11/06/2009 - 20:09

Đồng bằng sông Cửu Long

Người nuôi cá tra lại lâm vào cảnh cũ!

Trong khi thị trường xuất khẩu vẫn rộng mở, nhưng cá tra nguyên liệu lại liên tục bị rớt giá trong vài tuần nay. Hiện, nhiều người nuôi cá tra có cá tới lứa nhưng không bán được, còn giá cá thì đã rớt xuống dưới mức giá thành sản xuất...

GIÁ CÁ TRA GIẢM MẠNH

So với cách đây 1 tháng, giá cá tra nguyên liệu tại TP Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL đã giảm 800 – 1.600 đồng/kg. Giá cá tra nguyên liệu loại tốt (thịt trắng, trọng lượng 800g-1kg/con) đang ở mức 14.400-15.600 đồng/kg; còn cá loại xấu hơn chỉ còn 12.000 -14.200 đồng/kg.

Giá cá tra sụt giảm, nhiều hộ nuôi cá cố gắng cầm cự bằng cách cho cá ăn các loại thức ăn tự chế.  

Ông Dương Tấn Lộc, Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Thủy sản TP Cần Thơ, phản ảnh: “Hiện nay, sản phẩm cá tra Việt Nam vẫn đang được người tiêu dùng trên thế giới ưa chuộng. Thị trường tiêu thụ cá tra tiếp tục được mở rộng và sản phẩm cá tra của Việt Nam đã có mặt ở 135 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong khi đó, diện tích nuôi cá tra tại ĐBSCL đang giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước, do nhiều người treo ao hoặc giảm lượng ao nuôi. Riêng tại TP Cần Thơ, diện tích nuôi cá tra trong 5 tháng đầu năm 2009 là 972,6 ha, giảm 27% diện tích so với cùng kỳ năm trước, và sản lượng cá giảm 25% so với năm trước. Thế nhưng vài tuần nay, giá cá nguyên liệu tại ĐBSCL lại giảm xuống dưới mức giá thành sản xuất. Đây là một điều không công bằng đối với người nuôi cá”.

Theo nhiều nông dân, gần đây nhiều doanh ngiệp chế biến cá tra xuất khẩu cho rằng, do thiếu vốn đã không đẩy mạnh thu mua cá tra nguyên liệu làm cho giá cá bị giảm mạnh. Liệu có phải do các doanh nghiệp thiếu vốn hay đang cố tình “làm giá” để ép nông dân? Giá thành sản xuất cá tra đang ở mức 15.500 – 16.000 đồng/kg, với giá thu mua cá nguyên liệu của các nhà máy hiện nay người nuôi cầm chắc bị lỗ. Hiện nhiều nông dân nuôi cá tra rơi vào tình cảnh hết sức khó khăn. Cá tới lứa xuất bán lại không bán được, trong khi cạn kiệt nguồn vốn để duy trì đàn cá, các khoản nợ thì đến hạn thanh toán. Đi gõ cửa các ngân hàng để vay thêm tiền thì rất khó khăn. Trước tình hình đó, nhiều hộ dân phải vay tiền bên ngoài với lãi suất 40-50%/tháng để cầm cự. Đồng thời, không cho cá ăn mồi như trước đây mà chỉ cho cá ăn “cầm hơi” và chuyển sang sử dụng các loại thức ăn tự chế để tiết kiệm chi phí.

Ông Võ Văn Hải ở phường Thuận An, quận Thốt Nốt đang có 70.000 con cá tra tới lứa xuất bán, nhưng chưa bán được. Giá cá có khả năng còn giảm, trong khi mỗi ngày ông phải tốn 6 triệu đồng tiền thức ăn cho cá. Ông Võ Văn Hải, lo lắng: “Hổm rày, tôi kêu bán cá với giá 14.800 đồng/kg, với mức này tôi đã bị lỗ khoảng 1.000 đồng/kg cá, nhưng vẫn chưa có doanh nghiệp nào đến thu mua. Cá của tôi đã đạt trọng lượng 1kg/con, nếu để thêm một thời gian nữa tôi sợ cá vượt quá cỡ sẽ càng bị mất giá và khó bán”. Còn bà Lê Thị Thùy Linh ở ấp Lân 2, Trung Kiên, Thốt Nốt, cho biết: “Người nuôi cá đang cần vốn nhưng khi bán được cá lại không được doanh nghiệp thanh toán tiền liền, mà phải mất 1-2 tháng mới nhận được tiền. Trong khi đó, sau khi giá nhiều loại thức ăn công nghiệp nhích lên 200-300 đồng/kg so với tháng trước, thì hiện giá nhiều loại nguyên liệu làm thức ăn tự chế như: cám gạo, đậu nành, bột cá, cá biển... lại tăng 1.000-4.000 đồng/kg so với trước”.

