31/01/2009 - 09:41

Ông Lê Văn Chải – Giám đốc Nhà hát Tây Đô:

Nhà hát Tây Đô sẽ sáng đèn thường xuyên

 

Sau hơn một năm chính thức hoạt động (thành lập vào tháng 9-2007), dù gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, kinh phí và nhân lực, Nhà hát Tây Đô (rạp Hậu Giang cũ) đã có những đóng góp đáng ghi nhận vào đời sống văn hóa của TP Cần Thơ. Những ngày đầu năm Kỷ Sửu 2009, nhân dịp Nhà hát vừa hoàn thành đợt sửa chữa lớn, PV Báo Cần Thơ đã có cuộc trò chuyện với ông Lê Văn Chải, Giám đốc Nhà hát Tây Đô.

* Thưa ông, sau thời gian chờ đợi, Nhà hát Tây Đô đã có “bộ mặt mới” và sẽ “trình làng” những gì?

- Đêm mùng 9 Tết, nhằm ngày 3-2-2009 tới đây, Nhà hát Tây Đô sẽ chính thức sáng đèn. Mở đầu sẽ là chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 79 năm thành lập Đảng. Đây sẽ là chương trình giới thiệu lực lượng của riêng Nhà hát và giao lưu giữa các đoàn cải lương và ca múa nhạc ĐBSCL. Đêm ra mắt lần này không chỉ đơn thuần khánh thành Nhà hát, mà còn giới thiệu với khán giả Cần Thơ nói riêng và các đoàn nghệ thuật bạn một điểm biểu diễn nghệ thuật hiện đại, nghiêm túc, góp phần khẳng định vị thế trung tâm về văn hóa ở khu vực của TP Cần Thơ.

 Vở cải lương “Lan và Điệp” diễn tại Nhà hát Tây Đô. Ảnh: TƯỜNG VI

Nối tiếp ngay sau mùng 9 Tết, các đoàn nghệ thuật của TP Cần Thơ và vùng ĐBSCL như Cải lương Tây Đô, Ca múa kịch Lưu Hữu Phước, Đoàn Nghệ thuật Quân khu 9, Đoàn cải lương Tiền Giang, Long An, Hương Tràm (Cà Mau), Cao Văn Lầu (Bạc Liêu)... sẽ luân phiên diễn đến ra Giêng.

* Dù kinh phí đầu tư còn khiêm tốn, nhưng đó cũng là cố gắng lớn của thành phố. Xin ông cho biết Nhà hát Tây Đô đã có những chuẩn bị như thế nào để phát huy cơ sở vật chất mới?

- Cách đây hơn một năm, Nhà hát Tây Đô chỉ có Đoàn cải lương Tây Đô là khá ổn định về nhân sự và phương thức hoạt động. Năm qua, chúng tôi đã hình thành xong “bộ khung” quản lý và các phòng nghiệp vụ chuyên môn. Đoàn Ca múa kịch Lưu Hữu Phước cũng dần “nên vóc nên hình” với hơn 20 nhân sự, gồm có đạo diễn, ban nhạc, diễn viên... hầu hết đều được đào tạo chính quy.

Trong một năm qua, Nhà hát đã tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao tay nghề cho lực lượng diễn viên. Đoàn cải lương Tây Đô có một lớp tập huấn kỹ năng ca diễn dài 45 ngày do NSƯT Bạch Tuyết phụ trách theo kiểu “nghề truyền nghề”, giúp lực lượng trẻ đoàn cải lương Tây Đô nhanh chóng nâng trình độ ca diễn lên. Thí dụ như đào chánh Ngọc Nhung của đoàn đã tổ chức live show riêng hồi cuối năm 2008 khá thành công. Đoàn Ca múa kịch Lưu Hữu Phước tuy hoạt động trong tình thế không lương, không kinh phí, nhưng anh em trong đoàn đã đồng lòng cùng nhau dàn dựng được nhiều chương trình và tiết mục mới, biểu diễn phục vụ gần 40 buổi; đoàn còn tự tổ chức làm phục trang, đạo cụ, cảnh trí... bên cạnh việc nâng cao hiệu quả biểu diễn, tạo uy tín và “thương hiệu” để phát triển theo hướng cung ứng dịch vụ sau này. Đoàn cũng đã đại diện Cần Thơ tham dự Lễ hội Đền Hùng tại Phú Thọ và đoạt giải nhất trong số 30 đoàn nghệ thuật tham dự Lễ hội.

* Ông có thể cho biết Nhà hát sẽ làm gì để liên tục sáng đèn?

- Nhớ lại năm qua, dù cơ sở vật chất phải nói là “ọp ẹp”, Nhà hát có những buổi diễn thu hút đông đảo khán giả đến mức đã xuất hiện “vé chợ đen” trước lúc mở màn hai buổi công diễn vở cải lương “Lan và Điệp” và “Người nhà quê”. Thế nhưng, hai vở diễn đều có tăng cường nghệ sĩ từ TP Hồ Chí Minh và có sự hỗ trợ về tổ chức, vận động tài trợ của Đài PTTH Hậu Giang. Điều này cho thấy trước mắt Nhà hát Tây Đô vẫn cần sự phối hợp hoạt động của các đài PTTH để thu hút tài trợ và quảng bá hình ảnh – hai bước đầu tiên trong quá trình xã hội hóa hoạt động Nhà hát. Song song đó, Nhà hát vẫn sẽ mời các nghệ sĩ ngôi sao từ TP Hồ Chí Minh về cùng diễn để tạo sức hút cho Nhà hát và quan trọng nhất là giúp các diễn viên có điều kiện học hỏi và cọ xát. Nhà hát Tây Đô phấn đầu từng bước trở thành tụ điểm biểu diễn nghệ thuật quen thuộc trong đời sống tinh thần của người Cần Thơ.

Về lâu dài, chúng tôi sẽ tính đến việc tổ chức các chương trình ca nhạc, chính kịch, hài kịch ổn định tại Nhà hát. Muốn làm được như vậy, cần có chiến lược đào tạo nguồn nhân lực, thu hút nhân tài, tổ chức nghiên cứu chuyên sâu để có nguồn kịch bản, tác phẩm phong phú và đa dạng.

* Xin cảm ơn ông!

Tường Vi (thực hiện)

Chia sẻ bài viết