14/10/2015 - 09:18

Từ “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”

Nhìn lại những tác phẩm điện ảnh Việt được quốc tế chú ý

Trong khi "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" đang tạo cơn sốt phòng vé trong nước, thì tác phẩm "Mùi đu đủ xanh" lọt vào tốp 100 phim châu Á xuất sắc nhất mọi thời đại. Đây không phải lần đầu điện ảnh Việt được quốc tế chú ý. Đã từng có những "Ba mùa", "Mùa hè chiều thẳng đứng", "Áo lụa Hà Đông"… tạo dấu ấn bằng bản sắc văn hóa riêng.

 Sự trong trẻo, hồn nhiên của Mùi tạo nên nhiều cảm xúc cho người xem.

Những tác phẩm điện ảnh Việt Nam được quốc tế biết đến đều có chiều sâu nhân văn và bản sắc riêng. "Mùi đu đủ xanh" (1993)- tác phẩm đầu tay của đạo diễn Trần Anh Hùng- kể về cuộc đời của Mùi (Lư Mẫn San) cô bé làm thuê cho một gia đình buôn vải những năm 1950. 10 năm sau, Mùi (Trần Nữ Yên Khê) chuyển đến giúp việc nhà cho Khuyến- nghệ sĩ dương cầm. Tại đây, cuộc đời của Mùi đổi thay khi cô tìm được tình yêu và hạnh phúc. Câu chuyện bình dị về phận người bình thường được "Mùi đu đủ xanh" kể bằng những ngôn ngữ hình ảnh tinh tế và góc quay gợi không gian văn hóa Việt khó lẫn. Phim nhẹ nhàng cuốn hút người xem bằng những chuyện thường nhật, bình dị, tinh khôi qua thế giới của cô bé Mùi. Hình ảnh Mùi tròn xoe mắt nhìn những giọt nhựa đu đủ trắng nhỏ xuống tán lá xanh; nhẫn nại quan sát hành trình kiếm ăn của những chú kiến nhỏ; hay thích thú ngắm những hạt non màu trắng trong trái đu đủ xanh… giàu sức biểu cảm. Phim mang đến cảm nhận về Việt Nam với những con người đơn thuần và nhân ái. Nhà phê bình Roger Ebert nhận xét: "Một bộ phim rất yên bình, tràn đầy sự ngọt ngào tựa như một bản nhạc êm ái. Đây là phim có góc nhìn nghệ thuật xuất sắc nhất trong số các ứng cử viên đề cử Oscar năm nay, câu chuyện tựa như bài thơ được thưởng thức bằng mắt". Phim cũng là tác phẩm duy nhất của Việt Nam, tính đến thời điểm hiện tại, lọt vào danh sách đề cử Oscar "Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất". Có đến 4 giải thưởng quốc tế dành cho "Mùi đu đủ xanh": giải phim trẻ và quay phim vàng ở Liên hoan phim (LHP) Cannes 1993; giải Sutherland Trophy của Viện phim Anh; giải phim đầu tay xuất sắc nhất của César Award 1994. Sau "Mùi đu đủ xanh", đạo diễn Trần Anh Hùng còn gây chú ý với "Xích lô", "Mùa hè chiều thẳng đứng"…

Không nhiều chất thơ như "Mùi đu đủ xanh", đạo diễn Tony Bùi khắc họa góc nhìn về cuộc sống có vẻ "đời" hơn. "Ba mùa"- tác phẩm tiêu biểu của Tony Bùi gây chú ý với ba giải thưởng tại LHP Sundance (Mỹ) năm 1999: giải bình chọn của khán giả; giải quay phim xuất sắc nhất; giải thưởng của Ban giám khảo. Đây cũng là lần đầu trong lịch sử LHP Sundance có tác phẩm đạt cùng lúc hai giải quan trọng: bình chọn của khán giả và giải thưởng của Ban giám khảo. "Ba mùa" thu hút người xem với câu chuyện bình dị, đầy cảm xúc về cuộc sống của những con người có số phận éo le. Đó là thầy Đạo- nhà thơ sống ẩn dật vì bệnh phong, cô cave Lan cay nghiệt bất cần đời, cậu bé bán dạo ranh ma… Nhưng vượt lên trên hết, họ vẫn đẹp, vẫn được trân trọng với khát vọng sống và những ước mơ vô tư lợi. Cái nhìn đầy nhân ái làm rung động lòng người của "Ba mùa" từng mang về cho phim 5 giải Cánh Diều Vàng ở các hạng mục: "Phim truyện nhựa xuất sắc", "Quay phim xuất sắc", "Âm thanh xuất sắc", "Đạo diễn xuất sắc" và "Nam diễn viên chính xuất sắc".

Điện ảnh Việt còn tạo được dấu ấn với khán giả cũng như các nhà phê bình, các chuyên gia điện ảnh quốc tế qua "Mùa len trâu", "Áo lụa Hà Đông", "Chuyện của Pao", "Mùi cỏ cháy"… Dù có thể chưa thành công về mặt thương mại, nhưng những tác phẩm này đã tạo nên điểm son cho điện ảnh nước nhà, bởi những câu chuyện khiến người xem rung động khi nhớ về không gian văn hóa đặc trưng của làng quê và con người Việt Nam xưa với những ước mơ chân- thiện- mỹ được thể hiện một cách nghệ thuật, dễ đi vào lòng người.

Ái Lam

Chia sẻ bài viết