13/08/2008 - 22:14

Nhớ “ông già Nam bộ”

Nhà văn Sơn Nam không chỉ là một tên tuổi lớn trong nền văn học Việt Nam, mà đối với miền Nam, ông còn được xem như một “ông già Nam bộ điển hình”. Với nhiều văn nghệ sĩ, giảng viên, giáo viên văn học miệt Đồng bằng sông Cửu Long, ông như một người thầy, người bạn. Chúng tôi đã gặp thầy Lê Văn Quới- nguyên giáo viên Trường PTTH Châu Văn Liêm- một người bạn vong niên của nhà văn Sơn Nam, nhà báo Huỳnh Kim- người “ học trò ngoài luồng” thân thiết của ông và Tiến sĩ Huỳnh Công Tín- Hiệu trưởng Trường Đại học dân lập Võ Tường Toản- tác giả quyển “Từ điển Từ ngữ Nam bộ” – đã được nhà văn Sơn Nam giới thiệu - để nghe họ nhắc nhớ về nhà văn Sơn Nam.

* Thầy giáo Lê Văn Quới: “Năm 1987, tôi được giao làm đặc san truyền thống nhân kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Trường PTTH Châu Văn Liêm và 85 năm ngày sinh của nhà cách mạng Châu Văn Liêm. Tôi đã gặp nhà văn Sơn Nam và ông là người đầu tiên gởi bài cho đặc san. Lâu nay, Sơn Nam vẫn coi tôi là một người bạn vong niên còn tôi luôn kính trọng và tự hào về ông bởi có thể nói, phong cách, cốt cách của ông ảnh hưởng khá nhiều đến những sáng tác của tôi, nhất là cái chất Nam bộ: “Ở cữ mẹ nằm than miểng gáo - Ngoại đi câu cá bống kho tiêu...”.

Từ năm 1938 đến năm 1942, nhà văn Sơn Nam học ở Trường Trung học Cần Thơ. Trong đặc san truyền thống viết về trường, ông bày tỏ: “Đời tôi được may mắn đến Trường Trung học Cần Thơ vào thời điểm lịch sử quan trọng: chế độ thực dân sắp cáo chung. Trường là nơi giúp tôi bớt quê mùa, giúp cho cậu bé U Minh là tôi học thêm về Truyện Kiều, về Bà Huyện Thanh Quan... để sống có đạo nghĩa và sống có ích. Nếu không học ở trường, tôi khó có thể tiến xa về văn chương...”.

* Nhà báo Huỳnh Kim: “Trung tuần tháng 3-1990, nhà văn Sơn Nam về Cần Thơ để chuẩn bị cho một công trình nghiên cứu về chùa Nam Nhã. Lúc này ông đã 64 tuổi, thường xuyên đi về miền Tây. Biết tôi đã chuyển qua làm ở báo Quân khu 9 và cộng tác với mấy tờ báo ở Sài Gòn, Hà Nội, ông nhắn tôi đi uống cà phê đêm rồi về nhà tôi chơi. Lâu ngày gặp nhau, không hiểu sao tôi vẫn muốn nghe ông nói chuyện về miền Tây, về đồng bằng sông nước mà khi đó dù đã cưới vợ quê gốc Cần Thơ, lúc nào tôi cũng thấy mình thiếu cái... cốt cách miền Tây. Tôi còn nhớ đã hỏi ông như thế này:

- Cái cốt cách người đồng bằng mình, theo chú Tám, là sao?

Ông trả lời:

- Cái cốt cách người Việt Nam mình là nhân nghĩa. Ông vua mà không nhân nghĩa thì sẽ bị cái nhân nghĩa của nhân dân “cách cái mạng”. Hàng xóm có đám ma, mình góp tiền lo đám, dù người đó lúc còn sống mình không ưa. Không phải chỉ ông vua chết, mình mới cúng. Người ăn mày chết, mình cũng cúng. Đứa trẻ chết, mình cúng. Người ăn cắp, người đói chết, mình cúng. Xưa, công chúa Thuận Thiên than lạnh với cha, vua Lý Thánh Tông họp quần thần bảo: Trẫm thương dân như thương công chúa. Công chúa mặc hai lớp áo cung đình còn than lạnh, huống hồ là muôn dân của trẫm bị cầm tù vì nghèo vì dốt. Nay trẫm lệnh phải phát đủ quần áo để muôn dân được ấm. Đó không phải là mị dân, cái gốc của nó là nhân nghĩa Việt Nam...”.

