20/04/2023 - 09:54

Người tri ân và tái hiện vẻ đẹp sông nước miệt vườn 

PHAN TẤN HルNG

Bìa tập thơ “Cắt dọc mùi hương” của Huỳnh Thị Quỳnh Nga.

Khi Hunh Th Qunh Nga góp mt thi đàn vi ging thơ khác l, đã nhanh chóng gây được s chú ý. Hai tp thơ đầu tay Trăng phc sinh (2021) và Ct dc mùi hương (2022) ca nhà thơ thế h 7x người Tin Giang được NXB Hi Nhà văn phát hành, đã to n tượng cho người đọc khi tái hin sinh động v đẹp sông nước mit vườn châu thổ sông Cu Long

Miền Tây Nam Bộ sông nước trù phú từng xuất hiện những gương mặt thơ nữ kỳ cựu đáng chú ý của các thế hệ như Song Hảo, Ngọc Phượng, Ðinh Thị Thu Vân, Nguyễn Lập Em, Trúc Linh Lan, Thu Nguyệt, Nguyễn Trà Giang, Trần Thái Hồng, Lê Thanh My, Vũ Thiên Kiều, Huỳnh Thúy Kiều… Gần đây, phái đẹp làm thơ ngày càng hiếm, có thể kể đến Lê Thị Ngọc Nữ, Huỳnh Thị Quỳnh Nga, Lê Ðỗ Lan Anh, Trúc Thanh, Nguyễn Kim Hương, Châu Mộng Thúy…

Trong đó, Huỳnh Thị Quỳnh Nga nổi lên như một cây bút giàu năng lượng và giọng thơ trẻ khá hiện đại. Chị sinh ra và lớn lên ở Cai Lậy, Tiền Giang tốt nghiệp ngành Kế toán tài chính Trường Ðại học Trà Vinh, hiện làm việc và lập gia đình ở quê hương. Vì sao một người gắn bó với những con số thực dụng lại “lao” vào thế giới mộng tưởng thi ca? Và thơ có ý nghĩa ra sao đối với cuộc sống của chị?

Khi đặt bút viết những dòng này tôi vẫn chưa được gặp Huỳnh Thị Quỳnh Nga. Qua điện thoại chị cho hay: “Trước đây tôi không nghĩ mình có thể làm được thơ. Nhưng đôi khi cuộc sống quá mỏi mệt, tôi tìm đến thơ như là cứu cánh tâm hồn. Ðọc rồi viết. Thơ như người bạn đặc biệt, không nói lời nào nhưng đủ hiểu mình nghĩ gì. Thơ là nơi tôi có thể gửi đi những thông điệp, những bí mật của cảm xúc cùng những khám phá mới tầng sâu của cảm thức. Những giác vị của cuộc sống tôi được gửi trọn vào thơ. Và tôi cảm thấy đời sống mình thú vị hơn”.

Có thể nói vẻ đẹp thi ca và năng lực sáng tạo tiềm ẩn trong tâm hồn Huỳnh Thị Quỳnh Nga. Ngược dòng thời gian châu thổ sông Cửu Long sinh trưởng nên mình, chị không sa vào kể lể hoài niệm mà tái hiện ký ức bằng lòng biết ơn, kiến văn nung nấu và sự liên tưởng độc đáo:

“Tôi về nghe nghìn năm đợi

Xôn xao những đóa mây hồng

Rơi xuống mùa thu thật khẽ

Nụ cười trong như mắt sông” (“Mắt sông”).

Không sống và thấu thị miền sông nước thì khó mà viết được câu thơ hay “Nụ cười trong như mắt sông”. Chất liệu thơ Huỳnh Thị Quỳnh Nga thật phong phú, đa dạng nhưng cơ bản vẫn trên nền tảng văn hóa miệt vườn. Cả những giấc mơ tưởng chừng vượt thoát vào vũ trụ huyền ảo thì cuối cùng đôi cánh thi sĩ cũng đáp xuống cõi mộng sinh thành. Những chất liệu cuồn cuộn như phù sa mà tinh tế, quyến rũ như hương lụa, cành sen “ẩn thoại” phận người:

“Nhẹ như hương lụa em cầm

Ðồng chiều thơm trên sóng bạc

Khói mùa vàng từ trăm năm

Tay ôm cành sen trước biển

Phận người như cỏ long chong”

(“Nhẹ như hương lụa em cầm”).

Văn hóa châu thổ sông Cửu Long kết tinh từ bước chân của bao thế hệ lưu dân khẩn hoang mở đất, chinh phục những cánh rừng bạt ngàn, những dòng sông mênh mông, dựng nên những cánh đồng bát ngát thẳng cánh cò bay. Gần gũi hơn, đó là hình bóng đấng sinh thành, kỷ niệm ấu thơ và nhịp sống thiên nhiên đất trời “Trôi trong hơi thở của lá” xanh mỗi ngày đi vào những cơn mơ thánh thiện trong thơ Huỳnh Thị Quỳnh Nga:

“Tôi hình dung một mùa lá chín

Trên đôi vai của mẹ

Trong màu mắt của cha

Thương nhớ mùa trầm hương bay đi

Tôi còn lại những hoài niệm cũ

Gõ vào nhịp phách của sông. Những niệm thức không tên.

Lắng nghe dòng thời gian xanh. Lắng nghe những cảm âm của sóng

Tôi thấy trong đôi mắt em. Mùa xuân và lộc biếc

Tôi mơ giấc mơ thơ dại. Trôi trong hơi thở của lá

Trôi trên những dòng sông có em

Lắng nghe. Những tia nắng vàng hát

Lắng nghe những cảm thức rất lạ”

(“Nghe những dòng sông hát”).

Sống ở thời số hóa mọi khuôn mẫu xưa cũ dần lùi vào dĩ vãng, nhưng đối với người sáng tạo không dễ hoàn toàn vượt thoát nếu như không có tài năng và bản lĩnh sáng tạo. Khi mà trong tâm khảm vẫn còn “Mùi khói đốt đồng rưng cay khóe mắt” với niềm tự hào “Thơm một đóa quê hương” và lòng biết ơn đối với nền văn hóa châu thổ sinh thành, cũng là quê hương văn học của mình, thì những giấc mơ thi ca của Huỳnh Thị Quỳnh Nga còn bay lên nhiều điều thú vị.

Chia sẻ bài viết