03/02/2009 - 10:23

Nguyện phấn đấu làm theo lời Bác dạy

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm chăm lo giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên... Thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, nhiều cán bộ, đảng viên luôn nỗ lực học tập, lao động, phấn đấu rèn đức luyện tài để hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

1. Nhiều năm qua, cô giáo Nguyễn Thị Đèo (1974), Bí thư Chi bộ Trường Tiểu học Lộ Vòng Cung, huyện Phong Điền, luôn xem những lời dạy của Bác Hồ là ngọn đuốc soi đường để phấn đấu học tập và rèn luyện. Nói về cô Nguyễn Thị Đèo, nhiều giáo viên cùng trường khẳng định sự quyết tâm, tinh thần vượt khó và cầu tiến của cô luôn là tấm gương sáng để các đồng nghiệp noi theo.

 Cô giáo Nguyễn Thị Đèo luôn gắn bó với các em học sinh.

Xuất thân trong một gia đình nghèo, ít ruộng đất, đông anh chị em, cha mẹ lại già yếu, nên cô Đèo không có điều kiện theo học đại học, cao đẳng như bạn bè. Năm 1993, sau khi tốt nghiệp THPT, cô Đèo tham dự lớp sư phạm cấp tốc của huyện rồi đi dạy. Thời điểm này, đời sống giáo viên hết sức khó khăn, một số giáo viên đã bỏ nghề đi làm kinh tế, nhưng cô Đèo vẫn nỗ lực vượt khó, bám trường, bám lớp, chăm bồi cho thế hệ mai sau bằng tất cả tâm huyết và lòng say mê. Để giảng dạy tốt, cô Đèo luôn chịu khó học tập kinh nghiệm từ đồng nghiệp, dự giờ, rút kinh nghiệm tiết giảng, làm đồ dùng dạy học. Tranh thủ thời gian rảnh, cô đến các nhà sách, thư viện tìm tài liệu nghiên cứu để tự nâng cao trình độ. Đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa, năm 1996, vừa đi dạy, cô Đèo vừa tham gia học chương trình Cao đẳng Tiểu học. Đến năm 2005, dù đứa con đầu lòng mới hơn 2 tuổi, cô Đèo vẫn sắp xếp việc gia đình, tiếp tục học chương trình đại học.

Cô bộc bạch: “Bác từng dạy: Các thầy cô giáo cũng như những trí thức khác là lao động trí óc. Lao động trí óc thì phải biết sinh hoạt của nhân dân, nếu chỉ giở sách đọc thì không đủ. Phải yêu dân, yêu học trò, gần gũi cha mẹ học trò. Ghi nhớ lời dạy của Người, trong quá trình giảng dạy, tôi luôn chú trọng đổi mới phương pháp, chú ý khả năng tiếp thu bài của học sinh, đặc biệt là những em có học lực yếu để xây dựng kế hoạch phụ đạo, dạy kèm. Đặc biệt, tôi luôn giữ mối quan hệ tốt với phụ huynh, nhằm quản lý, giáo dục các em phát triển toàn diện”. Nhờ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, nên tỷ lệ học sinh giỏi, khá ở lớp cô Đèo thường chiếm tỷ lệ rất cao. Riêng học 2007-2008, lớp cô Đèo làm chủ nhiệm có trên 80% học sinh khá, giỏi, không có học sinh thi lại và ở lại lớp. Nhiều năm liền cô được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp thành phố.

Với vai trò là Bí thư Chi bộ, cô Đèo tập trung cải tiến lề lối làm việc, nâng cao chất lượng sinh hoạt lệ và chất lượng đảng viên. Cô kể: “Trong các buổi họp lệ, Chi bộ thường đọc tài liệu, các lời dạy và mẩu chuyện về Bác Hồ, tổ chức tọa đàm sau các đợt triển khai thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Qua những câu chuyện về Bác đã tác động sâu sắc đến tư tưởng, quan điểm lập trường của từng cán bộ, đảng viên về cần, kiệm, liêm, chính...”. Tại Chi bộ, việc triển khai Cuộc vận động gắn liền với việc xây dựng đơn vị trong sạch vững mạnh, chấn chỉnh lề lối làm việc, thường xuyên giám sát, kiểm tra, kịp thời uốn nắn những hạn chế, thiếu sót... Các đảng viên trong Chi bộ thường xuyên thực hiện công tác tự phê bình và phê bình trên tinh thần xây dựng giúp nhau cùng tiến bộ, mỗi đảng viên luôn phấn đấu rèn luyện để vững vàng về tư tưởng chính trị, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ. Năm 2008, Chi bộ có 10/11 đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ, 1 đảng viên hoàn thành nhiệm vụ; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ dạy và học. Với nỗ lực đó, năm 2008, cô Nguyễn Thị Đèo được tặng Huy hiệu thực hiện tốt Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

