24/08/2008 - 20:17

Thị trường bánh trung thu 2008

Nhiều sản phẩm địa phương "so kè" hàng hiệu

Sau rằm tháng 7 (âm lịch) thị trường bánh Trung thu bắt đầu sôi động. Trong những ngày này, tại các trung tâm mua sắm, trên các đường phố đã xuất hiện rất nhiều quầy trưng bày bánh Trung thu. Do giá các loại nguyên liệu tăng cao nên hầu hết các thương hiệu bánh đều tăng giá bán sản phẩm lên từ 15-20% so với mùa trước. Bên cạnh các sản phẩm có thương hiệu mạnh, các loại bánh của địa phương xuất hiện ngày càng nhiều với mẫu mã, nhãn hàng bắt mắt...

ƯU THẾ LÒ BÁNH ĐỊA PHƯƠNG

Không ít người tiêu dùng cho rằng, để làm quà biếu thì chọn sản phẩm của các thương hiệu lớn như: Kinh Đô, Bibica... nhưng khi mua bánh dùng trong gia đình, nên chọn thương hiệu bánh Trung thu quen thuộc được sản xuất tại địa phương. Việc đa dạng hóa sản phẩm, cải tiến chất lượng, mẫu mã trong những năm gần đây đã góp phần giữ vững thị phần cho một số thương hiệu bánh Trung thu “địa phương”. Giữa những dòng hàng bánh cao cấp, khách hàng vẫn có thể tìm thấy những thương hiệu của các lò bánh nổi tiếng ở TP Cần Thơ như: Chánh Nguyên, Diên Thạnh, Minh Chánh...

Quầy bán bánh Trung thu Chánh Nguyên tại Trung tâm Thương mại Cái Khế. Ảnh: NAM HƯƠNG

Bánh Trung thu Chánh Nguyên được xem là một trong những “thương hiệu mạnh” tại TP Cần Thơ. Ngoài hương vị gia truyền được nhiều người biết đến, thì việc bỏ ra trên 100 triệu đồng để đăng ký độc quyền thương hiệu, cải tiến mẫu mã bao bì đẹp và hợp vệ sinh đã góp gần không nhỏ đưa thương hiệu này trụ vững. Bánh Trung thu Chánh Nguyên hiện có mặt không chỉ tại TP Cần Thơ mà còn lan ra các tỉnh lân cận như: An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang... với sản lượng bán ra năm sau luôn cao hơn năm trước. Năm nay, do giá nguyên liệu tăng nên giá bánh được điều chỉnh tăng khoảng 20% so với năm ngoái. Bên cạnh các loại bánh lẻ với giá từ 22.000-270.000 đồng/bánh (trọng lượng từ 150gr-1,8kg), Chánh Nguyên còn đưa ra thị trường bộ sưu tập cao cấp Trăng Vàng (Trăng vàng Tây Đô, Trăng vàng đồng bằng, Trăng vàng sông nước) với giá từ 250.000- 420.000 đồng/hộp.

Bánh Trung thu Diên Thạnh cũng hấp dẫn không kém, với đầy đủ những loại nhân bánh như gà quay jambon, thập cẩm lạp xưởng, jambon bát bửu... Nhưng thế mạnh của thương hiệu này được nhiều khách hàng ưa thích là loại bánh nhân dừa khi ăn tan trong miệng và không để lại xác với giá 28.000 đồng/bánh 250gr...

Là sản phẩm gia truyền nên mỗi một loại bánh, một thương hiệu có một hương vị đặc trưng riêng. Tuy nhiên, trước tình hình khó khăn về kinh tế, việc tiết kiệm trong tiêu dùng đang được nhiều cơ quan, cá nhân thực hiện, nên nhiều nhà kinh doanh dự đoán nhiều khả năng năm nay sản lượng tiêu thụ bánh trung thu sẽ bị giảm đi đáng kể.

GIỮ VỮNG THƯƠNG HIỆU...

Bánh pía và mè láo là hai sản phẩm du lịch đặc trưng nổi tiếng của địa phương. Để chuẩn bị cho mùa bánh, năm nay hầu hết các xí nghiệp và cơ sở sản xuất bánh pía ở Mỹ Tú và TP Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng) đã đầu tư khoảng 500 tỉ đồng bổ sung máy móc thiết bị, mở rộng kho bãi và phương tiện vận chuyển bao gồm các xe tải chuyên dùng. Anh Thái Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Tân Huê Viên, cho biết: Vừa qua, công ty đã đầu tư gần 20 tỉ đồng xây dựng phân xưởng sản xuất trên quốc lộ 1 thuộc xã An Hiệp-TP Sóc Trăng, 18 khâu trong dây chuyền làm bánh đều được trang bị tự động hóa. Năng suất tăng 30% so với hệ thống bán tự động như những năm trước. Từ năm 2004, công ty xuất khẩu ủy thác 100 tấn bánh pía sang thị trường Mỹ và Canada và tiếp tục duy trì đến nay công ty hiện có trên 30 đại lý từ Hà Nội đến Cà Mau.

Chị Nguyễn Diệu Nga, đại lý cho lò bánh Tân Lập Thành hơn 10 năm qua, tiếp tục làm đại lý bán chuyên bánh pía và bánh in nhân đậu xanh độc quyền cho Công ty Tân Huê Viên ở khóm 2, phường 7. Chị phấn khởi nói: “ Dù giá mỗi cây bánh pía tăng thêm 4.000 đồng nhưng khách hàng vẫn đến mua, một phần do đã quen với thương hiệu...”.

Ông Lâm Quốc Di, đang kế thừa chủ hiệu bánh Mỹ Trân, ở phường 7, TP Sóc Trăng, cho biết: Cơ sở hiện có hơn 40 đại lý chân rết trong tỉnh và hàng chục “vệ tinh” ở các tỉnh ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh. Riêng ở TP Cần Thơ, doanh nghiệp đặt đại lý ở chợ Bình Thủy, chợ Cái Khế và đường Phan Đình Phùng. Ngoài máy hút chân không, máy dồn thịt, máy trộn và vô nhân bánh vừa đầu tư, cơ sở còn mua thêm 3 máy cắt nhân, mỗi máy 70 triệu đồng để tăng cường dây chuyền sản xuất phục vụ lúc đông ken như hiện nay. Từ năm 2006 đến nay, mỗi năm doanh nghiệp xuất khẩu trên 60 tấn bánh các loại và chục tấn lạp xưởng cá chẽm sang các siêu thị Hongkong. Ông Lâm Quốc Di trần tình: “Do ảnh hưởng giá xăng dầu tăng nên mọi thứ nguyên liệu làm bánh đều tăng; trứng từ 13.000 đồng tăng lên 17.000 đồng/chục, đậu xanh từ 14.000 đồng tăng lên 17.000 đồng/kg... Do vậy, nhất thiết phải tăng giá bán chút ít nhưng dứt khoát không sử dụng hóa chất, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Chúng tôi có lời ít cũng không sao, miễn là giữ mối với khách hàng, mùa này còn nhiều mùa sau mà!”.

Hơn mười năm qua, các cơ sở sản xuất bánh pía ở Sóc Trăng còn làm thêm lạp xưởng tôm, lạp xưởng heo, khô heo ướp hương vị đặc biệt của mai quế lộ, bán sang Trung Quốc, các địa phương miền Trung như Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng và phục vụ cho Việt kiều về nước vui Trung thu, rất được khách hàng ưa chuộng.

NAM HƯƠNG - HÀ PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết