08/09/2008 - 20:35

Liên kết sản xuất- chế biến - tiêu thụ để nâng cao giá trị nông sản hàng hóa ĐBSCL

Nhà nông và doanh nghiệp phải đồng tâm hợp lực

Thu mua lúa gạo chế biến xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở TP Cần Thơ. Ảnh: KHÁNH TRUNG

ĐBSCL đang cùng cả nước hội nhập kinh tế quốc tế và thực hiện những cam kết theo lộ trình gia nhập WTO. Thế mạnh của ĐBSCL là nông, thủy sản. Đây là các mặt hàng có nhiều lợi thế trên thương trường quốc tế nhưng còn nhiều rào cản. Song, nông dân và doanh nhân khu vực ĐBSCL đang nỗ lực vượt qua những khó khăn, thách thức để đưa sản phẩm của mình đến thị trường thế giới…

* Cùng đối mặt với khó khăn...

Mặc dù từ lâu, hàng hóa nông, thủy sản của ĐBSCL đã xuất ngoại đem lại hàng tỉ đô-la cho đất nước, nhưng đến nay nông dân và doanh nhân chưa bắt tay nhau để cùng hội, cùng thuyền vươn ra “biển lớn”. Doanh nghiệp chưa có chiến lược phát triển tạo đầu ra ổn định để hoạch định cho nông dân nuôi trồng; còn nông dân sản xuất tự phát, thấy gì bán được giá là dốc tiền, dốc sức ra đầu tư nuôi trồng mà thiếu thông tin thị trường nên khả năng tiêu thụ rất bấp bênh. Vụ cá tra năm nay là một minh chứng.

Năm 2007, con cá tra lên ngôi, nông dân bán được giá, doanh nghiệp xuất khẩu được mùa, đưa sản lượng cá tra tăng lên 1 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 1 tỉ USD, vượt hơn nhiều so với kế hoạch. Bước sang năm 2008, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra không dự báo được thị trường mà cùng đua tranh với nông dân đào ao nuôi cá tra. Hậu quả, vào chính vụ, nguồn cá nguyên liệu quá nhiều cùng thị trường thế giới biến động, hàng trăm ngàn tấn cá tra ĐBSCL đã quá lứa bị bỏ đói, còn doanh nghiệp không có tiền đủ mua cá để chế biến xuất khẩu. Chính phủ phải vào cuộc, chỉ đạo ngân hàng hỗ trợ cả ngàn tỉ đồng để cho doanh nghiệp và nông dân vay. Đến cuối vụ, nguồn cá khan hiếm, doanh nghiệp không đủ nguyên liệu chế biến. Đây không phải là chuyện mới mà là điệp khúc diễn ra từ nhiều năm nay!

Các chuyên gia thủy sản cũng đã từng khuyến cáo: Trong nuôi và thương mại cá tra, cá ba sa đã xuất hiện một số dấu hiệu của phát triển không bền vững như: giá cả thay đổi và cạnh tranh, chất lượng sản phẩm không đồng đều, chi phí đầu vào cao, mâu thuẫn giữa người nuôi và người chế biến, thua lỗ và phá sản đã diễn ra. Cá tra, ba sa nói riêng và thủy sản nói chung đang gặp phải thực trạng như vậy. Còn tôm sú là thế mạnh của các tỉnh ven biển ĐBSCL cũng nhiều phen lận đận như con cá tra, ba sa. Ông Nguyễn Triệu Dỏng, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần chế biến thủy sản Út Xi (Sóc Trăng), cho rằng: “Nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú ở ĐBSCL không có nghĩa vô tận. Nếu chúng ta biết cách khai thác hợp lý thì đó sẽ là nguồn lợi vô cùng to lớn, đặc biệt về nông nghiệp và thủy sản. Như việc sản xuất lúa vụ 3 ồ ạt một cách tự phát cũng là bài học đắt giá cho một số vùng trong ĐBSCL, hậu quả dịch bệnh tràn lan, sông ngòi bị ô nhiễm do hóa chất, thuốc trừ sâu. Hay việc khai thác đất đai để nuôi trồng thủy sản một cách tự phát sẽ phá hủy dần hệ thống rừng phòng hộ ở một số vùng sông Mỹ Thanh, làm mất đi những cánh rừng ngập mặn ở Bạc Liêu, Cà Mau. Khi môi trường bị hủy hoại thì cũng đồng nghĩa là lúa gạo, tôm cá cũng không còn và doanh nghiệp sẽ lấy đâu ra nguyên liệu chế biến xuất khẩu. Nếu công nghiệp chế biến thủy sản không phát triển thì nghề nuôi trồng thủy sản cũng khó phát triển và ngược lại”.

