14/04/2020 - 09:30

Nhà vườn mong đầu ra trái cây thuận lợi hơn 

Những ngày gần đây, nhiều loại trái cây bị rớt giá và khó tiêu thụ, khiến nhà vườn lo lắng. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, người dân mong sớm khống chế được dịch, để khôi phục các hoạt động thu mua, chế biến bảo quản và xuất khẩu thuận lợi hơn...

Nhiều loại trái cây được bán lẻ tại thị trường TP Cần Thơ với mức giá khá thấp. Trong ảnh: Một điểm bán trái cây trên đường Nguyễn Văn Linh, quận Ninh Kiều.

►Giá rớt thảm hại

Khoảng 1 tuần nay, xoài Đài Loan bán xô tại vườn ở TP Cần Thơ và các tỉnh lân cận như Hậu Giang, An Giang… rớt giá chỉ còn ở mức 2.000-4.000 đồng/kg, tùy nơi. Tuy nhiên,  nhà vườn vẫn khó bán xoài do ít thương lái thu mua. Ông Trần Văn Út ngụ ấp Trường Trung B, xã Tân Thới, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ, cho biết: “Cùng kỳ năm trước, tôi bán xoài được giá 12.000 đồng/kg, còn hiện nay giá  giảm chỉ còn 1/3 nhưng khó tiêu thụ. Tôi có 3 công đất trồng xoài Đài Loan đã tới lứa thu hoạch hơn 1 tuần nay nhưng chờ mãi không thấy thương lái đi mua, gọi điện, nhưng họ hứa vài ngày nữa mới đến…”.  

Theo ông Phan Văn Tây ở xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, xã hiện có diện tích trồng xoài lớn nhất ở Cần Thơ, với hơn 2.190ha xoài các loại. Trồng xoài tập trung nên có phần thuận lợi trong tiêu thụ vì có nhiều tiểu thương, doanh nghiệp đến thu mua. Nhưng gần đây, nhà vườn tại địa phương cũng gặp khó trong việc bán xoài do tiểu thương và doanh nghiệp giảm lượng thu mua vì xuất khẩu gặp khó, chủ yếu tiêu thụ nội địa. Xoài Đài Loan được nông dân bán xô tại vườn chỉ có giá 4.000 đồng/kg, còn tuyển chọn hàng loại 1 bán được giá 8.000 đồng/kg. Giá xoài cát Hòa Lộc cũng giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước xuống còn khoảng 20.000 đồng/kg đối với xoài loại 1, còn xoài loại 2 có giá khoảng 10.000 đồng/kg.

Không chỉ có trái xoài, giá nhiều loại trái cây khác cũng giảm giá mạnh so với cùng kỳ năm trước. Giá dưa hấu, cóc, dâu xanh, dâu vàng (dâu bòn bon), nhãn tiêu da bò, cam mật, ổi lê… đang được nông dân bán cho thương lái và các vựa thu mua trái cây chỉ ở mức từ 3.000-7.000 đồng/kg. Ông Mai Văn Thuận ngụ ấp Trường Tây, xã Trường Thành, huyện Thới Lai, cho biết: “Hiện giá cam mật được nông dân bán tại vườn chỉ còn mức 5.000 đồng/kg, giảm khoảng 50% so với các tháng trước và so cùng kỳ năm trước. Những tháng trước, giá ổi lê bán được tới 8.000 đồng/kg thì nay giá chỉ còn 4.000-5.000 đồng/kg nhưng cũng khó kêu bán vì ít tiểu thương đi mua hoặc có đi mua họ cũng hạn chế số lượng vì sợ tiêu thụ không hết hàng do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Tôi rất mong dịch bệnh sớm được khống chế để các hoạt động thu mua, buôn bán và nhất là xuất khẩu trái cây được đẩy mạnh, tạo thuận lợi cho bà con tiêu thụ sản phẩm với mức giá đảm bảo cuộc sống”.

►Kỳ vọng sức mua sớm phục hồi

Thực tế cho thấy, nhiều loại trái cây không chỉ gặp khó về đầu ra trong xuất khẩu mà việc tiêu thụ tại thị trường nội địa cũng chậm so với trước. 

Chị Nguyễn Thị Hồng, tiểu thương bán trái cây ở chợ An Bình, quận Ninh Kiều, cho biết: “Gần đây, người dân đi chợ khá ít nên buôn bán trái cây ế ẩm dù giá bán lẻ nhiều loại trái cây đã giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm trước. Tôi mong dịch bệnh COVID-19 sớm được khống chế để mọi hoạt động trở lại bình thường”. Bà Trần Thị Quyến, tiểu thương bán trái cây tại chợ thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền, cũng cho biết: “Giá hầu hết loại trái cây của nhà vườn đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước nhưng bán khá chậm do sức tiêu thụ đã giảm khoảng 60-70% so với trước. Riêng giá nhiều loại trái cây nhập khẩu vẫn bình ổn giá nhưng rất ít người mua. Tôi bán trái cây ở các chợ huyện chủ yếu nhờ lượng người mua trái cây đi đám tiệc mà giờ đây do dịch bệnh, buộc mọi người phải hạn chế, nên sức mua trái cây bị ảnh hưởng mạnh, nhất là những loại trái cây đắt tiền”.

Nhu cầu sử dụng trái cây của người dân trong nước và xuất khẩu rất lớn và có xu hướng ngày càng tăng. Theo tiểu thương và doanh nghiệp kinh doanh trái cây, những khó khăn hiện nay chỉ là tạm thời, dịch bệnh rồi sẽ được Nhà nước ta khống chế thành công, tình hình buôn bán trái cây sớm nhộn nhịp trở lại.

Ông Trần Văn Chiến, chủ vựa thu mua trái cây Hai Chiến ở thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền, cho biết: “Dù nhiều doanh nghiệp và đầu mối thu mua hàng tại các địa phương, nhất là tại các tỉnh thành miền Trung đã giảm nhu cầu đặt hàng mua trái cây hoặc tạm thời ngừng mua nhưng hiện vựa trái cây Hai Chiến vẫn cố gắng duy trì hoạt động để góp phần tiêu thụ trái cây cho bà con. Tôi tin rằng sức tiêu thụ trái cây sẽ sớm hồi phục trở lại”. Theo ông Chiến, những năm gần đây, nhiều loại trái ở huyện Phong Điền và TP Cần Thơ nói chung không chỉ phục vụ nhu cầu tại chỗ mà còn được nhiều tiểu thương, doanh nghiệp thu mua để đem đi tiêu thụ tại các vùng miền khác trong cả nước và xuất khẩu. Vựa trái cây của ông Chiến cũng đã thu mua nhiều loại trái cây để cung ứng cho các doanh nghiệp xuất khẩu và tiêu thụ mạnh tại nhiều tỉnh, thành ở miền Đông Nam bộ và miền Trung, nhất là tại thị trường TP Hồ Chí Minh và TP Đà Nẵng.

Thời gian qua, khâu bảo quản và chế biến trái cây ở nước ta còn hạn chế, nhiều loại trái cây chủ yếu tiêu thụ dạng tươi thô nên không thể để được lâu và vận chuyển đi xa. Nông dân còn phát triển trồng cây ăn trái tự phát, chưa gắn sát với nhu cầu thị trường  nên rất dễ xảy ra rủi ro về đầu ra. Đây là những vấn đề ngành chức năng cần quan tâm có giải pháp kịp thời, nhất là việc phát triển các sản phẩm chế biến từ trái cây để nâng cao giá trị sản phẩm, tránh điệp khúc “thừa hàng, dội chợ” khi bước vào các thời điểm trái cây thu hoạch rộ.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết