29/12/2019 - 09:17

Người già Trung Quốc tìm tình yêu chốn công viên 

Ngày càng có nhiều người già Trung Quốc góa vợ/chồng hoặc đã ly dị đến công viên để… tìm tình yêu.

Người già Trung Quốc thường tập trung tại công viên với hy vọng tìm được một nửa còn lại. Ảnh: NYT

Điển hình như trường hợp của Zhao Lin. Lâu nay quen với cuộc sống độc thân nhưng sự cô đơn đã thôi thúc cụ ông 78 tuổi này tìm kiếm một nửa còn lại. Đó cũng là lý do khiến cụ thường xuyên đến công viên. Song, công cuộc tìm kiếm tình yêu không dễ dàng. “Tôi đã tìm kiếm tình yêu cho mình hơn một năm nay. Nhưng đa phần các cuộc trò chuyện chỉ diễn ra chóng vánh, không có lần thứ hai. Họ sẽ khiến cho bạn hụt hẫng và không có bất kỳ hy vọng nào” – cụ Zhao buồn bã nói.

Trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc, hiện tượng này được xem là “tình yêu lúc xế chiều”. Đến nay, nhiều phòng trò chuyện dành cho người cao tuổi độc thân được lập nên, cũng như nhiều chương trình hẹn hò dành cho họ do các kênh truyền hình địa phương tổ chức. 

Ước tính cho thấy, các ca phơi nhiễm HIV ở những nam giới Trung Quốc từ 60 tuổi trở lên đã tăng gấp 3 lần kể từ năm 2012, buộc chính phủ hồi tháng 10 vừa qua phải công bố các biện pháp tăng cường giáo dục phòng chống AIDS dành cho người già.

Tuy nhiên, có lẽ không nơi nào có sức hấp dẫn bằng các công viên địa phương. Đơn cử như ở Thủ đô Bắc Kinh, người già thường lui tới Đền Thiên đường hay Công viên Changpuhe, nơi vào thứ ba và thứ bảy hàng tuần hơn 300 người từ 60 tuổi trở lên đến để tìm kiếm bạn đời. Trong khi đó, tại thành phố Trùng Khánh cũng có “góc mai mối” ở Công viên Hongyadong. Còn tại Tây An (tỉnh lỵ tỉnh Thiểm Tây), người cao tuổi vào thứ tư và thứ bảy hàng tuần đều tập trung ở Công viên Cách mạng.

Không giống như các cuộc mai mối dành cho người trẻ, nơi thông tin như tuổi tác, tình trạng gia đình, sức khỏe, thu nhập, tài sản và kỳ vọng của họ được viết lên bảng, người cao tuổi làm quen với nhau bằng cách khiêu vũ hoặc trò chuyện. Han Zhen, 60 tuổi, đến từ Ngũ Thường (tỉnh Hắc Long Giang), cho biết, bà muốn tìm một người chồng có thể hiểu và bầu bạn. “Không quan trọng ông ấy có nhà lầu, xe hơi hay quê quán ở đâu, miễn là ông ấy khỏe mạnh, có thu nhập ổn định và có nhà cho tôi ở, tôi sẽ chấp nhận ông ấy. Người già dễ bị các vấn đề về sức khỏe, vì vậy tốt hơn là nên có người bên cạnh trong trường hợp xảy ra những chuyện không hay. Con cái nhờ đó cũng đỡ phiền toái” - bà Han chia sẻ.

Cuộc khủng hoảng nhân khẩu học tại Trung Quốc được cho là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Năm 2018, Trung Quốc có 249,49 triệu người từ 60 tuổi trở lên, gần bằng một nửa dân số Liên minh châu Âu. Dân số già đồng nghĩa với việc có nhiều người sống thọ hơn vợ hoặc chồng của họ. Nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc phát hiện, lượng góa phụ và góa vợ tại nước này hiện lên tới gần 48 triệu người và dự báo sẽ tăng lên 118,4 triệu vào năm 2050. 

TRÍ VĂN (Theo NYT, China Daily)

 

 


 

 

 

 

Chia sẻ bài viết