18/07/2019 - 08:02

Nhân rộng mô hình trồng cây ăn trái hiệu quả cao 

Những năm qua, cùng với đầu tư hạ tầng giao thông thủy lợi giúp thuận lợi cho trồng lúa, xã Thạnh Mỹ, huyện Vĩnh Thạnh còn khuyến khích nông dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, thực hiện mục tiêu đa dạng hóa các mặt hàng nông sản để tăng hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho bà con nông dân. Nhờ đó, ở địa phương ngày càng xuất hiện nhiều mô hình làm kinh tế vườn cho hiệu quả cao và được các nông hộ học tập áp dụng.

Nhiều mô hình làm vườn đang phát triển mạnh ở xã Thạnh Mỹ.

Năm 2010, ông Huỳnh Văn Trí ở ấp Long Thạnh, xã Thạnh Mỹ tiến hành cải tạo vườn tạp và trồng thử nghiệm 2 công quýt hồng và quýt đường. Trước khi áp dụng mô hình, ông về quê nhà ở huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp để học tập kinh nghiệm, kỹ thuật và đặt mua cây giống. Sau 3 năm quýt bắt đầu cho trái đem lại khoản lợi trên 200 triệu đồng. Thấy hiệu quả nên năm 2016 gia đình ông mạnh dạn chuyển 6 công đất trồng lúa sang trồng quýt, lợi nhuận mỗi năm từ 400-500 triệu đồng. Ông Trí nói: “Lúc mới trồng bản thân tôi thấy lo lắm vì không biết vùng đất này có thích hợp cho cây có múi phát triển hay không, nhưng nhờ đất tốt và áp dụng chặt chẽ kỹ thuật chăm sóc, bón phân tưới nước nên cây sinh trưởng và cho trái khá nhiều, thấy vậy nên gia đình tôi mạnh dạn đầu tư”.

Theo ông Hàn Phước Khánh, Chủ tịch UBND xã Thạnh Mỹ, trước đây ở địa phương, nông dân chỉ độc canh cây lúa, chuyện trồng hoa màu hay cây ăn quả ít người nghĩ tới. Thế nhưng từ thành công của ông Trí, ở đây phát triển khá mạnh mô hình làm vườn, trồng cây có múi, chủ yếu là cam, quýt bước đầu cho hiệu quả cao hơn gấp nhiều lần so với cây lúa. Ông Hàn Phước Khánh cho biết: “Cải tạo vườn tạp hoặc chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái được xem là mô hình đột phá của nông dân địa phương. Do đặc thù là vùng đất xốp “gan rùa” rất thích hợp cho các loại cây ăn trái sinh trưởng và phát triển nên chúng tôi khuyến khích nông dân học hỏi và áp dụng nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích đất canh tác”. Hiện nay, xã Thạnh Mỹ đã phát triển được hơn 45ha đất trồng cây ăn trái. Ngoài cây có múi như: cam xoàn, cam sành, quýt hồng, quýt đường…, nhiều nông hộ còn mạnh dạn học hỏi kinh nghiệm từ các nơi các mô hình trồng cây ăn trái khác như: ổi, xoài, mít, mận, mãng cầu…

Năm 2016, anh Đinh Văn Bá, ở ấp Qui Long đến cù lao thuộc phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt học tập mô hình trồng mận và đã về chuyển đổi 6.000m2 đất trồng lúa sang áp dụng mô hình trồng 300 gốc mận An Phước và mận Hồng Đào Đá, đồng thời trồng xen 300 gốc mãng cầu. Điều đáng nói là ngoài áp dụng kỹ thuật theo chỉ dẫn của các nhà vườn, anh còn đầu tư giàn lưới phủ kín cả khu vườn nhằm hạn chế bướm và sâu hại xâm nhập từ bên ngoài. Với mô hình này, chỉ năm đầu tiên thu hoạch trái, gia đình anh đã thu được tiền vốn đầu tư khoảng 160 triệu đồng, năm 2018 đến nay gia đình anh bắt đầu thu lợi nhuận. Anh Bá bộc bạch: “Nhờ phủ kín vườn mận bằng lưới nên hạn chế được sâu bệnh, đỡ tốn chi phí phun xịt và đảm bảo chất lượng trái. Vụ mận vừa rồi giá cả ổn định, đối với mận An Phước loại 1 (10 trái/kg) có giá 40.000 đồng, mận Hồng Đào Đá có giá từ 18.000-20.000 đồng/kg nên gia đình tôi thu lợi nhuận khá”.

Để phát triển diện tích làm vườn cũng như giúp bà con sản xuất đạt hiệu quả, xã Thạnh Mỹ đã tập hợp các nhà vườn thành lập câu lạc bộ trồng cây ăn trái, đến nay đã phát triển được 25 thành viên mỗi tháng tổ chức sinh hoạt một lần, UBND xã cử cán bộ khuyến nông đến hỗ trợ cùng với bà con trao đổi kỹ thuật, cách bón phân, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh… Ông Hàn Phước Khánh, Chủ tịch UBND xã Thạnh Mỹ, cho biết: “Thời gian qua, chúng tôi đã quan tâm hỗ trợ các nhà vườn về nhiều mặt, như: nạo vét kênh mương, phối hợp tổ chức tập huấn, cử cán bộ xuống sinh hoạt câu lạc bộ, thăm vườn phát hiện sâu bệnh,… Thời gian tới, chúng tôi kiến nghị UBND huyện và ngành chức năng cần ưu tiên nguồn vốn bố trí cho địa phương đầu tư cơ sở hạ tầng, hoàn chỉnh hệ thống đê bao, thủy lợi, lắp đặt trạm điện hạ thế giúp nhà vườn chủ động bơm tưới và tiêu thoát nước vào mùa lũ. Đồng thời, cần có chính sách phát triển lĩnh vực du lịch tạo thêm kênh thu nhập, giải quyết đầu ra để nhân rộng và phát triển mô hình một cách bền vững, góp phần tăng hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho bà con nông dân”.

Bài, ảnh:  Minh Hải

Chia sẻ bài viết