Truyện ngắn: Khuê Việt Trường
Lúc cơ hàn, mấy lần bạn bè bảo: “Hai vợ chồng ở chi ngôi nhà lớn mà thiếu trước hụt sau. Hay là bán đi, mua cái nhà nhỏ, dư chút tiền gởi ngân hàng để có đồng lời mà sống”, anh nhất quyết trả lời: “Không”. Với anh, căn nhà là kỷ niệm, là giấc mơ. Con phố bây giờ đông đảo người qua, nhiều hàng quán mở ra, khác với thuở hai vợ chồng lặn lội tìm tới với số tiền tích cóp tìm mua một mảnh đất. Thuở xa xôi ấy, nơi đây chỉ là bãi cát trắng, các loại cây dại còn mọc lan đầy. Bà chủ mảnh đất lúc đó bảo: “Tại kẹt tiền tui mới bán, chỗ này tương lai lắm đó”. Không biết có tương lai không, nhưng được cái giá rẻ vì chẳng người dân thành phố nào ngó ngàng đến nơi đường không có, điện không và nước cũng không.
Những ngày đầu tới căn nhà mới, anh bắt đầu trồng cây ở mảnh đất chừa lại. Anh bảo: “Anh chỉ mơ có một mảnh đất như thế này để trồng cây. Phải chi có vài trăm mét vuông anh sẽ mở luôn chỗ bán cây cảnh”. Anh không đi mua cây cảnh từ các nơi về, mà chỉ cần một nhánh cây nhỏ, tự anh gây thành những chậu cây xinh xinh. Thí dụ như anh thấy ở ngoài phố bán một chậu rau má Thái lá to ơi là to với giá vài chục ngàn. Anh chỉ xin một nhánh đem về giâm, vài tháng sau anh gây ra cả mấy chục chậu. Bạn bè tới chơi, anh lại tặng một chậu đem về chưng trong nhà.
Cuộc sống của hai vợ chồng trải qua khá nhiều sóng gió. Tính tình ngang bướng của anh đã khiến cho anh thất nghiệp. Hôm anh làm đơn xin nghỉ việc, tôi không dám ngăn cản anh, vì tính anh là thế. Anh bảo: “Trên thế gian chẳng có ai có sức khỏe mà chết đói cả”.
Tôi và anh có sự gắn bó với nhau trước khi thành vợ chồng. Anh hay đùa tôi là cô hàng xóm nhỏ của anh. Nhà tôi bán tạp hóa. Anh canh giờ ba mẹ tôi nghỉ trưa, tôi rảnh rang ra phụ ba mẹ trông hàng là anh xuất hiện. Không phải anh mua hàng, mà nói đủ thứ chuyện phiếm, đôi khi anh phụ tôi bán hàng. Hai đứa tốt nghiệp phổ thông, lại cùng hẹn nhau đi chung một chuyến tàu vào Sài Gòn thi đại học, vì giữa nơi phố rộng người đông đó có ai quen biết đâu. Anh và tôi đã có bao nhiêu ngày vui buồn thời đại học khi cùng học chung một trường, dẫu hai đứa học hai ngành khác nhau. Anh và tôi luôn mua chung vé một chuyến về vào dịp hè hay Tết. Tình yêu nhẹ nhàng đến bởi sự gần gụi ấy như lẽ tự nhiên của đất trời.
Anh bảo với tôi trong ngày cưới: “Anh sẽ yêu em suốt đời, anh sẽ xin lỗi em nếu anh nổi giận. Anh cám ơn em vì em đã chọn anh làm chồng”. Tôi phì cười trước cách nói rất cải lương của anh, nhưng trong lòng tôi đầy niềm vui, bởi tôi biết tôi không thể lấy một người đàn ông khác trên thế gian này, ngoài anh.
Anh thất nghiệp, với tôi đó là chuyện không khó chấp nhận. Bởi chỉ có hai vợ chồng, việc chi tiêu chẳng có gì tốn kém. Vả lại, số tiền dành dụm của vợ chồng gởi ngân hàng, tiền lời mỗi tháng dẫu không nhiều nhưng cũng đủ để anh cà phê, thuốc lá. Còn lương của tôi vẫn thong thả trong chi tiêu.
Đôi khi, về nhà thấy anh tự nấu mấy món ăn tôi thích. Anh dọn lên, bữa cơm hai vợ chồng thật là vui vẻ. Anh nói: “Anh cam tâm tình nguyện làm ông nội trợ cho em suốt đời được không?”. Tôi cực kỳ hạnh phúc.