* * *

2. Nối tiếp truyền thống gia đình, năm 2002, sau khi tốt nghiệp đại học, Phạm Thanh Quỳnh (sinh năm 1977), vào phục vụ trong ngành công an. Quỳnh kể: “Bài học đầu tiên mà cha tôi vẫn thường nhắc nhở tôi là 6 điều Bác Hồ dạy công an nhân dân. Tôi đã xem đó là kim chỉ nam trong mọi hoạt động của mình. Sau này, biết nhiều về những tấm gương công an chiến đấu anh dũng, được chi bộ, lãnh đạo phòng quan tâm giúp đỡ, giáo dục, tôi càng hiểu sâu sắc hơn về lý tưởng cao đẹp của Đảng, của ngành, từ đó càng ra sức phấn đấu, rèn luyện, khắc phục tư tưởng ngại khó, ngại khổ...”.

Thượng úy Phạm Thanh Quỳnh. 

Từ sự thấm nhuần lời dạy của Bác, đảng viên trẻ, Thượng úy Phạm Thanh Quỳnh, hiện là điều tra viên Đội Hướng dẫn điều tra án kinh tế, Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC15), Công an thành phố, đã không ngừng phấn đấu, rèn luyện. 7 năm công tác trong ngành, Thượng úy Quỳnh đã trực tiếp tham gia điều tra nhiều vụ án phức tạp, nghiêm trọng, với các tội danh: Cố ý làm trái, lập quỹ trái phép, thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng, tham ô, nhận hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mua bán hóa đơn giá trị giá tăng, mua bán vận chuyển, chứa chấp hàng cấm, hàng nhập lậu... góp phần vào thành tích chung của đơn vị. Nói về công việc của mình, Quỳnh kể: “Tham gia điều tra các loại tội phạm kinh tế là một việc làm rất khó khăn, phức tạp, các đối tượng phạm tội thường có mối quan hệ rộng rãi, nhiều tiền, nhiều thủ đoạn, mánh khóe tinh vi. Muốn đấu tranh, đòi hỏi người cán bộ công an phải vững vàng nghiệp vụ, có bản lĩnh, cương quyết và khôn khéo”. Cụ thể như năm 2008, khi Quỳnh tiến hành điều tra vụ “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” qua mạng Colony, các đối tượng đã giở thủ đoạn, hối lộ 10 triệu đồng để mua chuộc. Nhưng với tinh thần liêm chính, chí công vô tư, Quỳnh đã kiên quyết không nhận hối lộ, không để bọn tội phạm mua chuộc chạy tội.

Cùng với việc tham gia phá án, là đảng viên trẻ sinh hoạt Đoàn, Quỳnh luôn năng nổ, đi đầu trong các phong trào hành động cách mạng, như: xây dựng cầu giao thông nông thôn, đắp và gia cố đập, đường giao thông bị sạt lở, hiến máu nhân đạo... Nhất là thời gian gần đây, Quỳnh cùng nhiều ĐVTN tích cực tuyên truyền pháp luật trong dân, xây dựng công trình thanh niên “Xóa tụ điểm chứa chấp, mua bán hàng cấm, hàng nhập lậu” ở phường Cái Khế và phường Thới Bình, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, tổ chức cho nhân dân tại các khu vực này ký cam kết không mua bán, chứa chấp hàng cấm, hàng ngoại nhập lậu, vận động, cảm hóa để các đối tượng chuyển sang nghề lương thiện. Qua công tác tuyên truyền giáo dục, tăng cường nắm tình hình, đấu tranh có hiệu quả đã làm giảm rõ rệt tình trạng mua bán chứa chấp hàng cấm, hàng nhập lậu trên địa bàn các phường.

So với nhiều đồng nghiệp, Quỳnh còn ít tuổi đời lẫn tuổi nghề nhưng đã có bề dày thành tích, nhiều năm liền được công nhận là chiến sĩ tiên tiến, được Ban Giám đốc tặng giấy khen có thành tích xuất sắc trong công tác điều tra và được bình chọn là 1 trong 118 tấm gương điển hình thực hiện tốt Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Thượng úy Phạm Thanh Quỳnh bộc bạch: “Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, mỗi cán bộ chiến sĩ công an phải nỗ lực không ngừng học tập, nâng cao trình độ về mọi mặt”. Hiện Quỳnh đang tiếp tục theo học đại học Luật (bằng 2) và tin học, ngoại ngữ, chuyên môn nghiệp vụ... để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

* * *

3. “Thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” chính là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên tự soi lại bản thân mình, từ đó ra sức tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu xứng đáng là “người đầy tớ của nhân dân”. Với tôi, được chọn để nhận danh hiệu đảng viên tiêu biểu thực hiện tốt Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” là một vinh dự cả đời tôi không thể quên được”. Đó là tâm sự của chú Trần Hùng Hải (1942), Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều.

