28/02/2012 - 22:15

Người dân Syrie thông qua Hiến pháp mới

* Nga hoan nghênh, Mỹ và đồng minh phản đối

Tổng thống al-Assad (bìa phải) vẫn nhận được sự ủng hộ của phần lớn người dân Syrie. Ảnh: AP  

Hôm qua, Tổng thống Syrie Bashar al-Assad, đã ký thông qua bản Hiến pháp mới được sự nhất trí của gần 90% cử tri nước này trong cuộc trưng cầu ý dân ngày 26-2. Ông cho rằng đây là một kết quả tốt đẹp, bất chấp sự đe dọa của một số nhóm khủng bố vũ trang, cũng như các chiến dịch xuyên tạc và kích động của truyền thông bên ngoài nhằm ngăn cản người dân Syrie thực hiện quyền bỏ phiếu và đe dọa tiến trình dân chủ ở quốc gia Trung Đông này.

Theo kết quả bỏ phiếu, Hiến pháp mới do Tổng thống Bashar al-Assad đề xuất nhằm xoa dịu tình hình căng thẳng trong nước nhận được ủng hộ của hơn 8 triệu cử tri, chiếm 89,4% số phiếu. Tuy nhiên, số người tham gia bỏ phiếu vừa qua chưa tới 60% cử tri toàn quốc. Hiến pháp mới xóa bỏ quy định đảng Ba’ath của Tổng thống Assad là đảng độc quyền lãnh đạo tại Syrie và mở ra cơ hội tiến hành bầu cử với sự tham gia của nhiều ứng viên. Hiến pháp này cũng quy định thời hạn liên tục nắm quyền tối đa của một tổng thống là 2 nhiệm kỳ (mỗi nhiệm kỳ 7 năm). Nhưng quy định này không tính đến thời gian nắm quyền trong quá khứ đến nay, cho phép ông Assad (46 tuổi, nhậm chức từ năm 2000) có thể tiếp tục lãnh đạo đất nước nếu vượt qua cuộc bầu cử năm 2014, thời điểm ông kết thúc nhiệm kỳ hiện tại.

Bộ Ngoại giao Nga đã ra tuyên bố hoan nghênh kết quả cuộc trưng cầu dân ý vừa qua ở Syrie, coi đây là một bằng chứng cho thấy sự ủng hộ của người dân dành cho chính quyền. Tuyên bố nhấn mạnh: “Mát-xcơ-va đánh giá đây là một bước tiến quan trọng hướng tới cải cách của Chính phủ Syrie, nhằm đưa Syrie trở thành một quốc gia dân chủ hiện đại”. Nga cũng một lần nữa kêu gọi tất cả các bên ở Syrie ngừng bạo lực ngay lập tức và khởi động một cuộc đối thoại vô điều kiện nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay.

Tuy nhiên, phe đối lập tại Syrie không ủng hộ bản Hiến pháp sửa đổi vì cho rằng ông al-Assad và cha ông (người nắm quyền tổng thống suốt 30 năm) “chỉ nói suông và giả dối” đối với nghĩa vụ pháp lý hiện có. Các nhóm nổi dậy tại Syrie, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và các đồng minh châu Âu cho rằng cuộc trưng cầu dân ý trên là “vô nghĩa”. Giới ngoại giao phương Tây cho rằng kết quả cuộc trưng cầu trên không thuyết phục và cho biết những điểm bỏ phiếu mà họ đến quan sát tại Damas chỉ ghi nhận một số ít cử tri đi bỏ phiếu.

Trong thời gian này, số người thương vong tại Syrie vẫn tiếp tục gia tăng. Các Truyền thông phương Tây đưa tin có đến 124 người chết hôm 27-2. Quận Baba Amr của thành phố Homs là nơi chịu ảnh hưởng nặng nhất trong các cuộc đụng độ giữa lực lượng chính phủ và phe nổi dậy, với 64 người thiệt mạng khi cố gắng chạy thoát khỏi khu vực này. Xe cứu thương của tổ chức Trăng lưỡi liềm Đỏ A-rập tại Syrie đã vào được Baba Amr và bắt đầu công tác cấp cứu. Hội Chữ thập đỏ quốc tế cũng đang dốc sức sơ tán dân thường và cố gắng thương lượng để có 5 ngày an toàn di tản dân khỏi Baba Amr nhưng các nỗ lực đều thất bại do cuộc đụng độ quân sự đang diễn ra và sự không tin tưởng giữa chính phủ và lực lượng nổi dậy.

THUẬN HẢI (Theo Guardian, Reuters, Xinhua)

Chia sẻ bài viết