01/02/2017 - 16:17

Gặp gỡ đầu năm

Nhà nghiên cứu Nhâm Hùng đi tìm kho báu dân gian

Trong buổi trà sớm đầu xuân, nhà nghiên cứu Nhâm Hùng kể cho chúng tôi nghe về vẻ đẹp của đất và người miền Tây. Ông nói rằng, đó là những kho báu mà ông dành trọn đời mình để đi và tìm. Phóng viên Báo Cần Thơ đã có cuộc trao đổi với ông về công việc khảo cứu thời gian qua cũng như những dự định trong năm mới này. 

 Cuốn "55 năm đô thị Vị Thanh" do ông biên soạn mới đây, được giới nghiên cứu đánh giá là đã khai mở những trầm tích văn hóa xứ sở này. Xin ông chia sẻ thêm về quyển sách?

- Khi bắt tay viết "55 năm đô thị Vị Thanh", tôi khá hồi hộp vì đây là vùng đất đã được các tiền bối trong lĩnh vực sưu khảo như cụ Sơn Nam, Vương Hồng Sển… viết nhiều. Viết gì để khác biệt và hấp dẫn là điều mà tôi đặt ra ngay từ đầu. Muốn vậy, tôi phải đi, phải dành nhiều thời gian đến tận các con kinh rạch, rẫy bái, phố phường… của Vị Thanh để nghe người già hồi tưởng, người trẻ cảm nhận. Trong sách, tôi dành nhiều trang viết lý giải nguồn gốc địa danh ở Vị Thanh, những dấu ấn buổi đầu khai phá vùng đất này, những đặc sản, phong vị riêng. Những địa danh như Hốc Hỏa, Hỏa Lựu, Sáu Yến, Chủ Chẹt… nghe bình dị, thân thương đã thôi thúc tôi phải truy nghiên nguồn gốc của chúng.

Điều may mắn nhất là tôi đã được gặp những con người gắn bó và yêu thương mảnh đất Vị Thanh, am hiểu xứ sở quê mình và kể cho tôi nghe những giai thoại tưởng đã nằm yên trong quá khứ. Nếu ví văn hóa dân gian là kho báu thì những con người ấy là "chìa khóa vạn năng".

 Ông có thể kể một vài câu chuyện mà ông đã sưu tầm được?

 Nhà nghiên cứu Nhâm Hùng cùng với nhóm bạn trẻ đi thực tế tìm hiểu đất Bình Thủy- Long Tuyền. Ảnh: DUY KHÔI

- Trong "55 đô thị Vị Thanh", tôi có một phần viết về chuyện đánh cọp, giết sấu, bắt cá hô, bẫy chồn ở vùng đất này. Ấn tượng nhất là những mẩu chuyện của ông Hai Ban, 93 tuổi, ở phường 4, TP Vị Thanh. Ông từng thấy cọp và kể chuyện cha ông đánh cọp bằng cây lao phụng hoặc bẫy cọp bằng cách đào hầm trên bờ sông, giữa lùm bụi. Thật lạ lùng khi ở Vị Thanh có địa danh Ổ Sấu, với những câu chuyện kể "ngày lành tháng tốt", sấu nổi rền như hội, quẫy đục cả bãi sình. Ông Hai Ban còn kể về kỹ thuật bắt cá hô trên kinh xáng Xà No. Có con cá hô nặng trên trăm ký, muốn đánh vảy phải dùng cuốc. Những mẩu chuyện lạ lùng, tưởng như cổ tích lại được "người thật việc thật" kể lại cho thấy bề dày lịch sử, văn hóa của một vùng đất.

 Những công trình biên khảo của ông như "Bước đầu tìm hiểu địa danh Cần Thơ", "Phong Điền địa linh nhân kiệt", "Tìm hiểu đất và người Hậu Giang"… cho thấy kỳ công trong sưu tầm, biên soạn. Theo ông, người viết biên khảo cần điều gì nhất?

- Cần nhiều lắm! Cần sự dấn thân, trải nghiệm; cần vốn tư liệu và kiến thức phong phú; cần có tư duy tổng hợp, khái quát vấn đề… Nhưng tôi nghĩ, cần nhất vẫn là tình yêu, tâm huyết của người viết biên khảo dành cho vùng đất đó. Hơn chục công trình biên khảo đã xuất bản là vốn liếng sao bao năm tôi cùng sống, cùng đồng hành với đất và người miền Tây. Có khi ở lại làng xóm, con kinh nào đó gần tuần lễ chỉ để tìm ra cách giải thích địa danh nghe sao thân thuộc như Lòng Ống, Cái Côn… Mỗi lần cầm trên tay kỷ vật trăm năm, nghe một câu chuyện hay về vùng đất, tôi sung sướng như mình vừa "chạm mặt" người xưa.

Điều cuối cùng, tôi nghĩ, người viết biên khảo cần sự trung thực, cẩn thận, trách nhiệm. Bởi vài mươi năm hay trăm năm sau, hậu thế sẽ soi rọi vào những trang viết của mình để làm căn cứ khi nghiên cứu lịch sử, văn hóa một vùng đất. Mình làm ẩu hay sai sót là có tội với tiền nhân, có lỗi với hậu thế.

 Năm mới, ông có công trình biên khảo nào mới để ra mắt độc giả?

- Tôi đã hoàn thành bản thảo cuốn "Cần Thơ phố cũ nét xưa", dự kiến sẽ ra mắt vào dịp Hội sách Cần Thơ lần thứ II- năm 2017. Đây là cuốn sách tôi khá tâm huyết với mong muốn giới thiệu nét đẹp truyền thống ở một đô thị hiện đại như Cần Thơ. Những nét xưa giữa lòng phố, những dãy nhà, công trình ghi dấu thời gian vẫn "trơ gan cùng tuế nguyệt"… sẽ được giới thiệu trong cuốn sách này.

 Xin cám ơn ông! 

ĐĂNG HUỲNH (thực hiện)

Chia sẻ bài viết