Năm 18 tuổi, chú Trần Hùng Hải đã thoát ly gia đình đi bộ đội. Sau ngày giải phóng, chú Hải chuyển ngành sang lĩnh vực kinh tế, tiếp tục góp sức mình xây dựng quê hương trong thời kỳ đổi mới. Năm 2003, ở tuổi 61, chú Hải về hưu. Dù được nghỉ hưu, nhưng chú luôn năng nổ nhiệt tình đi đầu trong các phong trào do địa phương phát động, được tập thể đảng viên và quần chúng nhân dân tin tưởng, quí mến. Năm 2004, chú Hải được bầu làm Phó Bí thư Đảng ủy Đảng bộ bộ phận khu vực 2, phường Hưng Lợi. Khi đó, tại khu vực 2, đường sá xuống cấp, lởm chởm ổ gà, nhiều tuyến hẻm chưa có điện thắp sáng... Để đáp ứng yêu cầu đô thị hóa, chú và các đảng ủy viên của Đảng bộ bộ phận khu vực 2 tập trung phát huy vai trò nòng cốt, tiền phong gương mẫu của từng đảng viên trong công tác vận động quần chúng đóng góp xây dựng địa phương.

 Chú Trần Hùng Hải.

Đi tham quan một số tuyến hẻm trên địa bàn khu vực 2, phường Hưng Lợi, chúng tôi cảm nhận sự đổi thay rõ nét, nhiều tuyến hẻm trước kia lầy lội đã được mở rộng, nâng cấp, tạo cảnh quan môi trường thông thoáng, sạch sẽ. Nhiều bà con khu vực 2 kể: Trong việc nâng cấp hẻm, chỉnh trang đô thị, bất kỳ công trình lớn hay nhỏ, chú Hải đều tổ chức họp dân, lấy ý kiến, tạo sự thống nhất cao trong dân. Những công trình cần huy động sức dân đóng góp nhiều, chú đích thân cùng ban vận động đến từng hộ nhà dân vận động, quyên góp tiền. Riêng những hộ nghèo, cận nghèo, chú chỉ đạo cán bộ khu vực tổ chức họp dân để người dân bình nghị từng trường hợp và đề ra mức miễn giảm cho hợp lý. Nhờ kiên trì vận động, bà con dần hiểu được ý nghĩa và lợi ích của việc làm lộ, nên đồng thuận với chính quyền địa phương. Trong 5 năm qua, nhân dân khu vực 2 đã đóng góp trên 1 tỉ đồng để chỉnh trang, nâng cấp hẻm. Có được hẻm đẹp, chú tiếp tục vận động bà con làm hàng rào cây xanh, quét dọn giữ vệ sinh môi trường, phát động phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, vận động người lớn sống mẫu mực, con cháu hiếu thảo, góp phần giữ vững danh hiệu khu vực văn hóa trong nhiều năm qua.

Tháng 9-2006, chú Hải chuyển về công tác ở phường, giữ chức vụ Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường. Chú tiếp tục vận động vận động nhân dân xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương, tiền ủng hộ trẻ em nghèo mồ côi... Nhiều cán bộ đoàn thể phường Hưng Lợi kể: “Không những tận tụy mà trong công việc bao giờ chú Hải cũng chú trọng quyền lợi của nhân dân, hội viên, đoàn viên... Chú thường khuyên cán bộ cơ sở thì phải gần dân, sát dân, cùng nhân dân chia sẻ những khó khăn thì mới có thể làm tốt công tác được”. Để khơi dậy phong trào, chú Hải thường xuyên đi xuống khu vực, các chi, tổ Hội nắm bắt tâm tư nguyện vọng của hội viên, từ đó chỉ đạo các đoàn thể xây dựng các phong trào, mô hình thiết thực vừa đáp ứng yêu cầu hội viên vừa góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương. Thấy chú tuổi cao, nhiều người khuyên chú nên dành thời gian nghỉ ngơi, nhưng chú cười, nói: “Đời sống bà con mình còn khó khăn, cán bộ cơ sở làm được việc gì giúp dân thì cứ tranh thủ mà làm. Được nhân dân tin tưởng, tôi nguyện sẽ tiếp tục cống hiến sức mình góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển”.