Không hạnh phúc sao được khi trong nhà chỉ có tiếng cười. Anh chẳng bao giờ la cà ở quán nhậu, anh cũng chẳng giống như mấy ông chồng khác tụ tập bạn bè đánh cờ tướng quán cà phê rồi xiêu lòng vì cô bán cà phê mặc áo hai dây, ăn nói ngon ngọt. Nhưng rồi hạnh phúc ấy cũng mong manh như những ngày trời nắng, khi thời tiết chuyển mùa qua những cơn mưa vùi. Tôi được điều sang đơn vị khác và làm giám đốc. Cái khó đây lại là một đơn vị kinh doanh, luôn dày đặc công việc, trách nhiệm và thường xuyên giao tiếp.
Tôi vẫn thường gọi điện về nhà như ngày xưa vẫn gọi: “Anh ơi, hôm nay em về muộn”, hoặc “Anh ăn cơm một mình anh nhé, hôm nay em có khách”… Lúc đầu là tiếng cười: “Không sao đâu, em cứ lo công việc của em đi”. Dần dần, anh vẫn chong đèn đợi tôi về nhưng khi tôi về nhà, anh chẳng nói với tôi một tiếng nào. Anh rất ít nghe nhạc, nhưng giờ đây anh lại mở nhạc làm cho phòng khách giống như một phòng trà ca nhạc. Tôi có cảm giác anh như một lò lửa đang bùng cháy những ngọn lớn, tôi không khôn khéo đổ thêm vào ít dầu thì cả căn nhà của tôi ngay tức khắc sẽ thành địa ngục.
Rồi anh bắt đầu ngủ riêng. Quen được anh ôm trong lòng bao nhiêu năm nay, quen nghe tiếng trở mình của anh trong đêm khuya và quen cả tiếng lục đục thức dậy sớm của anh, tôi cảm giác căn phòng vắng anh mênh mông rộng.
Tôi không có lỗi gì với anh, chắc chắn thế. Đôi khi lòng đầy bực tức, tôi muốn nói với anh như thế. Tôi muốn nói với anh rằng anh luôn cần thiết và là của tôi, không phải bây giờ hoặc trước đó, mà là mãi mãi. Tôi muốn nói với anh rằng trên thế gian này không có gì quan trọng với tôi bằng anh. Anh với dáng đi cao như một cây sậy đang chao trong gió mùa. Anh với nụ cười làm mê hoặc trái tim tôi ngay từ thời thiếu nữ. Dẫu bây giờ tôi đang bận rộn, thì đó cũng chỉ là công việc.
Cuộc sống cứ bềnh bồng trôi giữa cảm nhận được và mất. Công việc ở cơ quan dày đặc, vẫn là giao tiếp, gặp gỡ. Về tới nhà là sự tĩnh lặng rất buồn đến độ tôi muốn gào lên cùng anh: “Em có gì sai với anh không? Em yêu anh và trở thành vợ anh có phải là lỗi lầm không?”. Nhưng tôi lại nhớ đến một câu danh ngôn: Phải luôn cẩn trọng với những lỗi lầm gây ra trong một khoảnh khắc, có thể làm bạn hối hận cả một đời.
Rồi mùa đông về phố rất nhanh. Thời tiết phút chốc trở nên lạnh lẽo. Từ Quảng Nam về sau một chuyến công tác, tôi ngã bệnh. Cơn bệnh có thể do tôi phải đi lại quá nhiều, bị mắc mưa và có thể một phần do lòng bất an.
Thời gian này anh trồng cây nhiều hơn. Vườn cây của anh giờ đây có rất nhiều cây lạ, mà bấy lâu nay tôi không nhận biết. Chỉ đến lúc này, khi thong thả, tôi mới nhìn thấy vườn cây của người tôi yêu thương đang lộng lẫy trong ánh nắng dịu nhẹ.
Tôi lặt những chiếc lá úa vàng, lá sâu trong vườn như một cách giết thời giờ. Ngôi nhà thật vắng vẻ vì anh đi vắng. Những âm thanh huyên náo của phố lâu tồi tôi mới nghe được.
Mệt, tôi về phòng mình, nằm thiếp đi. Cho đến khi tôi cảm nhận bàn tay của anh đặt lên trán. Tiếng anh khe khẽ: “Em đỡ chưa? Dậy ăn cháo đi. Anh nấu cháo thịt bò ngon lắm”.
Tôi ra phòng khách. Anh lui cui dọn cháo nóng hổi. Tôi múc từng muỗng cháo ăn, nhìn anh. Anh cũng nhìn tôi. Chỉ ánh mắt nhìn nhau cho tôi hiểu rằng chỉ có khi mình trở về nhà mình trong cơn bệnh, mới biết rằng mình đã thực sự được yêu thương. Trong bao nhiêu ngày qua, tôi đã không để cho anh được chở che mình. Tôi cám ơn cơn bệnh đúng lúc của mình.
Tôi nói với anh: “Vườn cây anh trồng rất đẹp, vậy mà em chưa ngắm nó bao giờ”.