Với những nỗ lực không ngừng nghỉ kể từ khi đất nước thống nhất, TP Cần Thơ ngày càng khẳng định vị thế trung tâm Y tế vùng ĐBSCL qua tỷ lệ hơn 60% bệnh nhân đến các cơ sở y tế của thành phố là người dân các tỉnh. Nhìn lại chặng đường 50 năm, ngành Y tế Cần Thơ đã có cuộc chuyển mình với nhiều dấu ấn đột phá trong sứ mệnh cao cả vì sức khỏe người dân ĐBSCL.
Sở Y tế TP Cần Thơ ra mắt mô hình phòng khám bác sĩ gia đình, góp phần nâng cao năng lực của y tế tuyến đầu.
“Còn non, còn nước, còn người!...”
Dì Võ Thị Quít (76 tuổi, ở quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) là một trong số 72 cán bộ y tế của miền Tây được đào tạo nghiệp vụ y từ trong kháng chiến. Ðất nước hòa bình, vào cuối năm 1975, dì được phân công nhiệm vụ Trưởng Trạm Y tế An Thới (thuộc quận Bình Thủy ngày nay). Dì nhớ, lúc đó trạm chỉ có 4 người, chủ yếu là y sĩ, y tá, có cả người tham gia cách mạng và người của chế độ cũ. Thiết bị chẩn đoán và điều trị thô sơ, thuốc khan hiếm, với 1, 2 loại kháng sinh dùng trị hầu hết các bệnh nhiễm trùng từ cảm sốt đến tiêu chảy... “Bản thân làm nghề y, nhưng 3 lần mang thai tôi không một lần được khám thai, siêu âm để biết thai ngôi đầu hay ngôi mông. Sau khi sanh tôi mới biết con mình là trai hay gái. Mấy đứa nhỏ vài lần mắc bệnh thập tử nhất sinh vì thiếu điều kiện chẩn đoán và thuốc điều trị nhưng may mắn chúng vượt qua được…”, dì Quít kể.
Một niềm tin son sắt giúp dì Quít và đồng chí, đồng đội kiên tâm, không lung lạc trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt chính là lời căn dặn của Bác trước lúc đi xa:
“Còn non, còn nước, còn người
Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!”*
Dì Quít nhìn nhận, hiện thực đất nước hôm nay đã chứng minh cho lời tiên tri của Bác.
Ðối với BS CKII Phạm Văn Phương, Phó Giám đốc Bệnh viện Ða khoa TP Cần Thơ, những ký ức tuổi thơ thời gian khó vẫn còn in sâu trong tâm trí. Anh kể: “Sau chiến tranh, quê tôi (nay là huyện Thới Lai) cũng gặp nhiều khó khăn và thiếu thốn, từ điều kiện sinh hoạt, sản xuất và y tế. Ký ức tôi vẫn còn lưu giữ hình ảnh những chiếc ghe hàng chạy dọc con kênh, bán đủ thứ vật dụng, ngay cả thuốc chữa bệnh. Một cách chữa khác mà nhiều người dân quê và bản thân tôi khi bị bệnh cũng trải nghiệm là phép cúng trừ tà của thầy lang. Còn có nhiều người khi bệnh thường nằm nhà để tự điều trị và có những trường hợp nặng, không qua khỏi. Cách nhà tôi 5km đến trung tâm chợ có trạm y tế, tuy nhiên cơ sở vật chất, thiết bị sơ sài, vài ống nghe và máy đo huyết áp với tủ thuốc có vài loại cơ bản trị bệnh thông thường”… Xuất phát từ những khó khăn, thiếu thốn kể trên và niềm ưu tư với những nỗi đau mà người bệnh phải chịu đựng đã gieo vào tâm trí “cậu bé” Phương ước mơ trở thành bác sĩ để giúp người thân và người dân quê mình được chăm sóc sức khỏe tốt hơn.
Theo Lịch sử Y tế Cần Thơ, sau hòa bình, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân của ngành Y tế tỉnh Hậu Giang (từ năm 1992 là tỉnh Cần Thơ) gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Các bệnh truyền nhiễm liên tục bùng phát. Dịch sốt rét xảy ra nhiều năm, với tỷ lệ mắc 3,02%, khiến hàng chục ngàn người chết. Dịch hạch, tả, thương hàn, kiết lỵ... xảy ra quanh năm làm nhiều người chết. Ðặc biệt là sốt xuất huyết, tiêu chảy làm chết hàng trăm trẻ nhỏ mỗi năm. Trẻ em suy dinh dưỡng chiếm tỷ lệ 48%; suy dinh dưỡng bào thai 11%. Hằng năm từ 50-80 trẻ mang di chứng bại liệt suốt đời. Tử vong mẹ trong thai sản 100/100.000 ca đẻ sống… Mạng lưới y tế mỏng và yếu, tuyến cơ sở chỉ có vài y sĩ, tỉnh có bệnh viện đa khoa 400 giường nhưng luôn quá tải. Thống kê năm 1976, cán bộ đại học y dược chỉ có 131 người; tỷ lệ bác sĩ trên một vạn dân là 0,61.
Mạng lưới trạm Y tế phủ khắp các xã, phường đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu và phòng chống dịch tại cộng đồng. Trong ảnh: Cán bộ Trạm Y tế Ðịnh Môn vãng gia thăm khám sức khỏe người dân địa phương.
