06/02/2009 - 09:32

Nhiều chính sách khuyến khích các hoạt động Phòng, chống bạo lực gia đình

(TTXVN)- Ngày 4-2-2009, Chính phủ ban hành Nghị định số: 08/2009/NĐ-CP, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ).

Nghị định quy định, cơ sở hỗ trợ nạn nhân BLGĐ, cơ sở tư vấn về phòng, chống BLGĐ hoặc các mô hình khác về phòng, ngừa BLGĐ và hỗ trợ nạn nhân BLGĐ ngoài công lập được thành lập và có đủ điều kiện hoạt động theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì được hưởng chính sách khuyến khích xã hội hóa như đối với các cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng khuyến khích và hỗ trợ kinh phí nghiên cứu, sáng tác, công bố, phổ biến đối với những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị và chất lượng cao về phòng, chống BLGĐ. Ngoài ra, Nhà nước cũng có những chính sách khuyến khích đối với người trực tiếp tham gia phòng, chống BLGĐ. Theo đó, khen thưởng người trực tiếp tham gia phòng, chống BLGĐ có thành tích. Người có hành vi dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân khi trực tiếp thực hiện việc ngăn chặn hành vi BLGĐ, nếu bị chết thì được xem xét để công nhận là liệt sĩ; nếu bị thương làm suy giảm khả năng lao động từ 21% trở lên thì được xem xét để hưởng chính sách như thương binh...

UBND cấp xã chủ trì, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận cùng cấp, cộng đồng dân cư tổ chức thực hiện tư vấn về gia đình ở cơ sở thông qua các hình thức: Tư vấn trực tiếp, tư vấn thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và tư vấn thông qua các loại hình khác.

Nghị định cũng quy định việc góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư được áp dụng đối với người có hành vi BLGĐ, nếu thời gian giữa 2 lần thực hiện hành vi bạo lực không quá 12 tháng.

Người có hành vi BLGĐ bị cấm đến gần nạn nhân trong khoảng cách dưới 30m (trừ trường hợp giữa người có hành vi BLGĐ và nạn nhân có sự ngăn cách như tường, hàng rào hoặc các vật ngăn cách khác, bảo đảm đủ an toàn cho nạn nhân) hay bị cấm sử dụng điện thoại, fax, thư điện tử hoặc các phương tiện thông tin đại chúng khác để thực hiện hành vi bạo lực với nạn nhân. Chủ tịch UBND cấp xã nơi xảy ra BLGĐ quyết định cấm người gây BLGĐ tiếp xúc với nạn nhân trong thời hạn không quá 3 ngày khi có đủ 3 điều kiện sau: Có đơn yêu cầu của nạn nhân BLGĐ, người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; đã có hành vi BLGĐ gây tổn hại hoặc đe dọa gây tổn hại đến sức khỏe, tính mạng của nạn nhân BLGĐ; người có hành vi BLGĐ và nạn nhân BLGĐ có nơi ở khác nhau trong thời gian cấm tiếp xúc. Hoạt động trợ giúp nạn nhân BLGĐ là hoạt động nhân đạo, không vì mục đích lợi nhuận nhằm giúp đỡ nạn nhân BLGĐ. UBND các cấp có trách nhiệm tạo điều kiện cho các cơ sở trợ giúp nạn nhân BLGĐ hoạt động...

Chia sẻ bài viết