Các bác sĩ Ấn Ðộ cho biết mặc dù cơ thể chúng ta có cơ chế đối phó căng thẳng tinh thần (stress), nhưng lối sống hiện đại - bao gồm làm việc liên tục, lạm dụng thiết bị điện tử - có thể làm tăng vọt mức cortisol, loại hoóc-môn chính chịu trách nhiệm quản lý stress. Ðáng lo là, mức cortisol cao có thể tổn hại đáng kể tới sức khỏe tổng thể.
Chế độ ăn uống cân bằng dưỡng chất có thể giúp kiểm soát hiệu quả nồng độ cortisol. Ảnh: Pexels
Vì sao cortisol quan trọng đối với cơ thể?
Cortisol được sản xuất bởi tuyến thượng thận và còn được gọi là “hoóc-môn căng thẳng”. Hoóc-môn quan trọng này giúp cơ thể phản ứng với những tình huống thách thức hằng ngày thông qua việc cung cấp năng lượng tăng cường trong những sự kiện như vậy. Cụ thể, cortisol làm tăng mức đường huyết, tăng huyết áp và ức chế phản ứng miễn dịch để cơ thể hoạt động tối ưu trong những tình huống stress. Ðiều này nhằm cho thấy rằng tình huống đó chỉ là tạm thời, không gây hại cho cơ thể.
Không chỉ vậy, cortisol còn đảm bảo cơ thể hoạt động trơn tru, nhờ tác động điều chỉnh quá trình trao đổi chất, huyết áp và phản ứng miễn dịch. “Cortisol hoạt động với các hoóc-môn khác để đảm bảo lưu lượng máu đến các cơ quan quan trọng và giúp duy trì sự tập trung cũng như năng lượng trong thời gian căng thẳng”, Tiến sĩ Ankita Chandna, Giám đốc Sản phụ khoa tại Bệnh viện Max, cho biết.
Bên cạnh đó, cortisol còn kiểm soát tình trạng viêm. Khi cơ thể ở chế độ “chống trả hay chạy trốn” do bị stress, hoóc-môn này sẽ làm chậm các chức năng không cần thiết như tiêu hóa và sinh sản.
Những ảnh hưởng của mức cortisol cao tới sức khỏe
Thông thường, khi sự kiện gây stress kết thúc, mức cortisol giảm xuống để các chức năng cơ thể bình thường trở lại. Nhưng việc stress kéo dài có thể phá vỡ sự cân bằng cortisol và việc nồng độ cortisol cao liên tục có thể ảnh hưởng đến cả sức khỏe thể chất và tinh thần của một người.
Về mặt sinh lý, mức cortisol cao dẫn đến tăng cân, tăng huyết áp, suy yếu khả năng miễn dịch và bệnh tim. Trong đó, tăng cân do cortisol cao đặc biệt phổ biến ở vùng bụng. Tình trạng này cũng có thể dẫn đến mất cơ, tăng huyết áp, giảm mật độ xương và loãng xương. Hơn nữa, các vấn đề về tiêu hóa như đầy hơi, táo bón hoặc tiêu chảy có thể phát sinh do cơ thể ưu tiên phản ứng với stress hơn là chức năng tiêu hóa.
Mức cortisol cao cũng có tác động rất đáng kể đến sức khỏe tinh thần của chúng ta. “Mức cortisol cao làm tăng khả năng lo lắng, trầm cảm, suy giảm trí nhớ và kém tập trung. Mức cortisol cao làm gián đoạn giấc ngủ, góp phần gây ra sự mất cân bằng này”, Tiến sĩ Praveen Ramachandra tại Bệnh viện SPARSH cho biết.
Nguyên nhân gây tăng cortisol
Theo các chuyên gia, một số yếu tố lối sống góp phần làm tăng mức cortisol bao gồm: ngủ không đủ giấc, ăn không đủ bữa, áp lực công việc cao, thời gian sử dụng thiết bị kỹ thuật số quá nhiều, không cân bằng được công việc và cuộc sống, chế độ ăn nhiều đường và caffeine, vận động quá ít hoặc vận động quá mức, hành vi đối phó stress không lành mạnh như hút thuốc hoặc uống rượu…
Việc mắc một số bệnh lý nội tiết (như hội chứng Cushing) và dùng một số loại thuốc nhất định (như corticosteroid) cũng là nguyên nhân đáng kể gây tăng mức cortisol. Ðối tượng cao có khả năng bị tăng mức cortisol gồm những người làm công việc căng thẳng, người mắc bệnh mãn tính như tiểu đường và người mắc chứng lo âu hoặc trầm cảm. Phụ nữ cũng dễ bị tăng mức cortisol trong các giai đoạn thay đổi nội tiết tố như khi mang thai hoặc mãn kinh.
Biện pháp kiểm soát mức cortisol tăng cao
Uống một số chất bổ sung có thể hỗ trợ giảm stress và hỗ trợ chức năng tuyến thượng thận, từ đó giúp kiểm soát hiệu quả mức cortisol. Trong đó, magiê, omega-3, vitamin B và D là một số chất bổ sung có thể giúp kiểm soát căng thẳng. Ðối với tình trạng mất cân bằng mức cortisol nghiêm trọng, các bác sĩ có thể đề nghị áp dụng một số liệu pháp bao gồm liệu pháp căng thẳng, điều chỉnh chế độ ăn uống và liệu pháp dược lý.
Tuy nhiên, điều quan trọng là phải xác định bất kỳ vấn đề sức khỏe tiềm ẩn nào. “Việc xác định và giải quyết các nguyên nhân gốc rễ, như hội chứng Cushing hoặc rối loạn tuyến thượng thận, trước khi thực hiện các chiến lược quản lý stress nói chung là rất quan trọng”, Tiến sĩ Ramachandra giải thích.
Theo đó, bước đầu tiên để kiểm soát mức cortisol là kiểm soát stress. Các bác sĩ khuyên nên thực hành các kỹ thuật thư giãn tinh thần như thiền, yoga, hít thở sâu, viết nhật ký, tập thể dục thường xuyên và dành thời gian ở ngoài trời. Một điều quan trọng nữa là phải hạn chế tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn, caffeine, đường và rượu, vì những thực phẩm này có thể góp phần làm tăng sản xuất cortisol.
AN NHIÊN (Theo India Today)