Đội quân áo trắng không lùi bước
Bấy giờ, trước những thách thức, ngành Y tế vừa đối phó với các vấn đề trước mắt, vừa thực hiện chiến lược lâu dài như mở trường đào tạo cán bộ, tổ chức các lớp bổ túc văn hóa, đưa y tá kháng chiến hoặc thanh niên ở nông thôn đi học văn hóa rồi đào tạo y sĩ, hộ sinh trung học... Bên cạnh đó, đẩy mạnh các chương trình dự phòng đồng thời tuyên truyền nâng cao ý thức cộng đồng về vệ sinh phòng bệnh. Các huyện thành lập đội y tế dự phòng, tranh thủ nguồn lực tại chỗ, từng bước hình thành mạng lưới y tế xã - ấp để nâng cao năng lực phòng, chống dịch chủ động tại cơ sở.
Nhờ những nỗ lực đó, đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, tình hình y tế Cần Thơ được khởi sắc. Cuối năm 1998, Cần Thơ được Bộ Y tế biểu dương là tỉnh đi đầu cả nước đạt các chỉ tiêu về y tế: 100% xã có bác sĩ và nữ hộ sinh trung học hoặc y sĩ sản nhi, 100% ấp có cán bộ y tế và tình nguyện viên sức khỏe cộng đồng. Ðến năm 2000, tình hình sức khỏe của nhân dân Cần Thơ được cải thiện đáng kể. Nhiều bệnh dịch như bại liệt, sốt rét ác tính, dịch hạch, bạch hầu, loét giác mạc do thiếu vitamin A không còn xuất hiện. Tỷ lệ bệnh ký sinh trùng sốt rét, suy dinh dưỡng trẻ em, suy dinh dưỡng bào thai và tử vong mẹ trong thai sản đều giảm đáng kể. Bên cạnh đó, ngành Y tế Cần Thơ từng bước phát triển chuyên sâu trong lĩnh vực khám và điều trị.
BS CKII Phạm Văn Phương, Phó Giám đốc BV Ða khoa TP Cần Thơ thăm hỏi bệnh nhân.
Xứng danh vị thế trung tâm Y tế vùng
Suốt hành trình phát triển, ngành Y tế Cần Thơ luôn chú trọng đào tạo nhân lực. Cuối năm 2000, Cần Thơ đã vươn lên dẫn đầu trong vùng về số lượng và trình độ nhân lực y tế. Hiện nay, nhiều chỉ số về nhân lực y tế của Cần Thơ đã vượt trung bình cả nước. Theo thống kê năm 2024, thành phố có hơn 6.000 nhân viên y tế, trình độ sau đại học chiếm hơn 15%, đại học chiếm gần 50%. Số bác sĩ/vạn dân là 18,2; số giường bệnh trên một vạn dân đạt 53,15, gấp 3 lần chỉ tiêu Bộ Y tế. Từ 10 năm qua, 100% trạm y tế của Cần Thơ đạt chuẩn y tế quốc gia: 100% trạm có bác sĩ, hơn 82% trạm có dược sĩ và 87,5% trạm có cán bộ sản phụ khoa.
Hệ thống Y tế Cần Thơ hiện có 31 đơn vị trực thuộc, với 13 bệnh viện tuyến thành phố gồm các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa. Tuyến quận, huyện, xã, phường đều có các bệnh viện, trung tâm Y tế và trạm Y tế phủ khắp. Bên cạnh đó, thành phố còn có mạng lưới bệnh viện tư nhân và các bệnh viện của bộ, ngành. Hệ thống y tế công lập và ngoài công lập có gần 7.000 giường bệnh. Qua khảo sát, tỷ lệ người dân hài lòng với dịch vụ y tế đạt khoảng 88%. Tuổi thọ trung bình của người dân Cần Thơ là 75,9, cao hơn tuổi thọ trung bình của cả nước là 74,5.
Ê-kíp bác sĩ BV Ða khoa TP Cần Thơ thực hiện phẫu thuật cho bệnh nhân.
PGS.TS.BS Hoàng Quốc Cường, Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ cho biết, Nghị quyết 59-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định đến năm 2030, TP Cần Thơ trở thành trung tâm của vùng ÐBSCL về y tế chuyên sâu.
Thực tế là hệ thống y tế Cần Thơ những năm qua không ngừng phát triển cả về số lẫn chất lượng. Bên cạnh trang thiết bị hiện đại, trình độ tay nghề của đội ngũ cán bộ y tế cũng ngày càng được nâng cao, làm chủ các kỹ thuật khó mà trước đây người bệnh muốn tiếp cận phải lên Thành phố Hồ Chí Minh. Con số hơn 60% bệnh nhân đến khám và điều trị tại các bệnh viện là người ngoài thành phố đã khẳng định vị thế trung tâm Y tế vùng của Cần Thơ.
THU SƯƠNG
------------
Tư liệu tham khảo:
1. (*) Trích Di chúc của Bác Hồ
2. Lịch sử Y tế tỉnh Cần Thơ (tập III, thời kỳ 1975-2000) của Sở Y tế TP Cần Thơ xuất bản năm 2005
3. Kỷ yếu 30 năm Xây dựng và phát triển TP Cần Thơ (1975-2005, UBND TP Cần Thơ)
4. Kỷ yếu Cần Thơ 35 năm phát triển và hội nhập (1975-2010)