“Em ơi vút lên một tiếng đàn. Kìa đàn đã so dây, cung đàn đã lựa phím. Đất nước mình xôn xao mùa vui đang nở rộ. Bình minh chiến thắng reo ca, xuân về non nước bao la. Mầm sống ta ươm giữa đời…”. Từng câu của bài “Cung đàn mùa xuân” (sáng tác Cao Việt Bách) lôi cuốn khán giả vỗ tay theo tiếng hát của nghệ sĩ trẻ trong hoạt động mừng Đảng - mừng Xuân trên Bến Ninh Kiều. 50 năm đại thắng mùa Xuân, những cung đàn tiếp nối ngân nga.
Biểu diễn nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam tại công viên Lưu Hữu Phước, tháng 12-2024. Ảnh: DUY KHÔI
1. Chiều cuối năm, nghệ sĩ nhiếp ảnh Văn Ngọc Nhuần vác máy ảnh, tìm về Hậu Giang để “săn ảnh” khóm Cầu Ðúc. Người nghệ sĩ trưởng thành từ cuộc kháng chiến chống Mỹ, vừa bước vào tuổi 70, vẫn say mê, miệt mài ghi lại từng khoảnh khắc đẹp của thiên nhiên, đất nước.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Văn Ngọc Nhuần là con của Anh hùng, Liệt sĩ Văn Ngọc Chính, người chỉ huy Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ ở làng Hòa Tú (Sóc Trăng) tháng 11-1940. 17 tuổi, chàng trai trẻ Văn Ngọc Nhuần theo học văn hóa ở Trường Lê Văn Tám, sau 4 tháng thì vào công tác ở Tiểu ban Thông tấn Báo chí (Ban Tuyên huấn tỉnh Sóc Trăng). Bắt đầu từ việc làm buồng tối, kỹ thuật làm ảnh, rồi được cấp máy chụp ảnh, ông gắn bó với nghệ thuật nhiếp ảnh từ đó. Ngày Sóc Trăng giải phóng, chàng trai khi ấy 20 tuổi, dù đang bệnh, vẫn cầm máy ghi lại những khoảnh khắc lịch sử của quê hương. Những bức ảnh ấy đến nay đã trở nên vô giá.
Sau ngày đất nước thống nhất, nghệ sĩ nhiếp ảnh Văn Ngọc Nhuần công tác ở Thông tấn xã Hậu Giang, sau đó về Công ty Mỹ thuật Nhiếp ảnh Hậu Giang, Xí nghiệp Ảnh 3 của Thông tấn xã Việt Nam, rồi làm Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật (VHNT), Phó Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Sóc Trăng. Trong “2 vai” nhà báo - nghệ sĩ, nghệ sĩ Văn Ngọc Nhuần luôn có tình yêu mãnh liệt với nhiếp ảnh. Ông tâm sự: “Nhiếp ảnh giúp tôi ghi lại những khoảnh khắc của quê hương, quê hương trong chiến tranh, quê hương ngày hòa bình và quê hương đổi mới hôm nay”. 53 năm cầm máy, khoảng thời gian bằng cả đời người ấy đã đủ minh chứng cho tình yêu ấy.
Nghệ sĩ Văn Ngọc Nhuần là một trong những người đề xuất tổ chức Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực ÐBSCL, tổ chức lần đầu vào năm 1986 tại tỉnh Hậu Giang, tạo tiếng vang trong cả nước. Từ thành công ấy, liên hoan được tổ chức tại các khu vực khác trong cả nước và các hội chuyên ngành VHNT khác cũng theo hình mẫu này mà tổ chức. Nhiều năm liền, gần nhất là năm 2024, ông được Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tặng Bằng khen vì có những đóng góp tích cực cho hoạt động nhiếp ảnh nước nhà.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Văn Ngọc Nhuần trong chuyến tác nghiệp tại Trường Sa vào năm 2008. Ảnh: NVCC
Căn nhà của nghệ sĩ Văn Ngọc Nhuần ở khu dân cư 91B, quận Ninh Kiều, chiều cuối năm vẫn bộn bề hình ảnh. Ông đang cùng nhóm nghệ sĩ, nhà báo tâm huyết thực hiện việc tuyển chọn, biên tập sách ảnh “Tây Nam Bộ kháng chiến - Lịch sử qua ống kính (1945-1975)”. Thù lao “0 đồng”, nghệ sĩ Văn Ngọc Nhuần vẫn nhiệt tâm, tỉ mỉ từng hình ảnh. Ðó là hình ảnh của những nghệ sĩ nhiếp ảnh tiền bối, là hình ảnh quê hương trong khói lửa, đạm bom… nên người nghệ sĩ tuổi 70 nâng niu như báu vật.
