàm lượng L-Taurine thấp rất dễ mắc bệnh tim. L-Taurine có nhiều trong thịt đỏ (heo, bò và cừu), trứng và hải sản.

TRÍ VĂN (Theo Daily Mail)

Chia sẻ bài viết