Theo Cục Thống kê, mức tăng chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 2008 so với tháng 6 2008 chỉ 1,13%. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định: Đây là kết quả sự nỗ lực của Chính phủ, các địa phương trong việc thực hiện nhiều giải pháp bình ổn thị trường, kiềm chế lạm phát từ cuối năm 2007. Tuy nhiên, đến ngày 21- 7-2008, mặt hàng xăng dầu được điều chỉnh tăng giá, người tiêu dùng, nhất là lao động nghèo, có thu nhập thấp càng phải chi xài tiết kiệm...
* Chỉ số giá tiêu dùng tiếp tục hạ nhiệt
Theo Cục Thống kê, hai tháng trước, chỉ số giá tiêu dùng của cả nước lần lượt là 3,91% và 2,14%. Tháng 7 này, chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng 1,13%. Mức tăng này được xem là thấp nhất kể từ đầu năm đến nay. Số liệu này chưa bao gồm tác động của đợt điều chỉnh giá nhiên liệu hơn 30% vừa qua.
Như vậy, đây là tháng thứ hai liên tiếp tốc độ tăng giá tiêu dùng của cả nước có dấu hiệu chững lại. Sở dĩ, tốc độ tăng giá tiêu dùng hạ nhiệt nhanh chóng như vậy chính là nhóm hàng lương thực, thực phẩm (vốn chiếm tới 42,8% trong cách tính chỉ số giá tiêu dùng) tăng rất nhẹ, chỉ tăng 0,99% ở trong tháng 7-2008. Trong đó, hàng lương thực giảm giá 0,36%, hàng thực phẩm tăng khoảng 1,33%. Các nhóm hàng hóa còn lại tăng từ 0,55-2%.
 |
Người tiêu dùng chọn mua thực phẩm tươi sống tại Trung tâm Thương mại Cái Khế. Ảnh: KHÁNH TRUNG |
Theo Cục thống kê TP Cần Thơ, trong tháng 7 2008, giá các loại lương thực, thực phẩm có tốc độ tăng chậm lại, vật liệu xây dựng, chất đốt biến động liên tục nhưng vẫn đứng ở mức cao. Từ ngày 10-6, các ngân hàng thương mại điều chỉnh lãi suất huy động và cho vay theo lãi suất cơ bản là 14%. Điều này khiến giá thành sản xuất sản phẩm của doanh nghiệp tăng và chính là nguyên nhân đẩy giá bán lẻ nhiều loại hàng hóa tiếp tục tăng. Đặc biệt, trong tháng 7 này, Bộ Y tế cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu thuốc, sản xuất thuốc trong nước được đăng ký kê khai lại giá thuốc. Chính vì thế, nhiều loại sản phẩm tân dược trên thị trường đã được điều chỉnh tăng giá từ 1% đến trên 10% so với mức giá bán của tháng 6... Những diễn biến này tác động tăng chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 7-2008 so với tháng 6-2008.
Tháng 7 -2008 cũng là tháng thứ 2 liên tiếp chỉ số giá tiêu dùng ở TP Cần Thơ tiếp tục hạ nhiệt, chỉ tăng 1,78% (mức tăng giá tiêu dùng của tháng 5 là 4,08% và tháng 6 là 3,6%) so với tháng 6-2008. Trong đó, các nhóm hàng hóa như: văn hóa, thể thao và giải trí, nhóm đồ uống và thuốc lá không tăng, không giảm so với tháng trước đó. Nhóm hàng thuốc và dịch vụ y tế tăng mạnh nhất từ trước đến nay, tăng 6,42% so với tháng 6-2008; kế đến là nhóm hàng thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 2,34%, hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng này cũng tăng 2,06%. Các nhóm hàng hóa còn lại được đưa vào tính chỉ số giá tiêu dùng tăng từ 0,03-1,67%.
Do “kết sổ” vào ngày 15 hàng tháng nên việc tăng giá xăng dầu vào ngày 21-7 và tác động dây chuyền từ “sự kiện” này chưa được cập nhật vào tốc độ tăng giảm của chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 7.
* Chi tiêu phải hợp lý
Từ 10 giờ sáng 21-7, giá xăng A92 là 19.000 đồng/lít, tăng 4.500 đồng/lít so với mức cũ. Các loại dầu cũng tăng từ 3.500- 6.100 đồng/lít.
Có lẽ, người tiêu dùng trong nước cũng như ở TP Cần Thơ không còn lạ lẫm gì với chuyện tăng giảm giá xăng dầu trong nước. Bởi tính luôn lần này thì từ tháng 5- 2005 đến nay, mặt hàng xăng dầu này đã có 13 lần được điều chỉnh giá. Trong đó có 9 lần được điều chỉnh tăng giá. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên giá xăng dầu, cụ thể là xăng A92 tăng cao nhất từ trước đến nay. Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, việc tăng giá xăng dầu bán lẻ trong nước lần này không loại trừ khả năng mặt bằng giá mới sẽ được hình thành. Người tiêu dùng, nhất là những người nghèo, người có thu nhập thấp bắt đầu tính chuyện tiêu xài tiết kiệm.