Với riêng mình, nghệ sĩ Văn Ngọc Nhuần có một “kho báu” riêng, là tác phẩm sau hơn nửa thế kỷ sống chết với nghề. Ông tâm sự rằng, ông vẫn muốn cầm máy sáng tác, không muốn bỏ sót hành trình của quê hương. Với nghệ sĩ Văn Ngọc Nhuần, chụp ảnh không chỉ là đam mê, mà còn là trách nhiệm - trách nhiệm của người nghệ sĩ với Tổ quốc.
2. Cần Thơ từ bao đời được mệnh danh là xứ sở Cầm Thi Giang, là nơi tao nhân mặc khách tìm về. Nối tiếp truyền thống ấy, các văn nghệ sĩ Cần Thơ trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã viết nên những bản hùng ca quê hương, họa nên những bức tranh gấm vóc Tây Ðô, tạc nên những pho tượng mang dáng hình xứ sở. Còn đó những giai điệu tự hào “Hùng thay Tầm Vu…” của nhạc sĩ Ðắc Nhẫn vang dậy miền Hậu Giang. Âm vang mãi đôi vần thơ của nhà thơ Lâm Thao: “Vòng Cung đi dễ khó về. Ðạn chen đầu đạn, bom kề hố bom”. Sống mãi những nghệ sĩ tay súng, tay đàn của Văn công Cần Thơ “tiếng hát át tiếng bom”. Ðội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh Cần Thơ đã góp phần xứng đáng cho ngày giải phóng quê hương, 30-4-1975.
Triển lãm ảnh nghệ thuật “Quê hương Cần Thơ trên đường đổi mới, phát triển và hội nhập”. Ảnh: DUY KHÔI
Sau khi đất nước thống nhất, Hậu Giang khi ấy đón nhận nhiều cán bộ, văn nghệ sĩ là những người đi tập kết từ 1954 trở về quê nhà. Còn có các văn nghệ sĩ từ miền Bắc, miền Trung vì yêu mến phương Nam nên “đất lành chim đậu”. Cần Thơ còn là địa bàn vùng tiếp quản của các cơ quan quân, dân, chính, đảng Khu Tây Nam Bộ. Tất cả cán bộ các ngành trong kháng chiến đều tập hợp về đây, trong đó có cán bộ Tuyên huấn, Văn nghệ, Văn công…; các văn nghệ sĩ của Ðoàn Văn công Quân khu 9, Ðoàn cải lương và Ðoàn ca múa kịch giải phóng. VHNT Cần Thơ thêm sức sống mới, khí thế mới và với tâm thế tràn ngập niềm vui đất nước hòa bình.
Ngày 2-6-1976, Hội Văn nghệ tỉnh Hậu Giang được thành lập, sớm nhất trong các tỉnh ÐBSCL. Nhắc về thời kỳ này, lúc sinh thời, họa sĩ Tô Dự kể rằng, văn nghệ sĩ rất phấn khởi, tập trung sáng tác, biểu diễn, đời sống văn nghệ ở Hậu Giang vô cùng nổi bật. Tờ Văn nghệ Hậu Giang khi ấy nổi tiếng khắp cả nước, quy tụ nhiều gương mặt văn nghệ sĩ uy tín. Hội Văn nghệ Hậu Giang còn mở nhiều trại sáng tác cho cả ÐBSCL, nhất là về văn học.
Tiếp nối khí thế đó, VHNT Hậu Giang không ngừng khẳng định vị thế, phục vụ rất tốt nhu cầu hưởng thụ tinh thần của nhân dân. Sau khi tỉnh Hậu Giang được chia tách, ngày 18-5-1992, Hội đổi tên thành Hội Văn nghệ tỉnh Cần Thơ. Ngày 14-1-2004 Hội đổi tên thành Hội VHNT TP Cần Thơ và đến năm 2007 đổi tên thành Liên hiệp các Hội VHNT TP Cần Thơ.
Ðến nay, Liên hiệp các Hội VHNT TP Cần Thơ có trên 650 hội viên, gồm 9 hội chuyên ngành: Hội Nhà Văn, Hội Sân khấu, Hội Nghệ sĩ Múa, Hội Âm nhạc, Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật, Hội Mỹ thuật, Hội Văn nghệ dân gian, Hội Kiến trúc sư, Hội Ðiện ảnh - Truyền hình và đang vận động thành lập Hội VHNT các dân tộc thiểu số. VHNT Cần Thơ đang trên hành trình mới, viết tiếp truyền thống Cầm Thi Giang từ hàng trăm năm qua.