Hiện nay, nhiều người nuôi cá có xu hướng thu hoạch cá xong thì tạm thời “treo ao” do thiếu vốn và quá chán nản với tình hình giá cá bấp bênh. Vì vậy đã làm cho giá các loại cá tra giống giảm rất mạnh và đang xảy ra tình trạng ứ đọng hàng vì không có người mua. Cá giống đang có mức giá rẻ hơn cá thịt và những người sản xuất cá giống cũng đang bị lỗ nặng. Giá thành sản xuất cá giống hiện khoảng 17.000-18.000 đồng/kg. Cách nay 1 tháng giá cá tra giống loại 1,5-2 phân ở mức 25.000-26.000 đồng/kg, giờ chỉ còn 13.000-14.000 đồng/kg. Ông Võ Văn Đệ ở khu vực Thới Bình B, phường Thuận An, quận Thốt Nốt, than thở: “Giá cá thịt đang giảm nhưng nhiều người hy vọng giá cá sớm tăng trở lại vì nghĩ nguồn cung giảm so với năm trước, nên cố cầm cự. Còn đối với con cá giống coi như thua trắng. Bầy cá giống 300.000 con của tôi hiện chưa bán được. Hiện nay tôi chỉ cho cá ăn cầm chừng vì không biết có lấy vốn lại được không? Tuy vậy, tôi cũng tốn chi phí thức ăn khoảng 400.000-500.000 đồng/ngày”.

CÒN NHIỀU BẤT CẬP !

Theo đánh giá của các ngành chức năng và các nhà chuyên môn, trong thời gian 10 năm qua, các tỉnh ĐBSCL đã khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế để phát triển nghề nuôi cá tra. Đến nay, đã hình thành một nghề có hiệu quả kinh tế cao, liên tục tăng trưởng qua các năm và sản phẩm nhanh chóng chiếm vị trí trên thị trường thế giới. Năm 2008, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm cá tra đạt gần 1,5 tỉ USD, chiếm hơn 30% tổng kim ngạch xuất khẩu ngành thủy sản. Con cá tra đã góp phần quan trọng trong giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, yếu kém của nghề nuôi cá tra tại ĐBSCL là còn tự phát, thiếu bền vững. Thiếu sự phối hợp và hợp tác trong các khâu từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu. Chưa có sự gắn kết giữa nông dân với doanh nghiệp, cũng như giữa nông dân với nhau và giữa các doanh nghiệp với doanh nghiệp. Trong khi đó, việc quản lý nhà nước trong sản xuất, tiêu thụ cá tra hiện nay còn nhiều bất cập: thiếu quy hoạch, kế hoạch và hệ thống thể chế pháp lý để quản lý, thúc đẩy phát triển bền vững, nhất là về chất lượng và giá con giống, thức ăn chăn nuôi, chế biến sản phẩm xuất khẩu và vệ sinh an toàn thực phẩm...

Giá cá tra nguyên liệu nhiều lúc có sự tăng giảm bất thường do sự “làm giá” giữa người bán và người mua. Lúc thiếu hàng thì người nuôi cá găm hàng lại để chờ giá tăng thêm, còn lúc chưa có nhu cầu hoặc thừa hàng thì doanh nghiệp chần chừ không chịu mua hàng nhằm ép giá giảm thêm. Thời gian qua, tình trạng nhiều nông dân nuôi cá bị vỡ nợ và thiếu nợ tiền tỉ, phải bán đất để trả nợ hoặc bỏ xứ đi nơi khác trốn nợ ngày càng nhiều...

Mặt khác, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra còn mạnh ai nấy làm ăn, chưa thống nhất với nhau về giá xuất nên giữa các doanh nghiệp có sự cạnh tranh nhau giảm giá khi chào hàng xuất khẩu nhằm tranh lấy khách hàng. Hệ quả là đã dẫn đến tình trạng doanh nghiệp quay lại ép giá người nuôi cá tra trong nước. Và đằng sau việc đua nhau giảm giá xuất khẩu hàng đã có dấu hiệu cho thấy một số doanh nghiệp buông lỏng yếu tố chất lượng và đã có không ít lô hàng bị trả lại do không đảm bảo chất lượng, gây hưởng đến uy tín sản phẩm cá tra Việt Nam.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Minh Đức, Trưởng bộ môn Quản lý và phát triển nghề cá, Khoa Thủy sản, Trường Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh, dù có những cố gắng nâng cao chất lượng sản phẩm cá tra trong nuôi trồng và chế biến, nhưng nhìn chung ngành sản xuất cá tra Việt Nam trong hơn 1 thập niên qua vẫn đang tập trung gia tăng sản lượng. Các báo cáo thành tích của các cơ quan chức năng cũng chỉ tập trung vào số lượng: như diện tích, sản lượng nuôi trồng, sản lượng chế biến và sản lượng xuất khẩu... Sự gia tăng về sản lượng là rất đáng trân trọng trong điều kiện cá tra Việt Nam phải đối đầu với nhiều thách thức. Nhưng đi kèm với sự tăng trưởng về sản lượng và số lượng thị trường lại là một sự suy giảm đáng kể về giá trị trên một đơn vị sản phẩm xuất khẩu. Cụ thể, tại thị trường Mỹ, giá cá tra xuất khẩu của Việt Nam đã liên tục giảm trong các giai đoạn từ năm 1999-2001 và từ năm 2002 - 2005. Giá xuất khẩu giảm tất yếu dẫn đến giá thu mua cá nguyên liệu cũng giảm...

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết