15/03/2020 - 07:12

Nhật Bản dùng phương pháp cổ xưa cứu Trái đất 

“Mottainai” là từ được người Nhật dùng để mô tả cảm giác hối tiếc khi một thứ gì đó có giá trị bị lãng phí, đồng thời cũng thể hiện nhận thức về môi trường của xứ hoa anh đào. Đặc biệt trong cuộc sống hàng ngày, Mottainai trong nhiều thế kỷ đã trở thành “khắc tinh” của sự lãng phí ở Nhật Bản, đại diện cho sự kết nối giữa vật dụng và chủ sở hữu, khuyến khích mọi người coi trọng mọi vật dụng.

Rác thải tại Nhật được phân loại trước khi được xử lý. Ảnh: BBC

Bắt nguồn từ triết lý Phật giáo về tiết kiệm, Mottainai trở thành lối sống phổ biến trong thời kỳ khan hiếm sau chiến tranh và hiện được truyền lại từ ông bà cho con cháu. Theo Thần đạo của Nhật Bản, Mottainai xem thiên nhiên, thậm chí là các vật thể nhân tạo đều có linh hồn, tức mọi thứ đều có giá trị và không nên bị vứt bỏ một cách vô tư. Mottainai có thể được nhìn thấy trong cách ngôi sao truyền hình Marie Kondo nói lời cảm ơn từng chiếc quần, áo trước khi gửi chúng làm từ thiện.

Nhờ thực hiện lối sống Mottainai trong cuộc sống hàng ngày, Nhật Bản đã dẫn đầu thế giới về giảm thiểu sự lãng phí, tái sử dụng và tái chế vật dụng. Theo đó, mọi thứ từ nhựa polixetiren đến bao bì dược phẩm đều có thể được phân loại và tái chế. Hiện các siêu thị ở Nhật đều có máy hủy chai nhựa PET, vốn sau đó được sử dụng để sản xuất quần áo, thảm, chai lọ... Ngoài ra, Nhật Bản cũng tạo ra những ứng dụng nhằm giúp người dân phân loại rác, cũng như nhắc nhở họ loại rác nào sẽ được thu gom vào một ngày nhất định nào đó.

Trong thời kỳ bong bong kinh tế những năm 1980 và đầu những năm 1990, sản xuất nhựa phát triển nhanh chóng, tạo ra nhiều vấn đề về rác thải ở Nhật Bản. Trong giai đoạn 1993-2000, lượng chai nhựa được sản xuất tại Nhật Bản tăng gấp 3 lần, với hơn 360.000 tấn. Ngày nay, Nhật Bản là nước có tỷ lệ rác thải nhựa trên đầu người lớn thứ hai thế giới (sau Mỹ), tạo ra lượng chất thải nhiều hơn lượng chất thải của toàn bộ Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) năm 2018 ghi nhận “nhờ hệ thống quản lý chất thải rất hiệu quả và ý thức xã hội cao, Nhật Bản chỉ thải một lượng tương đối nhựa sử dụng một lần vào môi trường”. Trong số khoảng 9,4 triệu tấn rác thải nhựa do Nhật Bản tạo ra mỗi năm, 25% được tái chế, 57% được đốt để thu hồi năng lượng, 18% còn lại được chuyển tới bãi rác hoặc bị đốt cháy. Tuy nhiên, Nhật Bản không có nhiều đất để chứa rác, trong khi đốt chất thải tạo ra các khí độc hại, gồm dioxin, vốn được cho gây ô nhiễm đất và thậm chí là sữa mẹ. Do đó, trong vòng 2 thập kỷ qua, Nhật Bản đã nỗ lực cải tiến công nghệ đốt chất thải nhựa để giảm lượng khí thải. Theo Chính phủ Nhật Bản, trong giai đoạn 1997-2003, khí thải dioxin đã giảm 98%.

Trước thềm Olympic và Paralympic Tokyo 2020, nỗ lực bảo vệ môi trường của Nhật Bản vẫn tiếp diễn. Bên cạnh việc sử dụng năng lượng tái tạo cũng như có kế hoạch bù đắp carbon, Nhật Bản sẽ tạo ra các bục lễ từ nhựa tái chế trong khi tất cả 5.000 huy chương sẽ được làm từ 100% kim loại tái chế được chiết xuất cẩn thận từ các thiết bị điện tử. Hiện có 26 thị trấn sinh thái của Nhật Bản được chứng nhận “hài hòa với môi trường”. Trong đó, làng Kamikatsu đã đưa Mottainai lên tầm cao mới khi đặt mục tiêu không chất thải vào năm nay. 

TRÍ VĂN (Theo BBC, Weforum)

Chia sẻ bài viết