08/08/2017 - 09:24

Nguy cơ tàn phế của người đái tháo đường

Nhiều bệnh nhân đái tháo đường không hay bản thân mắc bệnh, đến khi xuất hiện nhiều biến chứng, điển hình như loét bàn chân. Cùng với việc điều trị chậm trễ, chăm sóc vết thương chưa đúng cách, nhiều trường hợp bệnh nhân buộc phải đoạn chi, ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống.

Vết loét nhỏ, hậu quả lớn

Đến Khoa Nội tiết Bệnh viện (BV) Đa khoa TP Cần Thơ, không khỏi ái ngại cho nhiều bệnh nhân đái tháo đường bị biến chứng loét bàn chân. Cô Nguyễn Thị H. (64 tuổi, ở tỉnh Vĩnh Long) không biết mắc bệnh đái tháo đường từ khi nào. Trong một lần vấp chân vào thềm nhà, cô chỉ thấy hơi đau, chân có vết xước nhỏ nên bỏ qua không quan tâm. Gia cảnh khó khăn, bận rộn với cuộc mưu sinh, đến khi ngón chân cái thâm đen, cô H. đến phòng mạch tư tiêm thuốc, rồi vào BV Đa khoa huyện điều trị vẫn không khỏi. Khi đến BV Đa khoa TP Cần Thơ, các bác sĩ buộc phải tháo ngón cái bàn chân để tránh tình trạng nhiễm trùng.

Bác sĩ Lưu Ngọc Trân – Phó Trưởng Khoa Nội tiết thăm hỏi sức khỏe bệnh nhân.

Bác sĩ Lưu Ngọc Trân – Phó Trưởng Khoa Nội tiết thăm hỏi sức khỏe bệnh nhân.

Bác sĩ Lưu Ngọc Trân, Phó Trưởng Khoa Nội tiết cho biết: “Mặc dù đã tháo ngón nhưng mỏm cụt ngón chân cái của bệnh nhân H. vẫn chưa lành, còn tiết dịch và hoại tử đen vì bệnh nhân bị biến chứng mạch máu của bệnh lý đái tháo đường. Mạch máu từ cẳng chân đến bàn chân bị xơ vữa gây hẹp nặng nên thiếu máu nuôi bàn chân. Trường hợp này nếu bệnh nhân được can thiệp phẫu thuật bắc cầu mạch máu mỏm cụt sẽ lành. Trước mắt bệnh nhân được chăm sóc vết thương tại chỗ, nếu bệnh nhân có điều kiện kinh tế, bác sĩ hướng dẫn lên tuyến trên điều trị bảo tồn; nếu không sẽ tiếp tục chăm sóc vết thương và theo dõi. Khi mỏm cụt hoại tử rộng ra kèm theo dấu hiệu nhiễm trùng thì nguy cơ đoạn chi rất cao”.  

Ở một phòng bệnh khác của Khoa Nội tiết, hai bệnh nhân đái tháo đường bị biến chứng loét bàn chân vừa trải qua cuộc phẫu thuật đoạn cẳng chân. Ông Ng. V. S. (76 tuổi, ở quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) bị muỗi cắn hơn 1 tháng trước, ông gãi nên bị trầy xước, vết sướt loét lan dần gây hoại tử. Đến khi vô bệnh viện, các bác sĩ xác định tình trạng tắc mạch máu chân, không điều trị được, buộc phải đoạn chi. Giường bên cạnh, cụ bà Ng. Th. M. (74 tuổi, ở tỉnh Hậu Giang) đang nằm thiêm thiếp ngủ. Con dâu Nguyễn Thị Chúc Loan cho biết, bà cụ không may trượt chân, bị xương cá đâm vào gót chân, hai tuần sau, vết thương gót chân chảy nhiều dịch mủ đục nên gia đình đưa cụ nhập viện BV Đa khoa TP Cần Thơ phẫu thuật.

Cần điều trị đúng cách

Bác sĩ Lưu Ngọc Trân cho biết, rất nhiều trường hợp bệnh nhân bị biến chứng nặng khi BV tuyến dưới chuyển lên, do các đơn vị y tế cơ sở chưa đánh giá đúng tình trạng của bệnh nhân đái tháo đường ở mức độ nào. Chưa kể nhiều người bệnh không đến BV mà đi tiêm thuốc ở các phòng mạch tư, nhưng không hiệu quả. Nhiều trường hợp tổn thương nặng, vết thương làm hoại tử cả gót và bàn chân, không thể điều trị chăm sóc tại chỗ được nữa và bắt buộc phải đoạn chi, cắt bỏ 2/3 dưới cẳng chân. Trường hợp nhẹ hơn thì cũng mất thời gian điều trị rất lâu.

Theo bác sĩ Trân, phần lớn bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 khi nhập viện  thường đã có một hoặc nhiều hơn các biến chứng mạn tính như: biến chứng về tim mạch, mắt, thận, thần kinh và mạch máu ngoại biên. Nếu bệnh nhân không được kiểm soát đường huyết tốt, dễ gặp biến chứng thần kinh với các triệu chứng như tê chân, châm chích, cảm giác đau rát bỏng bàn chân, cảm giác điện giật, cảm giác đau sâu bên trong, tăng cảm giác khi sờ và nặng hơn cả là mất cảm giác đau.

Có nhiều người không biết mắc bệnh đái tháo đường vì bệnh diễn tiến âm thầm, đến khi biến chứng nặng thì việc điều trị rất khó khăn, kém hiệu quả. Do vậy, khi bệnh nhân đái tháo đường có vết loét bàn chân hay các dấu hiệu như chân bị sưng, có vết tụ mủ, đổi màu sắc da bàn chân, các vết thương nhỏ hay trầy xước lâu ngày không lành, bàn chân có nhiều nốt chai, da chân khô nứt,… nên đi khám bệnh ngay tại các tuyến y tế có chuyên khoa sâu về bàn chân đái tháo đường để được điều trị đúng và kịp thời.

Để phòng tránh biến chứng loét bàn chân ở bệnh nhân đái tháo đường, bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân nên giữ gìn vệ sinh bàn chân, rửa chân bằng nước với xà bông có độ PH trung tính (PH=5,5) ít nhất một lần mỗi ngày, để khô và lau kỹ bằng khăn mềm; bôi kem giữ ẩm đối với da bàn chân khô (kem Biafine, Bridge Heel Balm, Hazeline,…); theo dõi bàn chân có vết trầy xước; mang giày, dép vừa vặn, mềm bảo vệ bàn chân; nên mua giày hoặc dép vào buổi chiều, lúc chân đã lớn hơn vào buổi sáng và loại giày cột dây để dễ dàng nới lỏng hay siết chặt theo ý muốn. Kiểm soát đường trong máu chặt chẽ; bỏ thuốc lá nếu đang hút…

Người bệnh không nên làm một số điều như: cắt móng chân quá sâu; ngâm chân trong nước quá lâu khi rửa chân; ngồi lâu một chỗ; đi chân trần; tự cắt, chích lể các vết chai, vết xước hay bóng nước, mụn nhọt ở bàn chân; hơ nóng bàn chân trên bếp lửa, than hồng hoặc bóp rượu xoa cồn, xoa dầu nóng khi cảm thấy lạnh và tê bàn chân; bôi thuốc mỡ vào giữa các ngón chân… 

Bài, ảnh: Thu Sương

Chia sẻ bài viết