26/11/2017 - 16:33

Thiếu tướng, Anh hùng LLVTND Lê Hoàng Sương (Út Sương), nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Sóc Trăng:

Nhớ mãi những năm tháng sống, chiến đấu trên quê hương Tây Đô anh hùng 

Tôi sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng ở xã Hòa Tú, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng. Cha tôi là đảng viên từ thời kháng chiến chống Pháp, sau Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, cha tôi ở lại miền Nam hoạt động bí mật trong lòng địch. Năm 1959, ông bị địch bắt, tra tấn dã man rồi bắn chết. Má tôi cũng mất trước cha tôi một năm do bệnh hiểm nghèo nên 5 anh chị em tôi tự đùm bọc nhau, sống trong tình thương của bà con chòm xóm. Anh trai thứ tư của tôi cũng hy sinh năm 1962 khi đang là Huyện đội phó Huyện đội Mỹ Xuyên. Từ nhỏ, được sự giáo dục của gia đình, tôi sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng và tham gia các phong trào ở địa phương từ năm 13 tuổi.  Năm 1961, tôi nhập ngũ vào bộ đội địa phương quân, sau đó được bổ sung vào bộ đội chủ lực Miền (c112) nhưng không đi được do địch càn quét, ngăn chặn bên bờ Nam sông Hậu. Sau đó, tôi được bổ sung vào Đại đội 20 mới thành lập của đơn vị Tây Đô và có 14 năm sống, chiến đấu trên chiến trường Cần Thơ. Vì vậy, với tôi, Cần Thơ là quê hương thứ hai, cũng từng là chiến trường vô cùng gian nan, ác liệt. Ở đó, tôi đã cùng nhiều đồng chí, đồng đội kề vai sát cánh chiến đấu hàng trăm trận. Sự hy sinh của nhiều đồng chí, đồng đội để lại cho tôi ký ức không thể phai mờ.

Trong đợt Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, trước tình hình khẩn trương theo yêu cầu của chiến dịch, tôi được Tỉnh đội và Tiểu đoàn quyết định phụ trách Chính trị viên phó Đại đội 20. Nhiệm vụ của Đại đội 20 là phụ trách mũi thọc sâu đánh thẳng vào Bộ Tư lệnh Vùng 4, Quân đoàn 4, dinh Tỉnh trưởng Phong Dinh và giải tán nhà tù. Đại đội 23 được tăng cường hỏa lực đánh vào sân bay Lộ Tẻ, Đại đội 28 và những đơn vị còn lại đánh các hướng khác và là lực lượng dự bị cho Tiểu đoàn và mặt trận khi cần thiết. Khi đó, theo kế hoạch, hỏa lực B40 – B41 được tập trung trang bị cho Đại đội 23 đánh vào sân bay, còn Đại đội 20 vào nội thành sẽ được trang bị vũ khí do ta bố trí sẵn từ trước. Khi Đại đội 20 bí mật tiến vào nội thành, đến khu đại học thì bị địch phát hiện, ta chủ động nổ súng tiêu diệt và tiến thẳng tới mục tiêu đã định. Tuy nhiên, sau đó, Đại đội bị chia cắt đội hình, tôi cùng đồng chí Đại đội trưởng Hai Nhứt chỉ huy 2 trung đội tiếp tục chiến đấu. Tuy nhiên, do mất liên lạc với chỉ huy phía sau nên chúng tôi không tiếp cận được với cơ sở nội tuyến để nhận vũ khí, hai trung đội chỉ có súng trung liên và tiểu liên nên không có hỏa lực để tiêu diệt các ổ đề kháng, xe tăng và xe bọc thép của địch. Chúng tôi tổ chức phòng ngự, chiến đấu quyết liệt với lực lượng cảnh sát, bảo an trên đại lộ (Đại lộ Hòa Bình hiện nay). Các đồng chí ở Đại đội 20 chiến đấu rất kiên cường, giữ vững vị trí chiến đấu ở khu vực chợ Cả Đài, hồ Xáng Thổi, khu văn hóa, đánh suốt cả ngày với địch. Tôi gom lựu đạn, thủ pháo để đánh trả khi địch phản kích. Đồng chí Bảy Thấy (Phạm Hồng Thấy) – Trung đội trưởng Trung đội 1019 chiến đấu rất dũng cảm. Đến chiều, đồng chí Bảy Thấy và một số đồng chí khác bị thương, tôi và đồng chí Đại đội trưởng giao nhiệm vụ cho đồng chí Bảy Thấy điều động các đồng chí bị thương lui về phía sau. Còn lại tôi, đồng chí Hai Nhứt và Sáu Sơn tiếp tục chỉ huy chiến đấu cho đến tối. Sau đó, chúng tôi tìm đường vượt sông Cái Khế và vô nhà một người dân. Ông chủ nhà có con làm việc cho địch nên khi biết chúng tôi là “Việt cộng” thì rất hoảng sợ. Sau khi nghe chúng tôi vận động, thuyết phục, kêu gọi tinh thần yêu nước, góp sức cho quân giải phóng, ông cũng dẫn đường cho chúng tôi đến cầu Rạch Bần. Chúng tôi cảm ơn, trả tự do cho ông và trở ra gặp được đơn vị. Sau đó, Đại đội 20 tiếp tục củng cố lực lượng, tổ chức những đợt chiến đấu mới với địch.

Trong 30 ngày tiếp theo, Tiểu đoàn Tây Đô được phân công bám trụ Lộ Vòng Cung, tiếp tục tấn công vào thị xã lần 2, kết hợp với các lực lượng của ta bám trụ, đánh phản kích trong khu vực Lộ Vòng Cung. Những năm sau Tết Mậu Thân, tình hình chiến trường Ô Môn và khu vực Lộ Vòng Cung vô cùng ác liệt, nhưng Tiểu đoàn Tây đô vẫn bám trụ và chiến đấu kiên cường. Những tháng sau đó, chúng tôi tiếp tục bám địa bàn Ô Môn với nhiệm vụ kềm chân, tiêu hao sinh lực địch, vừa chiến đấu, vừa xây dựng củng cố lực lượng, tạo địa bàn cho quân chủ lực của ta đứng chân, tiến công địch…

Trong chặng đường 14 năm tham gia kháng chiến chống Mỹ cho đến ngày 30-4-1975 đất nước thống nhất, tôi bị thương nhiều lần. Trong đó có 2 lần bị thương rất nặng, nhiều người nghĩ rằng tôi không thể sống nổi, nhưng nhờ niềm tin vào cách mạng, sự yêu thương, chăm sóc tận tình của đồng đội và nhân dân, tôi cũng vượt qua. Nhiều năm được hưởng hạnh phúc trong hòa bình, lúc nào tôi cũng luôn nhớ đến những đồng chí, đồng đội đã hy sinh, nhớ đến những đồng bào, cơ sở cách mạng đã cưu mang, đùm bọc, giúp đỡ tôi và đơn vị trong những năm tháng khó khăn,
ác liệt.

ANH DUY (ghi) 

Chia sẻ bài viết