* * *

4. Dáng người mảnh mai, tính tình vui vẻ, ứng xử mềm mỏng, thế nhưng khi bắt tay vào việc, chị Nguyễn Thị Hồng, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Trường Thành, huyện Cờ Đỏ, thuộc “týp” người xốc vác, giàu nghị lực và quyết đoán. Tôi còn nhớ, Tết quân dân năm 2008 được tổ chức tại xã Trường Thành, hễ bộ đội hành quân đến đâu thì chị Hồng có mặt ở đó, khi thì cùng bộ đội đào đất đắp đường, khi đảm nhận công tác hậu cần, tiếp viện lương thực cho anh em, lúc thì trực tiếp “chỉ huy” các hội viên chuẩn bị nếp thơm, đậu, thịt... gói bánh đãi bộ đội.

Chị Nguyễn Thị Hồng. 

Những ngày đầu năm, có dịp trở lại xã Trường Thành, chúng tôi cùng chị Hồng đi thăm một số hội viên vừa thoát nghèo. Đến đâu, chị cũng ân cần thăm hỏi chuyện làm ăn, chuyện học hành của bọn trẻ. Chị Hồng tâm sự: “Bác Hồ từng dạy: Phụ nữ cũng là người chủ nước nhà. Để xứng đáng là người chủ thì chị em phải ra sức tăng gia sản xuất... Là người cán bộ Hội Phụ nữ, tôi nguyện không ngừng phấn đấu học tập, tìm tòi xây dựng nhiều mô hình thiết thực để hỗ trợ chị em tăng gia sản xuất, vươn lên thoát nghèo, góp phần xây dựng xã hội phồn vinh, gia đình hạnh phúc... như Bác từng mong muốn”. Với nhận thức đó, thời gian qua, Hội phụ nữ xã đã kết hợp với ngành nông nghiệp đẩy mạnh công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật, thu hút nhiều chị em tham gia học tập kinh nghiệm, từng bước cải tạo vườn tạp, hình thành những vườn cây ăn trái đặc sản, xây dựng các mô hình nuôi trồng thủy sản, ươm cây con, trồng hoa kiểng...

Năm 2007, khi triển khai thực hiện Cuộc vận động: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, chị Hồng chỉ đạo các Chi hội đẩy mạnh các phong trào thi đua, đặc biệt là phong trào tăng gia sản xuất, hỗ trợ nhau xóa đói giảm nghèo với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, như: Thành lập các tổ hùn vốn, nhóm phụ nữ tiết kiệm, hỗ trợ cây, con giống, ngày công lao động, vốn... Chỉ tính trong năm 2008, chị Hồng đã xây dựng nhiều dự án, giới thiệu cho trên 380 lượt hội viên vay hơn 2 tỉ đồng để phát triển kinh tế gia đình... qua đó đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo, đáp ứng nhu cầu nguyện vọng của chị em phụ nữ. Song song đó, chị Hồng còn phát động phong trào thực hành tiết kiệm, tạo cho hội viên có ý thức quản lý tốt chi tiêu trong gia đình, tham gia nuôi heo đất, ủng hộ người nghèo. Từ nguồn tiền các hội viên tiết kiệm được, Hội đã tổ chức trao nhiều suất học bổng, tặng tập sách, quần áo... tạo điều kiện cho học sinh nghèo đến trường, hỗ trợ các hội viên có hoàn cảnh khó khăn đột xuất. Cụ thể như trường hợp chị Đ.T.T, chồng mất sớm, con còn nhỏ, cuộc sống rất khó khăn. Năm qua, chị T. bị bệnh nặng, phải nhập viện điều trị. Từ nguồn quỹ nuôi heo đất, các chị đã hỗ trợ chị T. 400.000 đồng, phụ giúp chị lúc khó khăn. Để công tác xóa đói giảm nghèo đạt hiệu quả cao, Hội Phụ nữ còn phối hợp với các ban, ngành liên quan thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nữ ở nông thôn. Từ những hoạt động thiết thực nhiều chị em đã có nghề, có vốn đầu tư để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Năm 2008, Hội phụ nữ xã được công nhận là đơn vị xuất sắc. Riêng chị Nguyễn Thị Hồng được tặng Huy hiệu thực hiện tốt Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

* * *

Không riêng cô Đèo, chú Hải, chị Hồng, Thượng úy Quỳnh mà còn rất nhiều cán bộ, đảng viên ở khắp các địa phương, đơn vị đã phấn đấu thực hiện tốt lời Bác dạy, nỗ lực trong học tập, lao động, công tác, cống hiến sức mình để phục vụ cho quê hương ngày càng giàu đẹp.

Bài, ảnh: SỸ KHANG

Chia sẻ bài viết