28/09/2018 - 10:04

Những dấu hiệu cảnh báo bệnh tật từ cơ thể 

Cơ thể chúng ta luôn thực thi “sứ mệnh” báo hiệu các vấn đề sức khỏe từ bên trong thông qua biểu hiện bên ngoài. Nhưng đôi khi, các tín hiệu gửi đi quá nhỏ hoặc chúng ta không để ý cho đến khi chúng trở nặng. Trong bài viết đăng trên tạp chí sức khỏe Healthista mới đây, các chuyên gia đã hướng dẫn cách nhận biết những thông điệp quan trọng từ cơ thể để mọi người có cách điều chỉnh hợp lý.

Chướng bụng

Chướng bụng là cảm giác khó chịu khi bụng căng đầy do chứa quá nhiều thức ăn, chất lỏng hoặc khí. Tuy nhiên, chướng bụng còn gây ra bởi một số nguyên nhân khác như các vấn đề về hoóc-môn, nhiễm nấm Candida, táo bón, tiêu thụ nhiều đường/rượu bia, căng thẳng tinh thần (stress), rối loạn hệ khuẩn ruột (tình trạng mất cân bằng giữa vi khuẩn “tốt” và “xấu” trong đường tiêu hóa) hoặc Hội chứng ruột kích thích - IBS.

Bên cạnh đó, một số loại đường từ thực phẩm thuộc nhóm FODMAP, vốn hấp thu kém trong ruột non và nhanh chóng lên men, cũng sinh ra nhiều chất khí trong bụng. Nhiều nghiên cứu cho thấy chế độ ăn giàu FODMAP (rau họ cải, hành tây, các loại đậu và chất làm ngọt nhân tạo) dễ dẫn tới các triệu chứng IBS bao gồm chướng bụng.

Da viêm đỏ và nổi mụn

Tuy có nhiều nguyên nhân khiến da viêm đỏ và nổi mụn, song lý do phổ biến nhất thường liên quan tới hoóc-môn, chẳng hạn testosterone gây nổi mụn nhiều ở nam giới. Trong khi đó, phụ nữ dễ nổi mụn trước khi hành kinh khoảng 1 tuần do cơ thể giảm nồng độ oestrogen - hoóc-môn ngăn mụn phát triển. Những chị em bị hội chứng buồng trứng đa nang có xu hướng bị mất cân bằng testosterone khiến việc nổi mụn tái diễn.

Ngoài ra, các nốt mụn viêm đỏ chứa mủ trắng thường là biểu hiện của tình trạng tiêu thụ quá nhiều chất bột–đường và da bị nhiễm khuẩn nặng.

Mảng bám màu trắng trên lưỡi

Đây có thể là dấu hiệu tiềm tàng của bệnh tiểu đường hoặc các rối loạn tiêu hóa như mất cân bằng hệ khuẩn ruột, thiếu sắt hoặc vitamin B. Trong trường hợp thiếu sắt hoặc vitamin B, người bệnh có thêm cảm giác mệt mỏi thường xuyên.

Còn nếu trên lưỡi có những đốm trắng dày và trông như mủ, bạn có khả năng bị nấm miệng, bệnh bạch sản niêm mạc miệng (có mảng trắng bên trong miệng, lưỡi và nướu phổ biến ở người hút thuốc lá), hoặc Planen miệng (tình trạng ngứa không phải do nhiễm trùng).

Móng tay có sọc dọc và ngang

Theo trang tin sức khỏe MedicalNewsToday, móng tay khỏe mạnh thường trơn láng, cong đều, bóng và không tì vết, trong khi móng tay có các sọc dọc hoặc ngang có thể là dấu hiệu của chứng thiếu máu hoặc viêm khớp dạng thấp.

Lở môi và loét miệng

Loét miệng thường xuất hiện trên nướu, lưỡi và má trong, còn lở môi xuất hiện bên ngoài môi. Trong khi loét miệng là dấu hiệu của hệ miễn dịch suy yếu, lở môi là biểu hiện của tình trạng nhiễm một vi-rút “ngủ đông”, có thể bùng phát bất cứ khi nào hệ miễn dịch bị tổn thương.

Nhìn chung, lở môi và loét miệng đều là “báo động đỏ” cho thấy hệ miễn dịch đang yếu và chúng thường tiến triển khi thời tiết trở lạnh hoặc khi chúng ta bị stress.

Vàng da hoặc tròng trắng mắt chuyển sang màu vàng

Tròng trắng mắt bị vàng là biểu hiện có vấn đề về gan, người bệnh cần gặp bác sĩ điều trị càng sớm càng tốt. Trong khi đó, vàng da có thể là do cơ thể dung nạp quá nhiều chất chống ôxy hóa beta-carotene, vitamin A và vitamin C, thường không hại gì đến sức khỏe. Nhưng trong một số trường hợp, vàng da xuất hiện do tích tụ quá mức chất bilirubin, một sắc tố màu vàng cam được thải ra khi tế bào hồng cầu chết đi, có thể là dấu hiệu của nhiều căn bệnh như sỏi mật, bệnh gan do uống rượu, viêm tụy, viêm gan…

Mắt giật

Đây còn có thể là dấu hiệu cơ thể thiếu magiê. Nghiên cứu gần đây đăng trên tạp chí khoa học Dinh dưỡng (Mỹ) cho thấy, magiê đóng vai trò thiết yếu trong dẫn truyền tín hiệu thần kinh nên thiếu hụt chất này có thể khiến mắt giật. l

AN NHIÊN (Theo Daily Mail)

Chia sẻ bài viết