13/11/2008 - 20:59

Sản xuất lúa, mía thông qua hợp đồng tiêu thụ tại Kiên Giang

Nhà nông và doanh nghiệp đồng thuận

Mới đây, tỉnh Kiên Giang vừa triển khai 3.000 ha trồng lúa chất lượng cao cho nông dân có hợp đồng bao tiêu. Đây là một phần của Đề án xây dựng vùng lúa chất lượng cao xuất khẩu gắn với hợp đồng tiêu thụ sản phẩm của tỉnh. Trong khi đó, để đảm bảo nguồn nguyên liệu mía cho nhà máy hoạt động, trong niên vụ 2008-2009, Công ty Mía đường Kiên Giang đã triển khai việc khảo sát phần diện tích mía trong tỉnh và ký hợp đồng đầu tư, bao tiêu mía trực tiếp với các hộ dân, doanh nghiệp.

* MỞ RỘNG DIỆN TÍCH BAO TIÊU

Ông Trần Thanh Nam, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, cho biết: Tỉnh chuẩn bị xuống giống 3.000 ha lúa chất lượng cao (LCLC). Nếu không gặp rủi ro lớn, thì với diện tích, năng suất dự kiến đạt 6,5 tấn/ha, sản lượng LCLC thu hoạch sẽ được khoảng 20.000 tấn/vụ. Như vậy, cần phải có 360 tấn lúa giống (chủ yếu là OM 4900, OM 5930), để thực hiện định mức gieo sạ 120 kg/ha.

Mục đích của kế hoạch nói trên là xây dựng vùng nguyên liệu LCLC xuất khẩu tập trung để ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo; kết hợp hình thành vùng sản xuất nhân giống lúa cấp xác nhận, cung ứng giống cho sản xuất lúa hàng hóa xuất khẩu tại các địa phương trong tỉnh. Tân Hiệp được chọn làm điểm đột phá đề án 100.000 ha LCLC phục vụ xuất khẩu, bởi ở đây có đủ điều kiện sản xuất thâm canh ổn định 2 vụ lúa/năm. Mặt khác, phong trào kinh tế hợp tác và HTX nông nghiệp của huyện này đã đi vào căn cơ, hệ thống thủy lợi, bơm tưới, cơ giới hóa khâu làm đất và thu hoạch dẫn đầu toàn tỉnh. Đa số xã viên và bà con nông dân nhạy bén tiếp thu và chủ động áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào canh tác lúa, mạnh dạn đổi mới tập quán sản xuất. Những mục đích và yêu cầu nêu trên đã được đại diện các HTX nông nghiệp, tổ hợp tác, doanh nghiệp, xã viên và nông dân đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, phải qua 3 lần hội nghị bàn thảo “tới nơi, tới chốn”, nhà nông và doanh nghiệp mới có được sự đồng thuận.

Vận chuyển lúa gạo đến kho bảo quản. Ảnh Mạnh Chung 

Để đảm bảo sản lượng theo kế hoạch, ngay từ tháng 5-2008, Công ty Mía đường Kiên Giang đã thực hiện bao tiêu với nông dân và doanh nghiệp. Cụ thể có 1.200 ha diện tích trồng mía được đầu tư chủ yếu là phần diện tích mía gốc sẵn có trong dân. Song song đó, để mở rộng thêm diện tích bao tiêu, công ty còn thực hiện ký hợp đồng bao tiêu mía với các doanh nghiệp trồng mía trong tỉnh, diện tích 400 ha. Với hai hình thức triển khai này thì tổng sản lượng mía huy động trong tỉnh cho mùa vụ 2008-2009, ước đạt 80.000 tấn. Mặt khác để bổ sung cho đủ lượng mía ép theo kế hoạch, công ty đã ký xong 3 hợp đồng huy động mía từ các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, với tổng sản lượng là 60.000 tấn mía nguyên liệu. Như vậy, với hai đầu mối này thì tổng lượng mía huy động cung cấp cho nhà máy hoạt động niên vụ 2008-2009, dự kiến là 140.000 tấn.

* ĐÔI BÊN CÙNG CÓ LỢI

Về giá thu mua lúa, ông Đỗ Hiếu Liêm, Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch- Thương mại Kiên Giang, đưa ra 2 phương thức. Phương thức thứ nhất, các công ty ký hợp đồng với nông dân, HTX nông nghiệp, tổ hợp tác thu mua lúa theo giá cố định 3.600 đồng/kg (không kể yếu tố biến động giá thị trường). Tuy nhiên, hầu hết mọi người không đồng tình với phương án này.

