14/04/2024 - 08:31

Nhiều dư địa cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Báo cáo triển vọng phát triển châu Á (ADO) tháng 4-2024 của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 ở mức 6% và năm 2025 tăng 6,2% nhờ sự phục hồi của các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ hướng tới xuất khẩu và nông nghiệp ổn định. Dòng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam, thặng dư thương mại bền vững, sự hỗ trợ tài chính liên tục và vốn cho đầu tư công tăng đáng kể sẽ là những động lực hỗ trợ tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024. Tuy nhiên, thách thức đặt ra là bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, sự phân mảnh thương mại và lạm phát, chính sách lãi suất neo ở mức cao sẽ tác động đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Theo báo cáo của ADB, xu hướng tăng trở lại của đơn hàng mới và tiêu dùng tăng đã vực dậy tăng trưởng sản xuất cuối năm 2023; đồng thời trở thành động lực cho năm 2024. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 sẽ nhanh hơn năm 2023, do có nhiều dư địa để thực hiện chính sách tài chính, đầu tư công… Trong quý đầu năm 2024, sản xuất đã tăng ở mức 6,8% (quý I-2023 giảm 0,5%), góp phần hỗ trợ tăng trưởng công nghiệp là 6,3%. Lãi suất trong nước đang ở mức thấp, chính sách tài khóa và tăng lương sẽ thúc đẩy tiêu dùng trong năm 2024. Thâm hụt ngân sách ở mức vừa phải và nợ công/GDP thấp sẽ tạo dư địa để thực hiện chính sách tài chính hỗ trợ tăng trưởng. Bên cạnh đó, vốn đầu tư công tương đương 27,3 tỉ USD đã được lên kế hoạch giải ngân trong năm nay là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế. Đầu tư công được tăng tốc và môi trường kinh doanh được cải thiện có thể thúc đẩy đầu tư tư nhân tăng.

Mặc dù có những dự báo lạc quan về tăng trưởng kinh tế Việt Nam, song ADB cũng cảnh báo các thách thức toàn cầu như việc neo lãi suất ở mức cao, tốc độ phục hồi chậm của nhiều nền kinh tế tiên tiến, căng thẳng địa chính trị… sẽ làm chậm quá trình phục hồi hoàn toàn của tăng trưởng vốn dựa vào xuất khẩu của Việt Nam. Vì vậy, chính sách tài chính và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là động lực quan trọng để kích thích tăng trưởng năm 2024. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giải ngân đầu tư công tăng 1% tương ứng với mức tăng trưởng GDP tăng 0,058%. Ngoài ra, cứ 1 đồng vốn đầu tư công giải ngân sẽ kích thích 1,61 đồng vốn đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước.

Các chuyên gia ADB cũng chỉ ra rằng, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp chính sách khác nhau để đẩy nhanh việc giải ngân đầu tư công và nâng cao hiệu quả thực thi của chính sách. Một loạt các nghị quyết và chỉ thị tập trung vào đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công. Tuy nhiên, để duy trì tiến độ này, Việt Nam cần thực hiện nhiều giải pháp mang tính hệ thống hơn nhằm cải thiện các quy trình pháp lý và quy định nhằm thực hiện. Trong đó, cần chủ động giải quyết những trở ngại trong triển khai đầu tư công một cách đồng bộ trong suốt chu trình dự án, Việt Nam có thể khai thác tối đa tiềm năng của các sáng kiến đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững.

SONG NGUYÊN

 

Chia sẻ bài viết