Chưa bao giờ, trong sản xuất nông nghiệp ĐBSCL lại đối mặt với nhiều khó khăn như năm nay. Con cá tra, cá ba sa chưa giải quyết xong thì thêm lúa gạo nông dân tồn đọng. Chính phủ lại tiếp tục chỉ đạo ngân hàng hỗ trợ hàng chục ngàn tỉ đồng để cho doanh nghiệp vay mua hết lượng lúa hàng hóa của nông dân. Một trong những nguyên nhân chính là do nông dân và doanh nghiệp chưa bắt tay nhau. Ngay vụ đông-xuân 2008, giá gạo thế giới tăng cao, nông dân ĐBSCL trúng mùa lúa, bán được giá. Nông dân phấn khởi, tưởng rằng giá lúa sẽ tiếp tục tăng cao, phá vườn cây ăn trái, ruộng mía, phá rừng tràm để trồng lúa, lại làm thêm lúa vụ 3. Nhưng rồi tạm ngưng xuất khẩu gạo, giá gạo thế giới giảm mạnh từ hơn 1.200 USD/tấn xuống còn 600 USD/tấn, kéo theo giá lúa tại ĐBSCL từ 5.200-5.600 đồng/kg xuống 4.200-4.300 đồng/kg, trong khi đó giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng giá liên tục, những người trồng lúa lâm vào khó khăn.

Ông Ba Tăng (ở xã Thới Thạnh, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ), vừa thu hoạch hơn 3 tấn lúa, than thở: “Nghe Chính phủ chỉ đạo ngân hàng cho doanh nghiệp vay mua lúa nông dân nhưng không thấy ghe mua lúa đâu cả. Giá lúa rẻ mà bán cũng không được nữa thì lấy đâu trả tiền phân thuốc. Vụ này nông dân tụi tui mệt lắm!”.

* Liên kết mới dễ làm ăn

Lợi thế tiềm năng của ĐBSCL là nông, thủy sản. Đây là những mặt hàng chịu nhiều tác động trong thời hội nhập kinh tế thế giới. Các chuyên gia kinh tế cho rằng để hàng hóa nông, thủy sản ĐBSCL vững bước tiến ra “biển lớn”, nông dân cần phải nhanh chóng thay đổi phương thức sản xuất. Đó là từ bỏ sản xuất tự phát, nhỏ lẻ, chi phí cao, lợi nhuận thấp, để hợp tác sản xuất qui mô lớn theo nhu cầu đặt hàng của doanh nghiệp. Vì cách sản xuất cá thể một cách tự do, manh mún từng thửa ruộng, từng ao cá, vuông tôm, vườn cây của nông dân ĐBSCL như hiện nay không thể nào đáp ứng đơn đặt hàng mỗi lần hàng ngàn tấn sản phẩm của các công ty nước ngoài.