Nhà báo Huỳnh Kim và Nhà văn Sơn Nam tại Tòa soạn Báo Cần Thơ năm 2001. Ảnh: quốc anh 

* Tiến sĩ Huỳnh Công Tín: Tôi biết tên tuổi Sơn Nam từ khi tôi hãy còn nhỏ từ những câu chuyện đồng quê ở Nam bộ, trên các báo và tạp chí của Sài Gòn ngày trước 1975. Còn tiếp xúc với ông thì được đôi lần ở những năm gần đây. Được tiếp chuyện với ông tôi rất thích cái phong cách bình dân, giản dị ở ông, không chỉ ở lời nói, cách ăn bận, mà cả ở những sinh hoạt thường nhật. Điểm nổi bật khác làm xứng danh nhà “Nam bộ học” ở các tác phẩm của ông là ông đã để cho các nhân vật của mình suy nghĩ, hành động, biểu thị tính cách hoàn toàn phù hợp với đặc trưng của một người Nam bộ. Đặc trưng người Nam bộ ở đây được khái quát thành một số khái niệm, như: “mộc mạc, bộc trực, chân thành, hào hiệp, trọng nhân nghĩa, điệu nghệ...”;

Khái niệm “Nam Bộ học” có thể còn nhiều ý kiến khác nhau, nhưng chúng tôi muốn nói, ông là người am hiểu nhiều vấn đề của Nam Bộ; biết rõ về tâm lý, tính cách con người Nam Bộ. Các sáng tác của ông đã giúp ích rất nhiều cho việc nghiên cứu những vấn đề của Nam Bộ từ nhiều phương diện: “lịch sử, văn hóa, xã hội, phong tục, tập quán, lễ hội, phương ngữ, ngành nghề...” Nhiều người đọc Nam Bộ, khi đọc tác phẩm của Sơn Nam như thấy mình xuất hiện trong các tác phẩm của ông, có một tính cách, suy nghĩ nào đó được hóa thân trong các nhân vật mà ông đã xây dựng...

Tôi kính trọng nhà văn Sơn Nam không chỉ ở văn nghiệp đồ sộ mà còn ở tính cách của con người Nam Bộ bình dị, hòa đồng này và tấm lòng biết nâng đỡ thế hệ đi sau.

Vũ Châu (ghi)

Sau một thời gian lâm bệnh và được điều trị tại Bệnh viện Nhân Dân Gia Định- TP Hồ Chí Minh, nhà văn Sơn Nam đã qua đời vào lúc 13 giờ ngày 13-8-2008, thọ 82 tuổi.

Nhà văn Sơn Nam tên thật là Phạm Minh Tày, sinh năm 1926 tại huyện Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang). Lớn lên ở vùng ven rừng U Minh Cà Mau, tuổi thơ  ông mang đậm hương rừng và tình người ở xứ sở “chướng khí mù như sương” nên đây cũng chính là vốn sống và nguồn cảm hứng vô tận cho những tác phẩm của ông. Từ hơn nửa thế kỷ nay, tên tuổi của nhà văn Sơn Nam đã trở nên quen thuộc và gần gũi với bạn đọc cả nước qua hơn 60 đầu sách, trong đó phần lớn là khảo cứu và truyện về đất và người miền Nam. Nhiều người đã trân trọng xưng tụng ông là “Nhà Nam bộ học”, “Ông già Nam bộ” với một số tác phẩm tiêu biểu như sau: Cây huê xà, Tình nghĩa giáo khoa thư, Ông già xay lúa, Bắt sấu rừng U Minh Hạ, Đảng Cánh Buồm Đen, Đồng thanh tương ứng, Hát bội giữa rừng, Miễu Bà Chúa Xứ, Một cuộc bể dâu, Mùa len trâu, Người mù giăng câu, Sông Gành Hào, Hương rừng Cà Mau, Con Bảy đưa đò, Cô Út về rừng...

Chia sẻ bài viết