Đề án xây dựng vùng lúa chất lượng cao (LCLC) xuất khẩu gắn với hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, đã được UBND tỉnh Kiên Giang phê duyệt là 100.000 ha, phân kỳ sản xuất từ 2003-2010. Theo đó, ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Kiên Giang vừa triển khai kế hoạch thí điểm trồng 3.000 ha lúa xuất khẩu tập trung trong vụ đông xuân 2008-2009 tại huyện Tân Hiệp 2.550 ha và Giồng Riềng 450 ha.

Theo Công ty Mía đường Kiên Giang, chỉ tiêu kinh doanh trong niên vụ mía 2008-2009 được đưa ra là: sản lượng mía ép đạt 130.000 tấn; đường 10.833 tấn; mật rỉ 6.500 tấn, với tổng doanh thu trên 100 tỉ đồng.

Chị Ngô Thị Vui, nông dân ấp 7A, xã Thạnh Đông A (Tân Hiệp), nói: “Tiêu chuẩn độ ẩm 16%, tạp chất 2% mà công ty đưa ra đối với LCLC là hợp lý. Song, với năng suất đạt 6,5 tấn/ha và giá bán 3.600 đồng/kg, tính ra sẽ thu được 23.400.000 đồng/ha. Trong khi đó, chi phí cho mỗi ha gồm tiền làm đất, giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công chăm sóc và thu hoạch hết 19.500.000 đồng. Như thế mỗi ha lúa chỉ còn lãi 3.900.000 đồng, thấp hơn mặt bằng giá hiện nay 20%. Đến vụ hè thu, năng suất chỉ bằng 2/3 năng suất vụ đông xuân, nhưng chi phí tăng gấp đôi, nếu thu mua 3.600 đồng/kg thì hộ nào làm giỏi cũng hòa vốn hoặc lỗ chút đỉnh là may rồi”.

Phương thức thứ hai, các công ty ký hợp đồng thu mua LCLC của nông dân theo giá thị trường tại thời điểm đó (có sự thỏa thuận), đồng thời cộng thêm 3% cho người bán lúa. Việc vận chuyển do đại diện các HTX nông nghiệp, hoặc tổ hợp tác chịu trách nhiệm. Trên cơ sở hợp đồng, cứ 1 kg lúa chở đến điểm quy định sẽ được hưởng 150 đồng, khâu bốc vác từ ghe lên kho là phần của công ty.

Sau khi nghe phổ biến phương thức đầu tư và thu mua của Công ty Du lịch-Thương mại Kiên Giang, ông Trần Văn Tổng, nông dân xã Ngọc Chúc (Giồng Riềng), cho biết: Cả hai phương thức thu mua lúa đều chứa đựng mặt tích cực lẫn rủi ro. Qua cân nhắc, bà con chúng tôi thống nhất chọn cách thứ hai”. Là người trực tiếp chỉ đạo sản xuất thí điểm lúa xuất khẩu gắn với hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Thanh Nam, cho rằng: Tiếp xúc và trao đổi chân tình với nông dân Tân Hiệp và Giồng Riềng, mặc dù cũng còn một số ý kiến khác nhau, nhưng mừng là đa số bà con và doanh nghiệp đã tìm được tiếng nói chung: Hợp đồng tiêu thụ lúa theo cách thứ hai. Như vậy đôi bên cùng có lợi!

Kế hoạch sản xuất kinh doanh niên vụ 2008-2009, công ty Mía đường Kiên Giang cũng đã có các bước triển khai tăng cường hợp tác đầu tư trồng mía với các hộ dân, doanh nghiệp trong tỉnh. Ông Lưu Dũng, Giám đốc Công ty Mía đường Kiên Giang, nhận định: Mô hình này không chỉ từng bước chủ động được nguồn nguyên liệu mía cho nhà máy đường hoạt động, mà còn tăng cường thông tin qua lại với các nhà máy trong khu vực nhằm xác định giá mua mía một cách hợp lý và tránh tình trạng tranh mua làm giá mía tăng cao; quản lý chặt chẽ công tác thu hoạch và vận chuyển mía về nhà máy nhằm giữ được chất lượng mía tốt đưa vào ép. Bên cạnh đó, công ty không ngừng hoàn thiện dây chuyền thiết bị, quản lý chặt chẽ công tác vận hành nhà máy; từng bước nâng cao chất lượng lao động nhằm tăng năng suất lao động, tăng chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành. Từ việc ổn định thị trường tiêu thụ sẵn có, đồng thời công ty từng bước mở rộng thị trường, tìm kiếm khách hàng mới kể cả thị trường nước ngoài.

MẠNH CHUNG-LÊ SEN-THÚY VI

Chia sẻ bài viết