Anh Nguyễn Thành Dư, ngụ ở khu vực 3, phường An Khánh, TP Cần Thơ đang làm công nhân tại công trường xây dựng cầu Cần Thơ. Vợ anh thì mở một tiệm buôn bán tạp hóa nhỏ tại nhà. Cộng lại thu nhập của hai vợ chồng, một tháng chưa đầy 3 triệu đồng. Anh Dư tâm sự: “Sau khi giá xăng dầu tăng, nhiều chi phí khác cũng tăng theo. Như nước đá chẳng hạn, từ 16.000 17.000 đồng/cây giờ tăng lên 18.000 20.000 đồng/cây rồi. Hay như mấy ngày nay, một cuốc xe ôm ít còn chuyện 2.000 3.000 đồng như trước nữa, mà thấp nhất cũng từ 5.000 đồng trở lên... Mỗi thứ tăng một chút, cộng lại cũng là khoản đáng kể cho tiêu dùng hằng ngày của gia đình”. Chính vì thế, hai vợ chồng anh “hạ quyết tâm” tiết kiệm một cách triệt để như: giảm cử cà phê, tăng cường nấu ăn tại nhà, hạn chế đi ăn hàng quán, chuyển từ nấu nướng bằng ga sang nấu than, nấu củi... Thậm chí, vợ chồng anh còn cắt luôn tiền quà sáng cho đứa con trai 4 tuổi và ngầm qui định chỉ bật ti vi xem chương trình thời sự hay chương trình thật sự yêu thích...
Còn anh Trần Quang Nhựt từ huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, lên Cần Thơ làm công nhân xây dựng hơn năm nay. Trước đây, thường cuối tuần, anh mượn xe gắn máy của chủ thầu chạy về quê thăm vợ con. Tuy nhiên, khi hay tin xăng, dầu đồng loạt lên giá, anh phải tính toán lại chuyện về quê của mình. “Lúc xăng còn 14.500 đồng, một chuyến đi về tốn khoảng 40.000 đồng. Bây giờ tăng khoảng 10.000 đồng cho mỗi chuyến đi về. Một tháng ít về 3 lần, sẽ tiết kiệm được 150.000 đồng. Đây là số tiền đáng kể để trang trải chi phí học hành cho con tôi sắp tới”.
Nói về việc tiết kiệm đối phó với giá xăng dầu tăng, dì Bùi Ngọc Trâm Anh, buôn bán rau muống, cho biết: “Tôi và hai đứa nhỏ bây giờ đi bỏ rau muống cho các quán ăn bằng xe đạp rồi. Thử hỏi, buôn bán nhỏ như tụi tui, lời “3 cọc, 3 đồng” đủ trang trải chi phí hằng ngày cho gia đình là may lắm rồi. Bây giờ mà không có biết cách tiết kiệm chi tiêu thì tự mình làm khó thêm cho cuộc sống của mình mà thôi”.
Không chỉ riêng dì Anh, nhiều cán bộ, công chức tại các xã phường cũng đang rục rịch tính chuyện đi làm bằng... xe đạp. Và theo nhiều cán bộ, đây được đánh giá là giải pháp hữu hiệu nhất để tiết kiệm chi, ổn định cuộc sống gia đình trong tình hình hiện nay.
Bài, ảnh: Hà Triều
TRỢ LỰC CHO NGƯỜI NGHÈO, KHÓ KHĂN
Sau khi điều chỉnh giá xăng dầu, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiều giải pháp nhằm góp phần bình ổn cuộc sống người dân, nhất là người nghèo, khó khăn.
Theo đó, Nhà nước tiếp tục hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ thuộc diện chính sách, hộ nghèo, cận nghèo và ngư dân. Cụ thể, tiếp tục cấp bằng tiền tương đương 5 lít dầu hỏa/năm (dầu thắp sáng) theo giá mới cho các hộ là đồng bào dân tộc thiểu số, hộ thuộc diện chính sách và hộ nghèo ở những nơi chưa có điện lưới. Điều chỉnh tăng thêm mức hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho người nghèo và cận nghèo (từ 2% lương tối thiểu lên 3%); nâng mức hỗ trợ ngư dân theo mặt bằng giá mới. Tiếp tục nghiên cứu ban hành các chính sách hỗ trợ mới như bảo hiểm thất nghiệp, chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, chính sách hỗ trợ cho 60 huyện và điểm nghèo nhất thuộc 19 tỉnh.
|