Hội Văn nghệ dân gian TP Cần Thơ trong chuyến thực tế sáng tác tại Di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Kim Liên (huyện Nam Ðàn, tỉnh Nghệ An) vào năm 2023. Ảnh: DUY KHÔI
3. Cuối năm 2024, Liên hoan Cải lương toàn quốc được tổ chức tại TP Cần Thơ. Nghệ sĩ từ khắp nơi trong cả nước đều ấn tượng với chủ nhà Cần Thơ vì sự chu đáo, hiếu khách và đặc biệt là cơ sở vật chất tiện nghi, hiện đại. Ông Trần Hướng Dương, Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nói: “Cần Thơ chuẩn bị rất tốt cho việc đăng cai liên hoan. Trung tâm Văn hóa TP Cần Thơ rất khang trang, rộng rãi, nhà biểu diễn đẹp, tiện nghi”.
Dự xem hầu như tất cả các vở diễn trong gần nửa tháng, NSƯT Trúc Linh, nữ nghệ sĩ trưởng thành từ kháng chiến, chia sẻ rằng, hồi chiến tranh phải né bom đi coi hát, hồi mới giải phóng thì phải mua vé đi coi, có người phải leo cây để coi ké. Bây giờ, coi cải lương miễn phí mà còn ngồi phòng máy lạnh. “Quá sướng rồi còn gì!” - nữ nghệ sĩ cười giòn tan.
Một chút ví von của NSƯT Trúc Linh cũng cho thấy sự phát triển vượt bậc của đời sống VHNT Cần Thơ, nhất là hạ tầng văn hóa. Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, cho biết: Thành phố cơ bản hoàn thiện về hạ tầng văn hóa, thể thao, du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trên cơ sở Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thời gian tới, thành phố định hướng đầu tư các dự án như xây dựng mới Thư viện thành phố (giai đoạn 2024-2026), Nhà hát nghệ thuật tổng hợp thành phố và Bảo tàng văn hóa vùng ÐBSCL tại Trung tâm Văn hóa Tây Ðô…
Ở khía cạnh đời sống VHNT, các hội chuyên ngành vẫn luôn khẳng định vị thế tốp đầu trong khu vực. Ðơn cử như Hội Nhà văn TP Cần Thơ, bên cạnh các hoạt động nâng cao chất lượng sáng tác, quảng bá tác phẩm, còn hướng tới lan tỏa đời sống văn học trong cộng đồng, nhất là trong giới trẻ. Các buổi mang tình yêu văn học đến cho sinh viên Trường Ðại học Cần Thơ, học sinh quận Ninh Kiều… là điển hình. Nhà thơ Huệ Thi, Chủ nhiệm CLB Văn học, trực thuộc Hội Nhà văn, chia sẻ: “Chúng tôi luôn tạo cầu nối, là nơi chắp cánh cho tình yêu văn học của tuổi trẻ”.
Các nhà văn Cần Thơ lan tỏa tình yêu văn chương đến học sinh THCS ở quận Ninh Kiều trong hoạt động “Hội Nhà văn Cần Thơ với thế hệ trẻ”. Ảnh: DUY KHÔI
VHNT Cần Thơ còn nổi bật với đội ngũ văn nghệ sĩ trẻ trung, năng động, như những cánh én mùa xuân. “Ðôi uyên ương” của cải lương Tây Ðô - Lê Duy và Hồng Thủy là câu chuyện điển hình. Vợ chồng trẻ vừa cùng đạt Huy chương Vàng tại Liên hoan Cải lương toàn quốc, lại vừa tốt nghiệp Ðại học đạo diễn sân khấu của Trường Ðại học Sân khấu Ðiện ảnh TP Hồ Chí Minh và cùng đoạt rất nhiều giải thưởng cải lương danh giá. Nghệ sĩ Hồng Thủy chia sẻ: “Chúng tôi có được những trái ngọt ban đầu ấy từ sự yêu thương của lãnh đạo, đồng nghiệp và khán giả”.
*
* *
Những câu chuyện trên phác họa VHNT Cần Thơ nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất có bệ phóng từ bề dày truyền thống, nền móng bền vững từ sự đầu tư và tương lai sáng ngời cho hành trình phía trước. Các thế hệ văn nghệ sĩ Cần Thơ luôn chung tay cho hành trình ấy.
Những ngày cuối năm, Chi hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam TP Cần Thơ tổ chức triển lãm ảnh nghệ thuật với tên gọi “Quê hương Cần Thơ trên đường đổi mới, phát triển và hội nhập”. Tâm thế sáng tác và tâm huyết của văn nghệ sĩ đất Tây Ðô nổi rõ trong chủ đề ấy, dùng VHNT để điểm tô cho quê hương mình. Văn nghệ sĩ Cần Thơ như cánh én dệt đời nên xuân, cùng thành phố và đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
ÐĂNG HUỲNH