GS.TS Võ-Tòng Xuân, cho biết: “ Bà con nhà nông phải tự nhận rõ là làm ăn một mình một cách tự do sẽ rất khó làm giàu, vì mình không thể chỉ bán hàng ở chợ làng mà phải bán ra khắp các tỉnh, thành trong nước và vươn ra nước ngoài. Người mua hàng nông sản bây giờ là những công ty lớn, họ mua với khối lượng lớn những nông sản có chất lượng cao, an toàn vệ sinh và giá rẻ. Muốn thực hiện được hợp đồng, nông dân phải hợp tác với nhau thành những HTX nông nghiệp đa năng gắn với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, những trang trại rộng lớn sẵn sàng tham gia xuất khẩu. Mỗi nông dân xã viên cần khắc phục khó khăn để thực hiện theo đúng các tiêu chuẩn trong qui trình sản xuất, nếu không sẽ không được xác nhận chất lượng. Tốt nhất là tổ chức gắn “nhà nông” với “doanh nghiệp” trong một cơ chế HTX nông nghiệp hoặc cụm liên kết hay vùng nông nghiệp kỹ thuật cao sản xuất các mặt hàng xuất khẩu. Hiện nay, phía “nhà nông” có vẻ như đã chấp nhận điều kiện hợp tác chung nhau để sản xuất nguyên liệu nông sản với khối lượng lớn, chất lượng tốt nhất và giá thành tương đối cạnh tranh nhất. Vấn đề kế tiếp là chừng nào “nhà nước” thật sự bắt tay lập chính sách mà trong đó “nhà nông” và “nhà doanh nghiệp” để chia sẻ lẫn nhau khi lỗ hoặc lời. Kinh nghiệm các nước đi trước cho thấy khi vào WTO, muốn thắng thì các thành phần phải kết hợp và cùng chia sẻ lỗ, lãi”.

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg “Về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng” đã mở ra hướng đi tích cực giúp cho sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến, tiêu thụ, thu hút nhiều doanh nghiệp và nông dân tham gia. Ở nhiều địa phương, một số ngành hàng đã hình thành mô hình tốt liên kết giữa người nông dân với doanh nghiệp sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Tuy nhiên, đến nay, việc triển khai thực hiện Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg vẫn còn nhiều hạn chế. Không ít địa phương chưa tập trung chỉ đạo quyết liệt việc triển khai thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Doanh nghiệp, hộ nông dân chưa thực sự gắn bó và thực hiện đúng cam kết đã ký. Tỷ lệ nông sản hàng hóa được tiêu thụ thông qua hợp đồng còn rất thấp, lúa hàng hóa đạt 6-9% sản lượng, thủy sản dưới 10% sản lượng... Doanh nghiệp chưa quan tâm đầu tư vùng nguyên liệu, chưa điều chỉnh kịp thời hợp đồng bảo đảm hài hòa lợi ích của nông dân khi có biến động về giá cả; trong một số trường hợp, nông dân không bán hoặc giao nông sản cho doanh nghiệp theo hợp đồng đã ký. Tình trạng tranh mua, tranh bán vẫn xảy ra khi đã có hợp đồng.

Từ thực tế này, ngày 25-8-2008, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ra chỉ thị “Về việc tăng cường chỉ đạo tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng”. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành có liên quan rà soát, điều chỉnh, bổ sung trong xây dựng mới quy hoạch sản xuất nông nghiệp, thủy sản... hình thành vùng sản xuất nông sản hàng hóa lớn, gắn sản xuất nguyên liệu với công nghiệp chế biến và thị trường. Thực hiện tốt các chính sách liên quan đến sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản. Xây dựng chính sách khuyến khích và tạo điều kiện phát triển các mô hình hợp tác giữa hộ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản với các cơ sở chế biến, tiêu thụ, phát triển các tổ chức liên kết cộng đồng những người sản xuất trong ngành hàng...

Với những mô hình hợp tác, liên kết, thành công trong thời gian qua và với chỉ thị mới của Thủ tướng Chính phủ về việc tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng sẽ là những chính sách, cơ chế mới tạo ra mối gắn kết giữa nhà nông và doanh nghiệp chặt hơn trong sản xuất-chế biến-tiêu thụ. Những yếu tố này không chỉ giúp ĐBSCL phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững mà còn là điểm tựa để hàng hóa nông, thủy sản nơi đây có nhiều lợi thế vươn ra “biển lớn”.

QUANG HẢI

Chia sẻ bài viết