09/11/2017 - 13:46

Nhiều luật quan trọng có hiệu lực từ ngày 1-1-2018 

Tại kỳ họp Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 3 đã thông qua một số luật sẽ có hiệu lực vào năm 2018. Báo Cần Thơ  giới thiệu cùng bạn đọc một số nội dung quan trọng của Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và Luật Du lịch, có hiệu lực từ ngày 1-1-2018.

Mở rộng đối tượng được trợ giúp pháp lý

Luật Trợ giúp pháp lý (TGPL) thay thế Luật Trợ giúp pháp lý số 69/2006/QH11 mở ra một giai đoạn mới cho công tác TGPL với nhiều nội dung mới nổi bật. Luật TGPL được bố cục thành 8 chương, 48 điều quy định về người được TGPL, tổ chức thực hiện TGPL, người thực hiện TGPL, hoạt động TGPL và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với hoạt động TGPL. Luật TGPL mở rộng diện người được TGPL (từ 7 nhóm lên 14 nhóm). Cụ thể, các nhóm đối tượng được TGPL theo Luật (sửa đổi) gồm: Người có công với cách mạng; người thuộc hộ nghèo; trẻ em (theo Luật trẻ em 2016); người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi; người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo; người thuộc một trong các trường hợp sau đây có khó khăn về tài chính: Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ; người nhiễm chất độc da cam; người cao tuổi; người khuyết tật; người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự; nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình; nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người; người nhiễm HIV.

Đoàn Luật sư TP Cần Thơ trợ giúp pháp lý miễn phí cho người dân.

Bên cạnh đó, Luật còn quy định rõ hơn trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng đối với công tác TGPL như: cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm phối hợp tạo điều kiện cho người được TGPL được hưởng quyền TGPL, tạo điều kiện cho người thực hiện TGPL tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật. Đồng thời quy định thời hạn cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thông báo cho Trung tâm TGPL nhà nước tại địa phương về yêu cầu TGPL của bị can, bị cáo, người bị hại là người được TGPL.

Người thi hành công vụ có thể bị trừ lương để hoàn trả số tiền gây thiệt hại

Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 quy định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án… Cơ quan giải quyết bồi thường có trách nhiệm tiếp nhận, thụ lý yêu cầu bồi thường; phục hồi danh dự hoặc yêu cầu cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại phục hồi danh dự cho người bị thiệt hại theo quy định của Luật này; khôi phục hoặc đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp khác của người bị thiệt hại…

Thiệt hại được bồi thường là thiệt hại thực tế đã phát sinh, các khoản lãi và chi phí khác được quy định trong Luật này. Nhà nước có trách nhiệm bố trí một khoản kinh phí trong ngân sách nhà nước để thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Tuy nhiên,  người thi hành công vụ có lỗi gây thiệt hại có nghĩa vụ hoàn trả cho ngân sách nhà nước một phần hoặc toàn bộ số tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại. Luật này cũng quy định rõ trách nhiệm thu tiền hoàn trả trong trường hợp người thi hành công vụ gây thiệt hại đã nghỉ hưu, nghỉ việc hoặc chết.

Đảm bảo quyền lợi của khách du lịch

Luật Du lịch năm 2017 có 9 chương 78 điều, quy định về tài nguyên du lịch, phát triển sản phẩm du lịch và hoạt động du lịch; quyền, nghĩa vụ của khách du lịch, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác, cộng đồng dân cư có hoạt động liên quan đến du lịch; quản lý nhà nước về du lịch. Điểm nổi bật trong Luật này là nhiều Điều, khoản quy định đảm bảo lợi ích của khách du lịch như: trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân quản lý khu du lịch, điểm du lịch, trách nhiệm của doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn viên, các cơ sở lưu trú du lịch, các cơ sở dịch vụ khác cũng đều được quy định rõ ràng để đảm bảo quyền lợi của khách du lịch một cách tốt nhất.

Trong Luật Du lịch 2017, nhiều thủ tục hành chính được đơn giản hóa. Việc cấp giấy phép lữ hành quốc tế đã được quy định đơn giản hơn, doanh nghiệp chỉ cần nộp hồ sơ đến Tổng cục Du lịch. Bên cạnh đó, Luật đã bổ sung điều kiện kinh doanh, giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa để bảo đảm quyền lợi cho khách du lịch và bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp. Ngoài ra, Luật còn quy định rõ hơn về trách nhiệm của UBND các cấp, trách nhiệm của một số bộ, ngành về đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, đảm bảo quyền lợi của khách du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch phát triển.

P.NGUYỄN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết