04/06/2019 - 09:05

Ngư phủ “bẻ kèo“, chủ tàu thiệt hại 

Thời gian gần đây, trên vùng biển tỉnh Kiên Giang xảy ra tình trạng ngư phủ chống đối lại chủ tàu, tài công sau khi ra khơi đánh bắt được ít hôm. Họ không chịu làm việc, đòi về đất liền...

Lực lượng Biên phòng phối hợp cùng công an, quân sự huyện Phú Quốc tiến hành kiểm tra giấy tờ các ngư dân đánh bắt trên vùng biển Kiên Giang.

Lực lượng Biên phòng phối hợp cùng công an, quân sự huyện Phú Quốc tiến hành kiểm tra giấy tờ các ngư dân đánh bắt trên vùng biển Kiên Giang.

Có nhiều vụ tự lén lên bờ, lên đảo mỗi khi tàu vào bến neo đậu. Nguy hiểm hơn họ còn lén tự nhảy xuống biển, tìm cách vào các đảo, hoặc tìm tàu khác để vào bờ… Sau khi phát hiện, báo cho cơ quan chức năng, số ngư phủ này cho biết họ bị ép lên tàu làm việc, quá cực khổ, lương lại thấp, nên họ bỏ trốn.

Cuối tháng 5-2019, một nhóm thanh niên gồm 11 người trôi dạt trên biển, trong lúc kiệt sức, may mắn được một tàu cá vớt lên bàn giao cho Đồn Biên phòng Thổ Châu, thuộc Bộ đội Biên phòng Kiên Giang. Nhóm ngư phủ này khai báo lòng vòng. Người thì nói bị tàu lạ rượt đuổi, người nói tàu của họ bị chìm, người khai bị “cò” ở TP Hồ Chí Minh giới thiệu xuống tàu cá Kiên Giang làm việc. Khi ra khơi đánh bắt, do bị ép lao động quá vất vả, làm không nổi nên bỏ trốn...

Qua vụ việc trên và một vài vụ trong năm 2018, chúng tôi tìm đến các chủ tàu cá, được họ cho biết, thời gian gần đây, trên vùng biển đánh bắt không hiệu quả, tiền chia cho ngư phủ sau mỗi chuyến biển không cao, nên ngư phủ không làm nữa, tìm lao động tại địa phương rất khó. Trước thực trạng khan hiếm lao động phổ thông, một số công ty tư nhân, hoặc “cò” từ các tỉnh, mà nhiều nhất là ở TP Hồ Chí Minh môi giới, đưa người về Kiên Giang tìm việc làm. Khi nhận ngư phủ xuống tàu đi biển, mức lương thỏa thuận chứ không chia phần trăm theo cách truyền thống. Tiền trả cho các “cò” cũng thỏa thuận: Một là chủ tàu lo, hai là người tìm việc trả.

Ngoài việc để có nhân công lao động gấp, chủ tàu phải cho các ngư phủ mới ứng trước một ít tiền để ở nhà cho vợ con, mặc dù không hề biết gia cảnh, nơi ở ra sao. Nhiều là vài chục triệu đồng, ít thì 5-10 triệu đồng, tùy tính chất, mức độ công việc và kinh nghiệm đi biển. Các chủ tàu cho biết, đây toàn là những thanh niên thất nghiệp, lười, không quen làm việc nặng, sức khỏe kém, không quen sóng gió... Nhưng khi nhe giới thiệu nghề biển có tiền nhiều, được ăn uống đầy đủ nên họ tìm đến. Phía chủ tàu do cũng cần lao động ngay, nên “nhắm mắt” thuê. Khi ra khơi vài ngày, những ngư phủ này thường là tránh né việc nặng, không chịu được sóng,  tìm mọi cách chống đối với tài công, hoặc những ngư phủ đã quen nghề, làm thuê lâu năm ở địa phương.

Khi đến các đồn, trạm Biên phòng tìm hiểu, các cán bộ ở những nơi có tiếp nhận tin báo, hoặc tiếp nhận các ngư phủ bỏ tàu lên bờ thường là một nhóm, toàn là thanh niên khỏe mạnh. Vậy việc khi ra khơi họ cho là bị chủ tàu, tài công ép làm việc năng nhọc, bị đánh đập là vô lý. Bởi trên tàu thường chỉ có một tài công, ít khi có chủ tàu đi cùng. Vậy làm sao một người hoặc hai người có thể chống đối lại một nhóm thanh niên lực lưỡng.

Còn việc có ép lao động quá nặng nhọc hay không? Nghề biển là nghề khá vất vả, nhất là ghe cào. Phần nhiều các nghề khai thác hải sản đều làm vào ban đêm, cũng đồng nghĩa với việc người lao động phải thức trắng, chỉ ban ngày xong việc mới được ngủ. Do các thanh niên từ nơi khác đến, không tìm hiểu kỹ, chưa từng biết đến đi biển là gì, xuống tàu được ít hôm đã đòi về là chuyện đương nhiên. Việc làm của họ ảnh hưởng rất lớn đến chuyến biển, kéo theo nhiều chi phí của chủ tàu, nên tài công không đồng ý vào bờ, mà yêu cầu ngư phủ phải tiếp tục làm làm việc, chứ không phải ép buộc lao động. Nên khi vào được trạm Biên phòng, những ngư phủ này khai là bị tài công ép làm việc, nhưng thực tế là chủ tàu, tài công bị áp lực của những ngư dân này còn nhiều hơn.

Về vấn đề trả công thấp, bắt làm việc nhiều, cơ bản là có, nhưng tiền cho mỗi chuyến biển vẫn cao hơn rất nhiều so với những việc làm phổ thông khác. Tuy nhiên, do đặc thù nghề biển cũng như bản chất lười lao động của ngư phủ mới vào nghề nên mới xảy ra vụ việc trên.

Về phía cơ quan chức năng cũng không đồng tình với hành vi đã thỏa thuận hợp đồng, dù là hợp đồng miệng, sau đó bỏ ngang của các thanh niên từ nhiều nơi về đây xin làm ngư phủ. Mỗi chuyến biển, chủ tàu phải chi phí rất lớn cho tiền dầu, ngư lưới cụ, tiền thực phẩm cho ngư phủ… Khi đang đánh bắt các ngư phủ lại bỏ ngang, không tiếp tục làm việc là chủ tàu bị thiệt hại rất lớn. Vậy để chấp dứt tình trạng này, chủ tàu, tài công nên tìm hiểu quê quán, gia cảnh, biết người thân của các thanh niên xin việc trước khi nhận xuống tàu làm, không nên cho ứng quá nhiều tiền trước mỗi chuyến biển. Cần có hợp đồng pháp lý rõ ràng, để tránh tình trạng tiền mất, còn bị tố là ép buộc lao động.

PHƯƠNG ANH

Chia sẻ bài viết