27/03/2023 - 07:57

Nhiều góp ý để Dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi) sát thực tế hơn 

Bài, ảnh: CHẤN HƯNG

Chính quyền và ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn TP Cần Thơ đã tổ chức nhiều hội nghị lấy ý kiến đóng góp Dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi). Qua đó, có nhiều góp ý sát thực tế, đi thẳng vào những vấn đề hiện đang vướng mắc mà Dự thảo quy định vẫn còn chung chung, chưa rõ ràng.

Hội nghị lấy ý kiến đóng góp Dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi) do Ủy ban MTTQVN phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt tổ chức.

Dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi) thu hút sự quan tâm, đóng góp ý kiến của đông đảo người dân. Ða số ý kiến cho rằng, bố cục của Dự thảo khá chặt chẽ, các chương, mục được sắp xếp theo từng nhóm vấn đề cần điều chỉnh, dễ tiếp thu. Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến đóng góp đối với các vấn đề còn đang vướng mắc.

Theo luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Ðoàn Luật sư TP Cần Thơ, Dự thảo cần có các quy định nhằm ngăn chặn tình trạng phân lô bán nền đất nông nghiệp “núp bóng” đồng sở hữu quyền sử dụng đất (QSDÐ), nhóm người có chung QSDÐ. Do đó, kiến nghị Dự thảo quy định chỉ cho phép người trực tiếp sản xuất nông nghiệp mới có chung quyền đồng sử dụng đất nông nghiệp và không quá nhiều người đồng sử dụng một diện tích đất nông nghiệp quá nhỏ...

Luật gia Nguyễn Tú Anh ở phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, góp ý: “Ở cuối khoản 2, Ðiều 89, Dự thảo nên bổ sung nội dung “người sống cùng với người có đất bị thu hồi có quyền yêu cầu bồi thường khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật”. Ðồng thời, thay thuật ngữ “bằng đất” tại khoản 4, Ðiều 3, Dự thảo bằng thuật ngữ “bằng QSDД. Ngoài ra, tại khoản 6, Ðiều 3, Dự thảo (giải thích về từ ngữ chiếm đất) nên quy định thành một điều luật riêng, tách khỏi Ðiều 3 của Dự thảo”.

Nhiều ý kiến cho rằng tại Chương VII - Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (từ Ðiều 89-110), Dự thảo nên quy định thêm: đối với các dự án nhà ở thương mại, các dự án kinh tế nói chung do các nhà đầu tư thực hiện thì nhà đầu tư phải tự thỏa thuận với người sử dụng đất để thu hồi đất, bồi thường giá trị đất bị thu hồi. Ý nghĩa của việc bổ sung quy định này vào Dự thảo nhằm xác định rõ mục đích của dự án đó là gì. Nếu dự án thương mại thì nhà đầu tư phải tự thỏa thuận với dân. Còn dự án vì mục đích công cộng, cộng đồng, quốc phòng... mới do Nhà nước thu hồi.

Ông Trần Thanh Sang, Chủ tịch Hội Nông dân phường Thới Long, quận Ô Môn, góp ý: “Ðiều 104, Ðiều 105, Dự thảo quy định về hỗ trợ nhưng bản chất là bồi thường thiệt hại. Vì vậy, tôi đề nghị tất cả những thiệt hại thì phải bồi thường (thiệt hại do mất nghề sản xuất nông nghiệp, thiệt hại do xáo trộn đời sống, sản xuất…). Riêng các quy định về hỗ trợ chỉ nên áp dụng đối với các trường hợp không đủ điều kiện bồi thường hoặc các đối tượng chính sách cần hỗ trợ”.

Ðối với quy định về đất tôn giáo, ông Trần Hữu Hợp, Phó Chủ tịch Hội Khoa học xã hội và nhân văn TP Cần Thơ, nêu quan điểm: “Việc giao đất cho tôn giáo cần phải được bổ sung quy định đầy đủ và chính xác hơn. Bởi, đất thuộc tôn giáo khi tôn giáo sử dụng vào mục đích tôn giáo là phù hợp với chính sách tôn trọng tự do, tín ngưỡng, tôn giáo của Ðảng và Nhà nước. Trường hợp đất thuộc tôn giáo, nhưng tôn giáo không sử dụng vào mục đích tôn giáo, mà sử dụng vào mục đích khác, như: làm kinh tế, làm công tác giáo dục... thì khi giao QSDÐ, Nhà nước có thu tiền sử dụng đất hay không”.

Những quy định về đất đai liên quan trực tiếp đến người sử dụng đất. Do vậy, người dân rất quan tâm và mong muốn ngành chức năng xem xét kỹ lưỡng, thu thập thêm nhiều ý kiến để Dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi) khi được thông qua sẽ không còn vướng mắc trong quá trình áp dụng và phục vụ tốt nhu cầu phát triển của đất nước.

Chia sẻ bài viết