H.HOA (lược ghi)
Theo thống kê năm 2019, Việt Nam có 3,8 triệu bệnh nhân đái tháo đường (ĐTĐ) nhưng có 5,3 triệu bệnh nhân tiền ĐTĐ. Dự đoán năm 2045, con số này sẽ tăng lên mức 7,9 triệu người bị tiền ĐTĐ, tương đương 9,2% dân số. BS CKI Lê Ánh Nguyệt, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Tim mạch TP Cần Thơ đã cung cấp thông tin hữu ích về căn bệnh này.
Người có yếu tố nguy cơ nên tầm soát sớm bệnh ĐTĐ, tiền ĐTĐ. Trong ảnh: Người dân xét nghiệm đường huyết tại Bệnh viện Tim mạch TP Cần Thơ. Ảnh: H.HOA
Theo BS CKI Lê Ánh Nguyệt, tiền ĐTĐ là tình trạng bệnh lý khi nồng độ glucose máu cao hơn bình thường nhưng chưa đạt tiêu chí chẩn đoán ĐTĐ, bao gồm những người rối loạn glucose máu lúc đói, hoặc rối loạn dung nạp glucose hoặc tăng HbA1c.
Chẩn đoán tiền ĐTĐ: Glucose huyết tương khi đói 5,6-6,9 mmol/L (100-125mg/dL); glucose huyết tương sau 2 giờ khi làm nghiệm pháp dung nạp glucose 75g từ 7,8-11 mmol/L (140-199 mg/dL); HbA1c (định lượng theo phương pháp chuẩn) 5,7-6,4%.
Yếu tố nguy cơ: Người trưởng thành ở bất kỳ tuổi nào có thừa cân hoặc béo phì (BMI ≥23 kg/m2) và có kèm một trong số các yếu tố nguy cơ sau: Có người thân đời thứ nhất (bố mẹ, anh chị em ruột, con đẻ) bị ĐTĐ; tiền sử bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch; tăng huyết áp (HA ≥140/90mmHg, hoặc đang điều trị THA); HDL cholesterol <35mg/dL (0,9mmol/l) và/hoặc triglyceride >250mg/dL (2,8mmol/l); phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang; ít hoạt động thể lực; các tình trạng lâm sàng khác liên quan với kháng insulin (như béo phì nặng, dấu gai đen (acanthosis nigricans). Phụ nữ đã được chẩn đoán ĐTĐ thai kỳ cần theo dõi lâu dài, xét nghiệm ít nhất mỗi 3 năm. Tất cả mọi người từ tuổi 45 trở lên.
Người có yếu tố nguy cơ nên đi tầm soát bệnh ĐTĐ sớm để tránh các biến chứng của bệnh. Khi phát hiện bệnh, bác sĩ thường chỉ định thêm xét nghiệm chức năng gan, thận, đo điện tim… vì ngay thời điểm chẩn đoán ĐTĐ, có bệnh nhân đã có biến chứng. Ngay cả tiền ĐTĐ, rối loạn đường huyết, rối loạn glucose thì đã có biến chứng, thường là biến chứng ở thận, mờ mắt (bệnh lý võng mạc), tê tay chân…
Có quan niệm sai lầm cho rằng tiền ĐTĐ chỉ cần thay đối lối sống, dinh dưỡng, tập thể dục là đủ. Thực tế tiền ĐTĐ cũng phải điều trị, dự phòng các biến chứng. Mục tiêu đưa glucose huyết trở về bình thường; ngăn chặn hoặc làm chậm sự tiến triển thành ĐTĐ; ngăn chặn và làm giảm các biến chứng do tăng glucose huyết. Giảm nguy cơ bệnh tim mạch thông qua phát hiện và điều trị các yếu tố nguy cơ tim mạch đi kèm. Mục tiêu HbA1c: <5,7%. Vòng eo <80cm với nữ giới và <90cm với nam giới. Đạt được hoạt động thể lực cường độ trung bình tối thiểu 30 phút/ngày, ít nhất 5 ngày mỗi tuần. Kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ tim mạch (nếu có) bao gồm THA, rối loạn lipid máu và bỏ hút thuốc lá.
Điều trị tiền ĐTĐ gồm thay đổi lối sống (can thiệp dinh dưỡng, tăng hoạt động thể lực) và điều trị bằng thuốc.
Với bệnh nhân nguy cơ cao như THA, béo phì, bệnh tim do xơ vữa không thể kiểm soát bằng dinh dưỡng, thể lực thì bác sĩ cho thêm thuốc.
Bệnh cần thời gian điều trị lâu dài. Mỗi tháng, người bệnh tái khám 1 lần, xét nghiệm glucose máu đói (HbA1c được thực hiện mỗi 3 tháng 1 lần). Khoảng 6 tháng đến 1 năm, xét nghiệm mỡ máu, chức năng thận…
Đối với những người có nguy cơ cao mắc tiền ĐTĐ, ĐTĐ nhưng kết quả xét nghiệm glucose máu bình thường: xét nghiệm lại glucose máu hàng năm.