Các cấp, các ngành trên địa bàn TP Cần Thơ luôn phối hợp triển khai thực hiện các giải pháp tạo việc làm, thu nhập cho người lao động (NLĐ), nổi bật hoạt động tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm; khảo sát và giải ngân kịp thời, hiệu quả nguồn vốn vay giải quyết việc làm (GQVL). Qua đó, giúp NLĐ cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Các địa phương nỗ lực duy trì mô hình dạy nghề, tạo việc làm, thu nhập cho nhiều lao động trên địa bàn.
Toàn huyện Thới Lai có trên 180 doanh nghiệp đang hoạt động, thu hút và GQVL cho lao động trên địa bàn. Các ngành chức năng huyện phối hợp tổ chức các buổi tư vấn, giới thiệu việc làm cho bộ đội, công an xuất ngũ và NLĐ trên địa bàn; mở các cuộc tập huấn nông nghiệp, hội thảo đầu bờ, thu hút lao động nông thôn tham gia. Huyện nỗ lực duy trì 10 mô hình GQVL hiệu quả tại các xã, thị trấn. Từ đầu năm đến nay, huyện đã GQVL cho 2.097 lao động, đạt gần 70% kế hoạch.
Bằng các hình thức trực tiếp và gián tiếp, 4 tháng qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố đã tư vấn việc làm, chính sách việc làm và học nghề cho 59.282 lượt người, giới thiệu việc làm trong và ngoài nước cho 5.745 lượt người, đồng thời, hỗ trợ 299 người đi làm việc tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Saudi Arabia.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ, đến cuối tháng 4, toàn thành phố có 21.368 lao động được GQVL bằng nhiều hình thức. Các địa phương tích cực, chủ động giới thiệu NLĐ vào các công ty, nhà máy sản xuất, cơ sở dịch vụ... với việc làm phù hợp, mức lương ổn định; thành lập và duy trì hoạt động các hợp tác xã, tổ sản xuất, tổ liên kết hay tổ hợp tác và mô hình làm ăn hiệu quả trên địa bàn; hoạch định sản xuất, kinh doanh và gia công mặt hàng để tìm nguồn hàng hóa, ổn định nơi tiêu thụ, giá cả, tạo việc làm, thu nhập cho lao động tại chỗ. Chị Phạm Thị Kim Liên, Chủ tịch Hội LHPN xã Xuân Thắng, huyện Thới Lai, nói: “Với nguồn hàng ổn định, hiện Tổ liên kết đan dây nhựa ở ấp Thới Hòa B, gồm 22 thành viên có việc làm, thu nhập lúc nông nhàn. Các thành viên còn được vay vốn ưu đãi để sản xuất, mua bán nhỏ”. Theo anh Nguyễn Ngọc Nà, Giám đốc Hợp tác xã Quốc Noãn, xã Trường Thắng, huyện Thới Lai, hợp tác xã đang duy trì nghề đan đát, trên 30 lao động tham gia, thu nhập bình quân từ 3-5 triệu đồng/người/tháng.
Theo Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố, nguồn vốn chương trình cho vay GQVL tác động tích cực đến việc làm, thu nhập, góp phần nâng cao mức sống người dân. Đến cuối tháng 4-2024, doanh số cho vay chương trình GQVL đạt 193 tỉ đồng, với 4.239 lượt lao động. Dư nợ chương trình đạt 1.752 tỉ đồng, với 40.905 lao động còn dư nợ. Thực hiện Chỉ thị số 40 CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, đến nay, ngân sách thành phố và các quận, huyện đã chuyển sang NHCSXH trên 610 tỉ đồng, tập trung cho vay các hộ sản xuất, mua bán nhỏ. Chị Trần Thị Phượng, ở ấp Thới Tân A, xã Trường Thắng, huyện Thới Lai, có “thâm niên” nuôi vịt đẻ, heo thịt, trồng lúa. Hơn 3 năm nay, chị còn trồng nhãn Ido. Với nguồn thu nhập đáng kể hằng năm, chị Phượng đầu tư tái sản xuất, mua thêm đất canh tác, cho con trai lớn đi làm việc ở Nhật Bản. Chị Phượng cho biết: “Được vay 80 triệu đồng vốn ưu đãi, tôi cân đối mua thức ăn nuôi heo, vịt, phân bón lúa, việc sản xuất thuận lợi hơn rất nhiều”. Anh Nguyễn Văn Tuấn, ở khu vực Hòa An A, phường Thới Hòa, quận Ô Môn, vừa được vay 50 triệu đồng để mua thêm thiết bị, phụ tùng xe máy các loại. Mở tiệm sửa xe gắn máy gần 3 năm nay, tuy tuổi nghề còn trẻ nhưng anh Tuấn được nhiều khách hàng tín nhiệm bởi uy tín, kỹ thuật tay nghề và giá dịch vụ phù hợp. Mỗi ngày, anh Tuấn thu nhập từ 300.000 đồng. Anh Tuấn cho biết: “Qua mạng xã hội tôi học hỏi, cập nhật kiến thức, kỹ thuật mới để tự trau dồi, nâng cao tay nghề. Tôi mong được hỗ trợ vốn để phát triển cửa tiệm, có thêm khách hàng và truyền nghề cho số thanh niên có nhu cầu”.
Thời gian tới, thành phố tiếp tục tổ chức các hoạt động tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh và việc làm; đẩy mạnh định hướng phân luồng học sinh THCS và THPT tham gia học nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tăng cường hiệu quả hợp tác 3 bên giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và trung tâm dịch vụ việc làm. Cùng với tăng cường hỗ trợ vốn vay GQVL, thành phố đẩy mạnh đào tạo nghề cho thanh niên xuất ngũ, lao động nông thôn; kết nối đồng bộ giữa đào tạo với GQVL trong và ngoài nước... Qua đó, góp phần hoàn thành chỉ tiêu GQVL 50.600 lao động năm 2024.
Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG